Bạn nên làm gì khi trẻ bị sốt?

Sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Song đôi khi nhiều phụ huynh lại phát sốt hơn cả bé và bối rối không biết xử trí thế nào

Bạn có biết sốt là phản ứng thông thường của hệ thống miễn dịch khi tiếp xúc với virus hay nhiễm khuẩn. Mặc dù trẻ bị sốt là dấu hiệu của bệnh nhưng thường không quá nguy hiểm nếu phụ huynh biết xử lý đúng cách ngay từ đầu.

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt

Việc trẻ bị sốt do nhiều nguyên nhân gây ra. Thông thường, bé có thể bị một trong 4 nguyên nhân sau: nhiễm trùng, tiêm chủng, mọc răng và mặc quá nhiều quần áo. Nếu không phải do nhiễm trùng, cơn sốt của trẻ chỉ ở dạng nhẹ, âm ấm người.

Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao, đó có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm. Ví dụ như viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não nhiễm khuẩn huyết,… Khi trẻ sốt và đi kèm các triệu chứng mệt mỏi; rét run; xuất huyết; co giật; nôn; khó thở; tím tái; ngủ li bì; vật vã hay hôn mê, bạn cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.

Xử lý ngay khi phát hiện

Khi trẻ bị sốt nhẹ, nhiệt độ đo được là từ 37,5 – 38,5°C thì cha mẹ chỉ cần nới lỏng; cởi bớt quần áo của trẻ. Lúc này, trẻ chưa cần dùng thuốc hạ sốt mà chỉ cần được cho uống nhiều nước. Nếu trẻ còn đang bú sữa mẹ thì có thể cho trẻ bú nhiều hơn.

Khi trẻ bị sốt cao trên 38,5°C thì ngoài việc cởi bớt quần áo và cho trẻ mặc quần áo mỏng, mềm, thoáng, rộng rãi; phụ huynh cần giảm nhiệt độ trong phòng bằng cách mở cửa, bật quạt nhẹ, tránh gió lùa vào người. Đồng thời, trẻ cần được cho uống thuốc hạ sốt paracetamol dành cho trẻ nhỏ (hàm lượng thấp, đơn chất dạng viên nén, viên sủi hoặc siro).

trẻ bị sốt

Thuốc hạ sốt này dễ sử dụng và giúp hạ sốt nhanh sau khi uống 30 phút và tác dụng trong vòng 4 – 6 giờ. Thuốc ít có tác dụng phụ. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ uống đúng liều lượng/cân nặng theo chỉ định. Đúng liều chỉ định là 10 – 15mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu vẫn còn sốt. Bạn nên cho trẻ dùng 3 – 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg thể trọng/ngày.

Trường hợp trẻ không uống được, có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên đặt hậu môn. Lưu ý, nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì không nên dùng thuốc dạng viên đặt này.

Đặc biệt lưu ý, trong cơn sốt cao, trẻ có thể bị rét run. Cha mẹ tuyệt đối không ủ ấm hay mặc thêm áo quần áo cho trẻ. Thay vào đó, cần phải tìm cách hạ nhiệt nhanh chóng bằng cách làm mát cơ thể và môi trường xung quanh trẻ. Đây là cách phòng ngừa tốt nhất và an toàn nhất để trẻ không bị sốt co giật.

Đánh giá trẻ bị sốt ở mức độ nào bằng cách kẹp nhiệt kế vào nách

Nhiệt độ từ 37,5 – 38,5 độ C: Sốt nhẹ

Nhiệt độ từ 39 – 40 độ C: Sốt cao

Nhiệt độ trên 40 độ C: Sốt rất cao

Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua