Bảo vệ con trước bạo lực học đường

Đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma mặc áo giấy. Với những kẻ bắt nạt nơi trường học, con bạn cần được trang bị kiến thức để đứng lên và chống lại

Tuần rồi, vụ nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị nhóm bạn cùng lớp lột đồ, đánh hội đồng dã man khiến dư luận dậy sóng. Không chỉ bạo hành, kẻ ức hiếp còn quay clip và phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hậu quả: nạn nhân sang chấn tâm lý, đang điều trị tại bệnh viện tâm thần. Ban giám hiệu nhà trường đang bị đình chỉ.

Sự việc được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm: Liệu con chúng ta ở trường có từng là nạn nhân của bạo lực học đường? Làm sao để bảo vệ con trước đám bạn đầu gấu trong lớp? Làm sao giúp con có ý thức phản ứng trước cái ác để bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác trước kẻ hành hung.

Khi con còn nhỏ, đến lớp mẫu giáo, bạn hay dạy con: “Bạn đánh con, con phải méc cô giáo”. Khi con lớn lên, dù bạn có dặn “méc cô”; con cũng không muốn làm việc ấy vì lòng tự trọng cao ngút của một đứa trẻ đang lớn. Ngay cả con méc cô, liệu gì thầy cô đã ra tay bảo vệ con?

Thầy cô ở trường nơi nữ sinh Hưng Yên bị đánh đập; lột đồ ngay trong lớp học dù biết clip học trò bị đánh vẫn xem đó là chuyện học trò đánh nhau “sơ sơ”, không nghiêm trọng. Cô chủ nhiệm chỉ yêu cầu học trò xóa clip, không cho phát tán ra ngoài. Vì bệnh thành tích, giáo viên có xu hướng giấu nhẹm chuyện xấu; rất ít thầy cô trở thành anh hùng bảo vệ con bạn.

Bởi vậy, chẳng ai khác, chỉ con bạn mới là người duy nhất có thể bảo vệ chính mình ở trường học. Vậy làm sao để con bạn biết bảo vệ mình trước bạo lực học đường; trước những nhóm đầu gấu luôn tồn tại trong mỗi lớp học, cấp học?

bao luc hoc duong hinh anh 1

Bắt đầu từ sự dạy dỗ trong gia đình

Một đứa trẻ quen bị bạo hành, không được đón nhận và yêu thương đúng cách ở nhà rất dễ trở thành nạn nhân lẫn chủ nhân của bạo lực học đường. Việc thường xuyên ăn đòn của người lớn khi không nghe lời; khi có lỗi khiến cho con trẻ tự hiểu và chấp nhận bạo lực như một phần bình thường của cuộc sống. Nó cũng gieo rắc vào đầu trẻ ý nghĩ rằng: Muốn đạt được điều mình muốn, khẳng định được vị trí; trẻ phải dùng nắm đấm, bạo lực.

Những đứa trẻ không rơi vào hai nhóm này có thể rơi vào nhóm thờ ơ; tê liệt cảm xúc như đám bạn chứng kiến cảnh nữ sinh bị hành hung mà không can thiệp, còn hả hê quay clip. Trẻ quen với cách giáo dục ép buộc, một chiều sẽ không dám phản biện. Bởi thế, muốn bảo vệ con chủ động; bạn phải thay đổi cách dạy con ngay từ trong gia đình, từ khi con còn tấm bé.

Ngưng dùng bạo lực với con để không biến mình thành tấm gương hành vi xấu của con. Thêm vào đó, bạn hãy khuyến khích con nói lên ý kiến của mình; kể cả ý kiến đó trái chiều với mong muốn của bạn.

Dạy con đối diện với cái ác

Trẻ bị đánh một lần, nếu không phản kháng; đứa trẻ ấy sẽ tiếp tục bị vùi dập với mức độ ngày càng đau đớn hơn, nhục nhã hơn. Nói như thầy cô trong vụ nữ sinh Hưng Yên bị đánh đập hội đồng; em bị đánh vì… quá hiền. Vụ việc nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng ở Hưng Yên đã khơi dậy ký ức bị bắt nạt ở nhiều người.

Anh Phúc Hậu, TP. HCM cũng từng là một nạn nhân của bạo lực học đường. Anh đã vượt qua nó bằng chính sự quyết liệt, dám chống lại cái ác. Cách anh tự mình vượt qua nỗi sợ; tự mình đối diện với bạo lực học đường cũng là cách hay mà bạn có thể hướng dẫn cho con.

Anh chia sẻ: “Tôi xin chia sẻ một câu chuyện của chính tôi về cái ác. Hồi nhỏ tôi hay bị bắt nạt đến nỗi lúc nào cũng hốt hoảng sợ sệt. Bọn bạn đầu gấu ở xóm, ở trường đều thích hù dọa làm tôi giật mình.

Gần nhà có chuyến xe lửa chạy qua; mỗi lần đi học về tôi đều lén ra ngồi chỗ bệ đá sát chỗ tàu chạy qua để chờ tàu. Lúc đó tôi 6, 7 tuổi và nghĩ đây là thứ đáng sợ nhất rồi. Tôi không bao giờ quên được cảm giác khi chuyến t3àu lao qua mình sát rạt; trái tim tôi như vỡ ra, run rẫy và phấn khích. Kết quả, tôi vẫn bị bắt nạt nhưng không sợ bọn chúng nó nữa.

10 tuổi, đầu năm lớp 4, một đứa trong bọn hay đánh tôi; chòng ghẹo kéo váy của một bạn gái trước mắt mọi người. Cô bạn tôi sợ hãi khóc ầm lên. Tôi lẳng lặng vác cái ghế băng dài nơi cuối lớp ra sân, nhìn vào mắt thằng đầu gấu nhóc độc địa kia và ra tay. Tôi bị phạt đứng úp mặt vô tường. Từ đó, tôi không còn bị bắt nạt nữa. Và tôi cũng ghét cảm giác đánh hay làm ai đó đau đớn, nó chả vui vẻ gì…

Hãy hành động và phản ứng với cái ác, bởi tất cả chúng ta có thể là nạn nhân của nó”.

Con bạn có nguy cơ trở thành kẻ bạo lực?

Đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn hung hăng; do các con chưa có kỹ năng ngôn ngữ để thể hiện những cảm xúc bản thân. Chuyện trẻ xô ngã một người bạn, lấy đồ chơi đập vào đầu bạn làc huyện thường gặp ở lứa tuổi trẻ mới biết đi.

Đến khoảng 7 tuổi, trẻ đã có thể diễn đạt mọi cảm xúc bằng lời. Các hành vi hung hăng sẽ giảm dần. Nếu tính hung hăng của trẻ không cải thiện; đó là lúc bạn cần phải lo lắng rằng con bạn có xu hướng trở thành một đứa trẻ bạo lực. Những đứa trẻ này ngoài việc thích gây hấn, làm hư hỏng tài sản; còn thích chơi với các loại vũ khí, thích khoe khoang về hành vi bạo lực của mình với người khác, ám ảnh với những bộ phim hoặc game bạo lực, tàn ác với vật nuôi, hay bắt nạt người khác

Bạn cần sớm đưa con đến bác sĩ tâm lý nhi khoa. Can thiệp sớm, bạn sẽ kiểm soát được những hành vi của con.

Không có lý do duy nhất gây ra bạo lực học đường. Một số đứa trẻ bạo lực vì tính tình hung hăng. Số khác có thể vì bị bắt nạt, bắt buộc phải vùng dậy. Đó cũng có thể vì trẻ mô phỏng lại game, hành động nhìn thấy trên đường phố, tivi, phim ảnh… Một số khác, bạo lực lại xuất phát từ vấn đề tâm thần của chính các em như trầm cảm; tăng động. Trẻ cảm thấy bị cô lập, không được chú ý hay xuất phát từ gia đình; nơi các em không được cha mẹ quan tâm hay “yêu thương” bằng đòn roi, bằng nắm đấm.

Vấn đề là bạn cần xem xét toàn diện lại môi trường sống của con để tìm ra nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực ở con trẻ. Mỗi nguyên nhân sẽ có giải pháp can thiệp phù hợp vì lẽ không có giải pháp nào đúng cho tất cả các nguyên nhân.

Bài: XOA NGUYỄN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua