Bạn nên làm gì khi trẻ giành giật đồ chơi?

Giành giật đồ chơi với trẻ con hàng xóm, đó có phải là thuộc tính của trẻ? Hành động này mang ý nghĩa thế nào? Bạn nên làm gì để giải quyết rắc rối này?

CÁC BÉ NGHĨ GÌ?

Nhà tâm lý Alyson Schafer, tác giả của nhiều cuốn sách về dạy trẻ em như Breaking the Good Mom Myth (2007), Honey, I Wrecked The Kids (2009) và Ain’t Misbehavin (2011), cho biết, nhiều người nghĩ rằng việc bé giành giật đồ chơi là biểu hiện của tính tàn bạo, cộc cằn và ích kỷ.

Tuy nhiên thực tế, trẻ con nghĩ rất đơn giản. Giành giật là cách duy nhất để mình sở hữu đồ chơi. Lúc này, bé chưa có cảm giác xấu hổ, chưa biết thể hiện bằng ngôn ngữ và cũng không biết quan tâm đến cảm xúc của “đối thủ”. Các kỹ năng xã hội khác cần phát triển dần thông qua sự dạy dỗ và kinh nghiệm mà bé nắm bắt trên hành trình lớn lên.

20151126-khi-tre-gian-du-ban-nen-lam-gi-hinh-anh-1

Giành giật đồ chơi là một cách trẻ thể hiện sự chiếm hữu

Ở độ tuổi lên hai, bé có thể giật đồ chơi, sẵn sàng đẩy, cắn, đánh trẻ khác để đòi món đồ chơi mình thích. Thật khó tin nhưng đây là 11 điều bé nghĩ:

♦ Nếu tôi thích đồ chơi đó, nó là của tôi.

♦ Cho bạn đồ chơi đó, nếu tôi đổi ý thì nó là của tôi.

♦ Nếu tôi có thể lấy đồ chơi từ bạn, nó thuộc về tôi.

♦ Nếu tôi đã cầm nó vài phút trước đó, nó là của tôi.

♦ Nếu đồ chơi là của tôi, bạn không được chơi.

♦ Nếu tôi và bạn cùng xây lâu đài, khi xây xong, nó là của tôi.

♦ Nếu đồ chơi của bạn giống của tôi, nó là của tôi.

♦ Nếu tôi nhìn thấy đồ chơi đầu tiên, nó là của tôi.

♦ Nếu bạn bỏ đồ chơi xuống và tôi nhặt được, nó thuộc về tôi.

♦ Nếu đồ chơi hỏng, nó sẽ là của bạn.

♦ Nếu đồ chơi bị hỏng nhưng bạn vẫn thích nó, nó lại là của tôi.

Đó là lý do tại sao các khu vui chơi, nhà trẻ có rất nhiều đồ chơi giống nhau. Họ hiểu rằng khi một đứa trẻ cầm chiếc điện thoại nhựa thì những đứa trẻ khác đều muốn có nó. Những món đồ chơi giống nhau sẽ hóa giải các cuộc tranh chấp, vỗ về nhận thức muốn sở hữu và chiến thắng của bé.

Còn theo nhà tâm lý Nora Newcombe, Canada, các bé tuổi mầm non thường nghĩ rằng mình phải có bằng được thứ mình thích, bất kể người khác chấp nhận hay không chấp nhận.

CÓ CẦN TRỌNG TÀI?

Một nghiên cứu năm 2012 của các nhà tâm lý người Mỹ, Susan Gelman, Erika Manczak và Nicholaus Noles khẳng định, trẻ hai tuổi chưa nhận thức rõ về quyền sở hữu. Khi thấy món đồ chơi của bạn khác, bé hai tuổi có xu hướng không đoái hoài đến món đồ chơi của mình mà đòi món đồ chơi của bạn. Chỉ khi đến ba tuổi, trẻ mới ý thức rõ hơn cái gì của mình.

Bởi thế, nếu trẻ dưới ba tuổi vẫn giành giật đồ chơi của trẻ khác, bạn cũng không cần quá lo lắng. Việc thích giành giật sẽ dần biến mất khi bé lớn lên, hiểu về chia sẻ, nhường nhịn với bạn bè.

gianh giat do choi hinh anh 02

Hãy dạy trẻ cách chia sẻ thay vì giành giật đồ chơi

Nếu bé giành giật, bạn không nên mắng con là hư, ích kỷ. Việc này có thể làm trẻ phát triển theo các tính cách đó. Bạn chỉ cần bình tĩnh, không la mắng hoặc lập tức làm trọng tài. Trong mỗi cuộc tranh giành đó, hai bé thường có cách giải quyết riêng khiến người lớn phải ngạc nhiên. Bạn chỉ vào cuộc khi hai bé có thể gây tổn thương nhau.

Khi phải làm trọng tài, bạn có thể ôm bé bị giật đồ chơi và nói: “Bạn làm phiền con khi lấy mất đồ chơi của con đúng không? Không sao, bạn chơi một lát rồi sẽ trả lại cho con. Bây giờ con chơi tạm món đồ chơi này nhé”. Đôi khi chẳng cần món đồ chơi thay thế, chỉ cần người lớn vỗ về, bé sẽ không còn ấm ức nữa. Về lâu dài, bạn nên hướng dẫn con cách chia sẻ với mọi người thông qua việc làm gương và kiên trì giải thích với bé vì sao nên chia sẻ.

BẠN BIẾT KHÔNG?

♥ Càng mua nhiều đồ chơi, bé càng nhõng nhẽo và dễ trở nên chán nản.

♥ Cha mẹ thường mua đồ chơi để bù đắp vì mình đã không dành thời gian cho con.

♥ Cha mẹ là đồ chơi đầu tiên và quan trọng nhất của trẻ. Đồ chơi tốt nhất là loại khuyến khích sự tương tác giữa cha mẹ và trẻ em. Con rối cũng là đồ chơi tuyệt vời vì bé có thể kể một câu chuyện và bạn sẽ khám phá con đang nghĩ gì.

♥ Đồ chơi sáng tạo có thể làm từ những thứ có trong nhà như thùng rỗng, thìa, nồi. Trẻ có khả năng sáng tạo đồ chơi từ những vật này tốt hơn là chơi với đồ chơi bày bán sẵn.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua