Bát cháo tình thương của vợ chồng chị Hương

Chỉ một loáng, chị Phạm Thị Lan Hương và anh Đỗ Minh Hòa đã phát sạch 150 bát cháo tình thương tại Bệnh viện K. Từ nồi cháo từ thiện, chị Hương chia sẻ về câu chuyện đời của vợ chồng mình

Khoảng cách từ lúc tôi nảy ra ý nấu cháo từ thiện cho đến khi chúng tôi đặt bát cháo tình thương vào tay người bệnh chỉ vẻn vẹn đúng ba ngày. Có người đã vui vẻ bình chọn “Nồi cháo của chị Hương ngon nhất viện K”. Với tôi, đó là thành quả ngọt ngào nhất sau một hành trình nhọc nhằn mà vợ chồng tôi cùng những con người một thời lầm lạc đã trải qua.

TỪ LỖI LẦM THỜI NIÊN THIẾU

Trước kia, tôi mở một tiệm may trên phố Cầu Đất, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày ấy, có một anh thanh niên thường đi rao chè ngang qua tiệm may. Thấy tiếng rao ngọt ngào dễ mến, tôi gọi lại để mua cân chè. Từ chỗ bán chè, anh trở thành vị khách thường xuyên lui tới tiệm để đặt may quần áo. Những lúc rảnh rỗi, anh còn giúp tôi đơm khuy, thùa khuyết… Khi đã thân thiết, anh kể cho tôi nghe về quá khứ của mình.

Những năm 1990, cứ nhắc đến cái tên Hòa “dô” là cả con phố Ngọc Hà ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Học hết cấp hai, anh đi buôn đồ hàng thùng, bán chó Nhật… Kiếm được bao nhiêu tiền anh đều nướng hết vào những trận tụ tập, đàn đúm. Rồi anh dính vào ma túy lúc nào không biết. Không có tiền, anh Hòa đánh liều đi cướp xe. Trong một lần cướp xe máy năm 1996, anh đã bị bắt và lĩnh án sáu năm tù.

Có lần, mẹ lên thăm mang cho anh cuốn nhật ký viết dang dở, trong trang đầu tiên có dòng thơ “Tội gốc buồn đau chôn vào dĩ vãng/ Mở đường tỉnh ngộ, gốc khổ tiêu tan…”. Nỗi mong mỏi báo hiếu bố mẹ già đã khiến anh cải tạo tốt và trở về đúng dịp Tết năm 2002.

Những ngày ở tù, cứ nghĩ tới hình ảnh mẹ lặn lội lên thăm, đôi bàn tay nhăn nheo nắm chặt tay con là anh Hòa trằn trọc khó ngủ

CHO ĐI ĐỂ SỐNG VUI

Bố anh mua cho anh chiếc xe máy cà tàng để đi làm công nhân ở nhà máy chè Quang Long. Nhờ khéo chào hàng nên có ngày anh bán hết 100kg chè khô và duyên số đã cho anh gặp tôi.

Cuối năm 2003, tôi về làm vợ anh. Sau khi sinh bé Minh Quân hai tháng, tôi gửi con và theo chồng buôn bán đủ thứ, từ bánh trung thu, quần áo vỉa hè đến lọ hoa dịp Tết. Nhiều hôm hai vợ chồng bán hàng, dọn dẹp tới 12 giờ đêm cũng không thấy mệt.

Nhìn cảnh con phải uống nước cháo thay sữa, vợ chồng tôi động viên nhau phải cố gắng để có ngày thoát khổ, bù đắp cho con. Bé Minh Quân được hơn một tuổi mới biết đến mùi vị của sữa hộp. Thêm mấy năm tích cóp, có được số vốn 20 triệu đồng, chúng tôi mở dịch vụ cho thuê xe máy, sau đó là cho thuê xe du lịch, rồi kinh doanh quán karaoke, bia hơi. Đến năm 2011, anh chuyển sang mở nhà hàng lẩu cháo ở đường Thụy Khuê.

Cuộc sống đầy đủ cũng là lúc anh thấy mình cần phải làm việc gì đó để chuộc lại lỗi lầm. Thấy hồ Đầm Tròn và hồ Bảy Gian bị ô nhiễm nặng, anh đã xin phép phường cải tạo hồ thành nơi câu cá, tạo không gian xanh cho khu phố. Anh còn nhận những người đã từng đi cải tạo vào làm việc với tâm niệm giúp mọi người có việc làm và hòa nhập xã hội hoặc làm từ thiện giúp bà con vùng bão lũ. Vì thế, khi tôi nảy ra ý định nấu cháo từ thiện giúp bệnh nhân viện K, anh đã ủng hộ ngay lập tức, xe giám đốc thành xe chở bát cháo tình thương. Những người đã từng đi cải tạo về mà bướng bỉnh, anh đều cho đi phát cháo để họ nhìn thấy những mảnh đời đang chiến đấu với tử thần mà có ý chí vươn lên.

Đều đặn chiều thứ Ba, thứ Bảy, vợ chồng tôi mang bát cháo tình thương đến viện. Từ ngày theo bố mẹ đi phát cháo, nhìn cảnh những em bé đầu trọc, đau đớn vì truyền hóa chất, các con tôi không còn vòi vĩnh mua đồ chơi, quần áo đẹp, trái lại còn tự giác học tập và biết “nuôi“ lợn đất giúp bạn nghèo.

THÔNG TIN THÊM

√ Hiện anh Đỗ Minh Hòa là giám đốc Công ty TNHH Hòa Hương, số 6, Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội và khách sạn Hòa Hương, 16 Hàng Buồm, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến giờ, vợ chồng anh đã giúp đỡ hơn 30 người từng có tiền án, tiền sự. Hiện 13 người từng có tiền án đang làm việc ở các cơ sở kinh doanh của anh với mức lương 2,5 – 5 triệu đồng/tháng. Anh còn trang bị 5 chiếc laptop để mọi người đọc báo, học tin học.

 Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua