Những ngày qua, trang Airvisual thống kê, Hà Nội và TP. HCM luôn nằm trong nhóm 10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới. Ở một số thời điểm, chỉ số chất lượng ô nhiễm không khí (AQI) của 2 thành phố này cao nhất thế giới. Thông số bụi mịn và siêu mịn vượt chuẩn nhiều lần.
Ô nhiễm không khí vốn là thứ khó nhìn thấy được. Nhưng giờ đây đã nghiêm trọng đến mức hiện hữu bằng bầu trời mịt mù. Những cảm nhận trực tiếp nơi cơ thể như mệt mỏi, khó thở, cay mắt hay đau rát ở da.
Vì sao không khí ngày càng xấu đi?
Có thể xếp nguyên nhân ô nhiễm không khí vào hai nhóm: Nhóm yếu tố tự nhiên và nhóm do yếu tố con người.
Trong nhóm yếu tố tự nhiên gây ô nhiễm không khí, đứng đầu là các vụ cháy rừng. Cháy rừng xả các hạt bụi mịn và làm tăng lượng Oxit Nitơ (NOx) trong không khí. Các trận bão sinh ra NOx và cũng trở thành một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Núi lửa phun trào có thể giải phóng đủ lượng sulfur dioxide vào không khí. Nó ảnh hưởng xấu đến việc làm mát toàn cầu.
Ngoài ra, quá trình phân hủy xác động – thực vật tự nhiên đều thải vào bầu không khí những chất ô nhiễm. Đó là những nguyên nhân khách quan, khó dự báo, khó ngăn chặn. Tuy nhiên, chúng không phải là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng xấu, nghiêm trọng như hiện nay.
Nguyên nhân chính mà các chuyên gia cảnh báo đến từ con người. Dù trực tiếp hay gián tiếp, mỗi hoạt động sinh hoạt của chúng ta hiện nay đều góp phần thải “chất độc”; đầu độc bầu không khí mình đang thở.
Dễ nhìn thấy nhất, ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng chưa khắc phục được, đến từ các hoạt động giao thông. Nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên, hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải Cacbon Monoxit (CO) của toàn TP.HCM; 97% NMVOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không chứa metan); 93% NOx, 78% lưu huỳnh dioxit (SO2), 46% bụi và 64% khí metan (CH4).
Dẫn đầu bảng xếp hạng gây ô nhiễm là xe máy
Chỉ riêng xe máy đã đẩy vào không khí 90% lượng CO; 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx.
Các hoạt động đòi hỏi quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt cũng tạo ra vô số các chất khí độc hại; như CO2, CO, SO2, NOx và các chất hữu cơ chưa cháy hết như muội than, bụi.
Việc xử lý các chất thải này không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến không khí trong khu vực có hoạt động công nghiệp nói riêng và bầu không khí của trái đất nói chung.
Bên cạnh đó, việc nấu nướng hàng ngày bằng điện, gas, đặc biệt là sử dụng nhiên liệu truyền thống như củi, gỗ, than, chất thải cây trồng… đều thải carbon monoxit, formaldehyd và các chất ô nhiễm có hại khác vào bầu không khí.
Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP. HCM đang liên tục tăng cao ở mức báo động. Đặc biệt, sự gia tăng bụi mịn PM10, PM2.5 gia tăng từ 1,9 – 2,2 lần, cao hơn so với quy chuẩn quốc gia và cao gấp nhiều lần khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nguồn sinh ra bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Loại bụi mịn này được khuyến cáo gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Dân số càng tăng, đô thị hóa càng mạnh mẽ thì áp lực lên không khí càng dữ dội.
Bệnh tật, chết sớm vì ô nhiễm không khí
Chúng ta có thể nhịn ăn từ 8–21 ngày, nhịn uống từ 3–5 ngày mà không chết. Nhưng chỉ cần nhịn thở từ 30–180 giây, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mất ý thức. Và chỉ 5 phút sau, cái chết sẽ xảy ra. Chúng ta cần hít thở liên tục để đảm bảo sự sống. Nhưng hít thở khí độc, bụi ô nhiễm cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự giết cơ thể mình theo cách khác.
Bằng việc hít thở không khí ô nhiễm, tuổi thọ của con cái chúng ta sinh ra ngày hôm nay sẽ giảm trung bình 20 tháng. Ở Nam Á, tuổi thọ của trẻ có thể bị cắt ngắn tới con số quá sốc: 30 tháng. Chỉ riêng việc tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 trong không khí cũng làm giảm hơn 1 năm tuổi thọ. Ô nhiễm không khí trong nhà chịu trách nhiệm cho việc giảm 9 tháng tuổi thọ.
Theo nghiên cứu của State of Global Air (SOGA) năm 2019, ô nhiễm không khí ước tính đã gây ra gần 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2017. Trong 10 trường hợp tử vong, có 1 trường hợp chết vì ô nhiễm không khí. Khiến nó trở thành một kẻ giết người lớn hơn cả sốt rét và tai nạn đường bộ.
Alastair Harper, người đứng đầu các chiến dịch và vận động tại Unicef (Anh), đã cảnh báo nhiều lần về mối đe dọa của ô nhiễm đối với sức khỏe trẻ em. Bằng chứng tiếp tục cho thấy việc tiếp xúc với không khí độc hại gây ra tình trạng nhẹ cân, giảm sự phát triển của phổi và gây hen suyễn ở trẻ em.
Người lớn tuổi là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm không khí. Gần 9 trong số 10 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí là ở độ tuổi trên 50.
Cũng theo theo báo cáo của SOGA, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 41% ca tử vong trên toàn cầu do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cảnh báo, không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu cơ thể. Những hạt bụi có kích thước nhỏ như PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản.
Bảo vệ thế nào?
Trước tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, bạn có thể tự bảo vệ mình, giảm thiểu tối đa những nguy hại của bụi mịn, chất ô nhiễm trong không khí bằng cách nào?
Cài đặt ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm AirVisual
Ứng dụng giúp cung cấp chất lượng không khí theo chỉ số AQI (Mỹ), đưa ra cảnh báo và lời khuyên theo từng mốc; tra cứu nồng độ 1 số tác nhân nguy hiểm như: PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide… Dựa vào đó, bạn có thể biết thời điểm nào không khí tốt hay nguy hại để sắp xếp công việc trong nhà và ngoài trời cho phù hợp.
Tránh tập thể dục ngoài trời vào những ngày mức độ ô nhiễm cao
Nếu cần, bạn hãy đi bộ trong nhà, trong trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục hoặc sử dụng máy tập thể dục, chơi các môn thể dục trong nhà. Ngay cả ngày bình thường, trời quang thoáng đãng, bạn cũng nên tránh tập thể dục gần các khu vực có mật độ giao thông cao.
Sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm trong nhà bạn
Giảm sử dụng năng lượng điện, gas, bạn có thể giúp cải thiện chất lượng không khí nói chung; hạn chế khí thải nhà kính và giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà. Chọn giải pháp nấu nướng hiện đại thay cho nấu bếp lò, bếp than, củi. Không đốt rơm, gỗ, rác.
Người lớn và cả trẻ em nên dùng kính mắt và đeo khẩu trang phù hợp như N95, N99 hoặc N100
Khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp và ôm khít quanh mũi và miệng. Vào những ngày quá ô nhiễm, bạn có thể đeo chồng 2 khẩu trang.
Sử dụng phương tiện công cộng
Đi lại bằng xe buýt, xe hơi sẽ giúp bạn hạn chế hít phải khí ô nhiễm so với việc đi bằng xe máy. Chọn các tuyến đường giao thông thông thoáng và nếu có thể, bạn hãy sắp xếp công việc để có thể tránh giờ cao điểm.
Hạn chế mở cửa nhà trong những ngày ô nhiễm
Bụi lơ lửng rất dễ phát tán trong không gian. Trang bị thêm máy lọc không khí, thường xuyên hút bụi để giúp thanh lọc không khí trong nhà bạn.
Vệ sinh cơ thể khi trở về nhà
Mỗi ngày, sau khi đi ngoài đường, bạn nên tắm rửa ngay, vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý.
Tăng cường cây xanh xung quanh
Trồng thêm nhiều xung quanh vừa tạo cảnh quan vừa giúp giảm bớt ô nhiễm.
Đừng quên duy trì lối sống lành mạnh
Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn có khả năng miễn dịch tốt. Hệ miễn dịch tốt là màng chắn, bảo vệ bạn trước những tác nhân ô nhiễm độc hại có trong không khí.
Không khí chúng ta hít thở đã đạt đến mức ô nhiễm nguy hiểm. Một số chất dinh dưỡng chống oxy hóa tự nhiên có thể giúp cơ thể bạn tăng cường sức khỏe; đối phó với sự tấn công dữ dội này. Đó là vitamin C (ổi, chanh, cam, quýt, rau xanh); vitamin E (dầu ôliu, quả bơ, các loại hạt), omega (cá hồi, cá thu, cá mòi, dầu cá, quả óc chó); vitamin A (bột nghệ, cà rốt, bí đỏ…).
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong hạt bí ngô, hạt hướng dương và hạt lanh có rất nhiều magiê. Đây là một khoáng chất quan trọng hỗ trợ và bảo vệ hệ hô hấp; đồng thời giúp thư giãn và giảm viêm. Vì thế, bạn có thể thở dễ dàng hơn nếu bổ sung các loại hạt này vào trong khẩu phần.
Bên cạnh thức ăn, 30 phút tập thể dục mỗi ngày vô cùng tốt. Tuy nhiên, vào ngày ô nhiễm nặng, bạn nên tập những môn trong nhà như gym, yoga…
Ngoài ra, cơ thể chỉ khỏe khi được ngủ đủ giấc và kiểm soát stress tốt. Việc này giúp hệ miễn dịch bảo vệ bạn tốt hơn trước các tác nhân gây hại.
Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình