Bảo quản thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn đúng cách và an toàn

Thực phẩm để qua đêm sẽ mất đi giá trị dinh dưỡng và sản sinh thêm độc tố gây hại cho sức khỏe, nhất là trong những ngày trời nóng

bao-quan-thuc-an-thua

Bảo quản thức ăn thừa bằng cách để qua đêm sẽ mất đi giá trị dinh dưỡng và sản sinh thêm độc tố gây hại cho sức khỏe. (Ảnh: Shutterstock)

Chỉ thị giãn cách xã hội yêu cầu người dân hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết. Lúc này, nhiều người lựa chọn mua nhiều thực phẩm dự trữ và dùng dần. Tuy nhiên, không chỉ có thực phẩm tươi sống, trong tủ lạnh còn có các món ăn vừa nấu chín và món đã nấu từ những ngày trước.

Việc để lẫn thức ăn sống – chín tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Chưa kể, việc để thực phẩm chín qua 1 đêm và nhiều đêm cũng không an toàn. Cụ thể ra sao, mời bạn tham khảo ý kiến của bác sĩ Phạm Minh Thành để biết cách bảo quản thức ăn thừa đúng cách nhé!

Nhóm thực phẩm nào sẽ dễ sản sinh độc tố nếu để qua đêm?

Theo BS. Thành, bảo quản thức ăn thừa bằng cách để qua đêm sẽ mất đi giá trị dinh dưỡng và sản sinh thêm độc tố gây hại cho sức khỏe, nhất là trong những ngày trời nóng. Dưới đây là những nhóm thực phẩm nên cẩn trọng:

Rau có màu xanh

Các loại rau có màu xanh chứa hàm lượng nitrat rất cao. Sau khi đun nấu và bảo quản trong một thời gian dài, chúng sẽ biến thành nitrite – một chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm.

Hải sản

Các loại hải sản đã chín không nên để qua đêm. Bởi chúng chứa nhiều chất đạm lạ và sẽ biến đổi gây ngộ độc thực phẩm.

Trứng luộc lòng đào

Trứng có thể bị nhiễm khuẩn salmonella. Nếu luộc chín, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt. Nhưng với trứng luộc lòng đào, chúng sẽ còn sống và dễ dàng sinh sôi nếu để lâu.

Các loại nấm

Nấm khi nấu chín có chứa 1 hàm lượng nitrat. Nếu để qua đêm, lượng nitrat này sẽ phát triển thành nitrite và gây hại tương tự rau xanh.

Canh

Chúng ta thường đặt cả nồi canh vào tủ lạnh. Nếu nồi làm từ nhôm hoặc inox kém chất lượng, món ăn sẽ dễ bị kết tủa và sản sinh độc tố. Vì vậy, bạn nên bảo quản bằng đồ thủy tinh hoặc gốm.

Nộm, gỏi

Các món ăn này không cần dùng nhiệt độ để làm chín nên vi khuẩn và ký sinh trùng rất dễ sót lại.

Đậu nành

Thời hạn sử dụng của đậu nành khá ngắn. Nếu để lâu, lượng vi khuẩn sẽ nhanh chóng sinh sôi và gây hại cho cơ thể người.

>>Xem thêm: Những điều quan trọng về đậu nành mà bạn nên biết

Làm thế nào để nhận biết ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm là biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn hoặc uống những thức ăn nhiễm độc, nhiễm khuẩn hay thức ăn bị biến chất ôi thiu. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của ngộ độc thực phẩm là đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn ra thức ăn hoặc nước. Đồng thời, bệnh nhân sẽ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có thể lẫn máu. Triệu chứng kèm theo là sốt cao, cảm giác đau đầu, ê mỏi toàn thân…

Theo BS. Thành, tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện đột ngột sau vài phút, vài giờ hoặc có thể sau 1 ngày. Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày. Trong trường hợp nặng hơn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Nếu nhiệt độ cơ thể lên đến 40°C kèm các triệu chứng bất thường như co giật, rối loạn ý thức và suy hô hấp, không được gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Khi xác định người bệnh mắc ngộ độc và nôn ít nhưng vẫn còn tỉnh táo, bạn có thể đào thải lượng thức ăn gây nhiễm độc bên trong cơ thể của họ ra ngoài. Đầu tiên, để đầu bệnh nhân cúi thấp hơn ngực. Sau đó, dùng 2 ngón tay của bệnh nhân để ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ hoặc tăm bông đưa vào gốc lưỡi gây phản xạ nôn.

Trong trường hợp ngộ độc kèm tiêu chảy, hãy cho người bệnh uống nhiều nước lọc và nghỉ ngơi. Có thể bù nước bằng dung dịch oresol được pha theo chỉ dẫn.

Tuy nhiên, nếu người bệnh không thể ăn hoặc uống trong hơn 12 giờ kèm các triệu chứng tiểu ít, miệng khô, khát nhiều, lơ mơ, chóng mặt, sốt cao… hãy đưa họ đến bệnh viện ngay vì dấu hiệu này có thể cảnh báo một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn.

>>Xem thêm: 9 thực phẩm có hại cho não bộ

Cách bảo quản thức ăn thừa

Theo BS. Thành, chúng ta nên bảo quản thức ăn thừa nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 8ºC. Nhiệt độ này có thể làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn gây hại. Các loại thức ăn nhanh như giò, chả, xúc xích, dăm bông, thịt hun khói… đã qua chế biến có thể để được trong thời gian từ 4 – 6 ngày, nếu bảo quản trong ngăn đá có thể lên đến 10 ngày.

Các món thịt bò, gà, heo, cá đã nấu chín có thể đem dùng lại sau 1 – 2 ngày để trong ngăn mát tủ lạnh. Các loại bít tết, thịt quay vẫn còn an toàn trong khoảng từ 3 – 5 ngày. Thịt muối để tủ lạnh tối đa 7 ngày. Các loại sữa nên dùng hết trong vòng 1 tuần.

Lưu ý quan trọng, khi bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh, bạn nên dùng màng bọc thực phẩm chuyên dụng hoặc cho vào hộp có nắp đậy kín. Càng ít không khí lọt vào sẽ giúp món ăn lâu hư hơn.

Lưu ý khi bảo quản thức ăn tươi sống

Không nên cất các loại rau đã chế biến vào tủ lạnh vì có thể tạo ra các chất gây ung thư.

Thực phẩm tươi sống nếu không trữ ở ngăn đông thì cần chế biến ngay trong ngày.

Hạn chế đặt các hộp lớn phía trên và trong cùng vì sẽ chắn luồng khí lạnh thổi từ lưng tủ ra ngoài. Để bảo quản trứng, sữa được tốt nhất, bạn nên đặt chúng trong các hộp chuyên dụng.

Không khí trong tủ lạnh sẽ đi từ trong ra ngoài. Do đó, thực phẩm cần bảo quản lâu nên sắp xếp gần lưng tủ để ổn định độ lạnh.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua