Nhiều phụ huynh e dè khi nói với con về giới tính, nhưng đó lại là con đường duy nhất để con bạn hiểu đúng và biết cách tự bảo vệ bản thân.
Từ khi mới chào đời, bé đã tò mò về thân thể. Bạn thấy bé hay chạm tay vào bộ phận sinh dục khi được mẹ thay tã hay đang tắm? Đây là những cử chỉ tò mò rất bình thường và bạn đừng nên la mắng bé. Trong độ tuổi này, bạn có thể gọi bộ phận sinh dục là “con chim”, “con bướm” nhưng khi bé được 2–3 tuổi trở đi, bạn cần gọi tên chính xác các bộ phận để bé quen dần khi nghe các từ liên quan đến giới tính sau này.
Tuổi 2–3: Dương vật, âm đạo là gì?
Ở tuổi này, bạn cho con mặc đồ lót và dạy con cách gọi tên thẳng các bộ phận này như “dương vật”, “âm đạo”. Hãy nói cho con biết, vùng mặc đồ lót là vùng riêng tư. Ngoài bố hoặc mẹ có thể đụng chạm vào khi tắm cho con, không ai được phép đụng vào vùng này của con. Người nào cố tình đụng vào là người xấu.
Tuổi 3–4: Con sinh ra từ đâu?
Bé chưa hiểu hết quy trình phức tạp của quá trình sinh sản, bạn chỉ cần trả lời: “Trong bụng mẹ có tử cung. Con sống trong tử cung mẹ đến khi con đủ lớn để ra đời”.
Tuổi 4–5: Con được sinh ra như thế nào?
Bé bắt đầu tò mò cao độ rồi đấy. Khi nói với con về giới tính, bạn chỉ cần giải thích: “Khi con sẵn sàng để chào đời, tử cung sẽ co bóp để đẩy con ra ngoài qua âm đạo của mẹ”.
Tuổi 5–6: Làm sao lại có con được?
Bạn có thể trả lời: “Cha và mẹ đã cùng tạo ra con”. Nếu bé hỏi đến cùng: “Tạo ra thế nào?”, bạn cần trả lời chi tiết: “Là do tinh trùng của bố kết hợp với trứng của mẹ tạo ra con”.
Tuổi 6−7: Hiểu biết cơ bản về quá trình giao hợp
Bạn có thể nói: “Tự nhiên đã tạo nên cơ thể nam và nữ để phù hợp với nhau như những mảnh ghép. Khi dương vật của bố đưa vào trong âm đạo của mẹ, dương vật phóng ra các chú tinh trùng, chúng bơi đến với trứng trong bụng mẹ. Bố thả rất nhiều tinh trùng nhưng vì con là chú tinh trùng bơi nhanh nhất, khỏe nhất nên chui vào quả trứng trước nhất. Thế rồi, con từ từ lớn thành em bé và trở thành con của mẹ”. Đây cũng là lúc bạn phải giải thích với con: “Phụ nữ không cho phép bất cứ đàn ông nào cho dương vật vào âm đạo của mình. Phụ nữ chỉ cho khi họ đã lớn, đã yêu, lấy chồng và họ muốn có con với người đàn ông ấy mà thôi”. Ngược lại, đàn ông cũng không cho dương vật của mình vào âm đạo của phụ nữ nếu phụ nữ không đồng ý và hai người chưa đủ lớn, chưa có tình cảm với nhau. Ngoài ra, bất cứ đàn ông nào cũng không được phép đụng vào bộ phận đó của con.
Tuổi 8–9: Cởi mở
Khi nói với con về giới tính, bạn cần cởi mở, chia sẻ mọi chuyện liên quan đến quan hệ tình dục với con, bởi nếu không, con cũng tò mò tự tìm hiểu qua bạn bè, mạng Internet. Bé có thể hiểu hết mọi chủ đề, từ tình dục an toàn, người nam, người nữ phải làm gì, đến những khái niệm như hiếp dâm. Bạn có thể cùng con tìm hiểu về những điều bé muốn hỏi để có câu trả lời thỏa đáng. Hãy coi những vấn đề về tình dục là một môn khoa học thường thức để sẵn sàng chia sẻ nó cho con của bạn.
Tuổi 9–11: Chuẩn bị
Nói với con về những thay đổi trong tuổi dậy thì. Với bé gái, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên có thể đến bất cứ lúc nào. Bạn cần chuẩn bị tâm lý cho con bằng cách chia sẻ với bé về kỳ kinh đầu tiên của bạn, tại sao có kinh, phải làm gì khi có kinh, không cho người khác xâm hại ra sao. Bạn cùng thảo luận với con các tin tức liên quan đến quan hệ tình dục, các vụ án cưỡng bức, để con có thêm kinh nghiệm bảo vệ mình trước các “yêu râu xanh”.
Đối với con trai, tuổi dậy thì đánh dấu bằng mụn trứng cá nổi trên mặt, sự phát triển của tinh hoàn, có lông mu, bé suy nghĩ về tình dục nhiều hơn và xuất tinh khi ngủ. Bạn hãy nói với con đây là hiện tượng bình thường, chứng tỏ con đang lớn lên. Lúc này, bạn cũng nên nói với con thế nào là yêu, phải làm gì nếu cảm thấy thích hoặc muốn chia tay một cô bạn gái.
Từ tuổi 12 trở đi
Trẻ thường tự tìm hiểu các thông tin mình muốn biết. Do đó, bạn nên gần gũi, nghe con chia sẻ nhiều hơn để biết con đang hiểu đúng, hiểu sai chỗ nào, từ đó giúp con nhận thức lại đúng đắn hơn.
XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình