Góp vốn mua chung bất động sản là giải pháp tốt trong trường hợp bạn thiếu vốn, cần huy động vốn gấp để sở hữu được một bất động sản. Song sau khi mua, giữa các đồng sở hữu cũng rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng liên quan đến tài sản chung, cụ thể như khi bán nhà đồng sở hữu có kẻ muốn bán, người lại không.
“Máu” đầu tư nhưng lại thiếu tiền
Chị Trịnh Phương Anh, TP. HCM, trong thư hỏi Tiếp Thị Gia Đình đã chia sẻ: “Khi nghe một người cần bán nhà gấp với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, tôi lập tức muốn mua để đầu tư. Lúc đó, tôi không có đủ 3,5 tỷ đồng tiền mặt nên đã huy động vốn từ hai người chị ruột và một người bạn thân. Người bạn này lại kéo thêm được một người bà con khác. Nhờ đó, chúng tôi đã mua được căn nhà đó với số tiền góp vốn của 5 người bằng nhau. Chúng tôi dự định, khi có lời sẽ bán để hưởng lời và chia đều lợi nhuận”.
“Sau thời gian dài rao bán, có người mua với giá gần 5 tỷ đồng. Do cần tiền để trả nợ, tôi muốn bán nhà đồng sở hữu đó để thu hồi vốn. Ba người khác cũng đồng ý, chỉ riêng một người phản đối vì muốn để lâu sẽ có giá hơn. Trong trường hợp này, những người muốn bán nhà như tôi nên làm gì? Mâu thuẫn phát sinh là điều chúng tôi đã không lường trước khi làm hợp đồng hợp tác đầu tư”.
Giải quyết bằng luật
Đúng là việc bán nhà đồng sở hữu phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu. Song, nếu sự thỏa thuận giữa các bên không thành công, bạn có thể giải quyết bằng pháp luật. Theo điều 126 về mua bán nhà ở thuộc sở hữu chung, luật Nhà ở số 65/2014/QH13, nếu có chủ sở hữu chung không đồng ý bán, các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, trường hợp chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc bán phần quyền sở hữu nhà ở và điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì phần quyền đó được bán cho người khác.
Với quy định trên, trong trường hợp của bạn Phương Anh, khi 1 trong 5 chủ sở hữu bất động sản không đồng ý bán, 4 người đồng ý bán có thể làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết. Khi đó, tòa sẽ giải quyết theo pháp luật. Người không đồng ý bán sẽ nhận được quyền ưu tiên mua phần sở hữu của 4 người muốn bán. Nếu trong thời hạn 30 ngày mà người này không mua, 4 người còn lại có quyền bán cho người khác.
Không ai muốn việc góp vốn mua chung bất động sản phải nhờ sự can thiệp của tòa án vì trong thời gian chờ xử lý, bạn đã lỡ nhiều cơ hội thu hồi vốn. Do đó, để hạn chế bất đồng, bạn nên chọn hợp tác với người thân tín và cần quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các đồng sở hữu, các quy định về việc bán ra, phân chia lợi nhuận trong hợp đồng.
BÀI: PHÚ NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình