Chúng ta thường có thói quen đi chợ hoặc siêu thị một lần để tiết kiệm thời gian, sau đó cho hết tất cả thực phẩm vào tủ lạnh để dùng dần. Thức ăn thừa cũng hay được cho vào tủ lạnh một cách tuỳ ý. Nhưng bạn có biết rằng, hành động này không chỉ lãng phí thực phẩm mà còn gây hại cho môi trường rất nhiều. Hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu cách bảo quản, sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh sao cho không bị lãng phí nhé.
Không nên trữ thực phẩm đầy hết tủ lạnh
Bạn chỉ nên trữ thực phẩm khoảng 1/2 tủ lạnh. Bởi việc có quá nhiều thực phẩm sẽ gây cản trở luồng khí lạnh. Điều này sẽ khiến nhiệt độ trong tủ lạnh không đều, thực phẩm nhanh bị hư hỏng.
Trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh còn che khuất tầm nhìn, khiến bạn quên đi sự hiện diện của nhiều món. Sau một thời gian, bạn lại quên dùng chúng và cuối cùng phải bỏ đi vì bị hư hỏng.
Bảo quản thực phẩm theo từng ngăn phù hợp
Nơi dành cho rau củ là hộc dưới cùng tủ lạnh. Bạn nên loại bỏ phần lá xanh không cần dùng của nhiều loại rau củ, như cà rốt, củ cải, su hào… Rau củ nên được bao bọc bằng vải thưa thấm chút nước hay giấy nhựa loại có đục lỗ li ti.
Mặt kính sát với ngăn rau củ là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá. Bởi đây là nơi có nhiệt độ thấp nhất trong ngăn mắt. Còn ngăn gần với phần đông đá nhất là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ mát như sữa chua, bánh ngọt.
Các ngăn ngay cửa là vùng ấm nhất của tủ lạnh và nhiệt độ lên xuống thất thường. Bạn chỉ nên bảo quản các thực phẩm có chất bảo quản tự nhiên ở đây. Chẳng hạn như gia vị, mứt và nước trái cây. Sữa là thứ bạn không nên để ở vị trí này.
Đối với trứng, cách bảo quản tốt nhất là để nguyên hộp và cất vào trong tủ lạnh. Bạn không nên đặt từng quả ở vỉ của cánh tủ lạnh. Nhiệt độ ở phần cánh tủ không đủ lạnh để giữ trứng tươi trong thời gian dài.
Cẩn thận khi để trong ngăn đông
Nhiều người nghĩ rằng ngăn đông tủ lạnh sẽ làm đông thực phẩm lại và có thể bảo quản bao lâu tùy thích. Quan niệm này hoàn toàn không đúng. Ngăn đông thường có nhiệt độ -18 độ C. Với nhiệt độ này, thực phẩm tươi sống có thể bảo quản tối đa 3 tháng. Quá thời hạn này, các chất dinh dưỡng và độ tươi ngon sẽ biến mất, hoặc thực phẩm có thể bị hỏng hoàn toàn.
Các loại thịt và cá sống cần được tách biệt với các loại thực phẩm khác để tránh nhiễm khuẩn. Đây là lý do nhiều tủ lạnh có ngăn đựng thịt riêng. Nếu tủ lạnh nhà bạn không có ngăn đó, thì bạn nên bọc chúng lại cẩn thận hoặc để trong hộp đựng. Cách này sẽ bảo vệ thực phẩm khỏi mùi và hương vị của những thứ khác. Trước khi đóng gói, bạn nên rửa sạch tay.
Nếu bạn sử dụng túi nhựa để bảo quản thực phẩm thì nên kiểm tra là chúng không chứa BPA. Đây là thành phần gây hại cho sức khỏe. Cách an toàn nhất cho sức khoẻ lẫn bảo vệ môi trường là dùng hộp đựng thực phẩm bằng nhựa không chứa BPA hoặc bằng thuỷ tinh.
Những loại thực phẩm không nên cho vào tủ lạnh
Bơ, chuối, đào, lê, mận, dưa hấu… là những loại trái cây không nên cho vào tủ lạnh. Bởi chúng tạo khí etilen dễ làm hỏng các thực phẩm khác. Dưa hấu nếu đã được gọt vỏ và cắt thành miếng thì phải để trong tủ lạnh. Nhưng bạn chỉ nên để chúng từ 2 – 3 tiếng.
Dưa chuột, cà chua và cà tím cũng không nên cho vào. Bởi những loại quả này chỉ thích hợp ở nhiệt độ phòng. Nếu bạn để chúng quá 6 – 8 ngày thì chúng sẽ bị đổi màu và không ăn được nữa. Cách tốt nhất để bảo quản thực phẩm này được tươi lâu là để trên bàn và phủ một chiếc khăn mỏng lên để tránh bị ruồi giấm xâm hại.
Đối với thực phẩm thừa, bạn chỉ nên giữ chúng trong 4 ngày. Pizza và thịt đã nấu chín thì để từ 3 -4 ngày. Với bánh mì hoặc các thực phẩm nướng thì bạn nên để nguội trước khi cho vào tủ lạnh. Vì nếu còn nóng thì hơi ẩm sẽ khiến chúng không đông đá được.
Tiếp Thị Gia Đình