Một cậu bé học sinh lớp 2 ở trường tiểu học Trung tâm khu Hoàng Nham, đường Đông Thành, thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã viết một đoạn nhật ký theo đề bài yêu cầu của cô giáo. Khi bài viết được công khai, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhận ra hình ảnh cậu mô tả về người mẹ nghiện smartphone của cậu dường như cũng ngày ngày diễn ra trong mỗi gia đình.
Trong đó, chi tiết gây xúc động nhiều nhất chính là việc cậu đấm bóp rồi rửa chân cho mẹ với hy vọng mẹ chịu rời mắt khỏi màn hình điện thoại mà trò chuyện với mình. Thế nhưng, bao nỗ lực của cậu vẫn không thay đổi được thói quen nghiện smartphone của người mẹ ấy. Cậu bé cảm thấy vô cùng buồn bã và thất vọng.
Liên quan đến các vấn đề này, giáo sư Allan Schore, thuộc trường đại học California, Los Angeles (Mỹ) đã đặc biệt nhấn mạnh sự tương tác giữa trẻ con với người nuôi dưỡng chúng (thường là người mẹ). Dựa vào kết quả nghiên cứu, ông chỉ ra rằng: Các gen trong não của trẻ bị tác động sâu sắc bởi những gì mà nó được đối xử. Nếu càng bị lơ là, não sẽ càng bị tổn thương và những di chứng của nó tồn tại mãi mãi, kéo dài đến cả những thế hệ sau.
Mời bạn cùng đọc đoạn nhật ký của cậu bé tiểu học ấy để cùng khám phá những điều con trẻ cảm nhận khi người lớn chúng ta nghiện smartphone khi ở nhà:
“Thứ 3, ngày 8/3
Hôm nay là ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Trong ngày này, mình muốn gửi lời cảm ơn tới mẹ của mình vì hàng ngày mẹ đều phải đi làm hết sức mệt mỏi, mình sẽ làm một vài việc cho mẹ.
Đầu tiên, mình kể cho mẹ nghe một câu chuyện nhỏ. Nhưng hình như mẹ không thích nghe chuyện mình kể, mà cứ dán mắt vào điện thoại thôi. Điều này khiến mình rất buồn.
Mình nghĩ có lẽ mẹ sẽ vui khi nghe lời chúc của mình, vậy nên mình đã gửi lời chúc mừng ngày 8/3 đến mẹ. Thế nhưng mẹ vẫn nhìn chằm chằm vào điện thoại khiến cho mình càng cảm thấy buồn hơn. Mình nghĩ cách này chắc cũng không được rồi, mình sẽ đấm lưng cho mẹ vậy.
Mình dùng hết sức đấm lưng cho mẹ, nhưng mẹ vẫn không rời mắt khỏi chiếc điện thoại, gương mặt chẳng tươi tỉnh chút nào. Mình lại càng buồn hơn nữa. Sau đó, mình quyết định đi rửa chân cho mẹ.
Lúc mình rửa chân cho mẹ, cuối cùng mẹ cũng rời mắt khỏi chiếc điện thoại. Việc này khiến mình cảm thấy vui hơn một chút nên càng ra sức rửa chân cho mẹ.
Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, mình hy vọng sẽ được mẹ khen thưởng, thế mà mẹ lại chỉ nghiêm giọng nói với mình: “Hôm nay con rửa chân tốt đấy, nhưng lần sau rửa sạch hơn chút nữa nhé!”
Mình thật sự rất buồn. Thế rồi lúc đi ra khỏi phòng, mẹ còn không quên dặn dò mình: “Mau đi viết nhật ký đi!”
Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 của mình đã trôi qua một cách buồn chán như thế đó.”
Khi đọc xong bức thư này, bạn có nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đó? Và liệu bạn có muốn con mình có những cảm xúc như cậu bé trên?
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình