Với doanh nghiệp gia đình, khi thành lập công ty lựa chọn phổ biến nhất là thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Vậy bạn nên chọn loại hình nào?
Doanh nghiệp tư nhân
Bạn chọn thành lập công ty doanh nghiệp tư nhân? Đây là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Ưu điểm
♠ Đây là loại hình khởi nghiệp kinh doanh ít tốn kém nhất. Thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản.
♠ Ít chịu sự ràng buộc của pháp luật nhất so với các loại hình kinh doanh còn lại.
♠ Bạn có toàn quyền đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tính bí mật đảm bảo cao.
♠ Bạn có thể trực tiếp quản lý hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
♠ Vì một mình làm chủ, bạn có thể quyết định cơ cấu tổ chức doanh nghiệp gọn nhẹ.
Nhược điểm
♠ Bạn có toàn quyền quyết định nhưng cũng là người chịu trách nhiệm với mọi hoạt động của doanh nghiệp.
♠ Nếu có rủi ro, mọi tài sản cá nhân và doanh nghiệp thuộc sở hữu của bạn cũng sẽ biến thành tài sản để khắc phục hậu quả chứ không giới hạn trong số vốn góp vào doanh nghiệp như ở loại hình công ty TNHH hay công ty cổ phần. Để “lách” điều này, một số chủ doanh nghiệp tư nhân thường tách bạch tài sản của vợ và của chồng.
♠ Bạn sẽ là bị đơn trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp. Ngay cả khi bạn thuê giám đốc quản lý thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm.
♠ Bạn chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân, không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
♠ Không có tư cách pháp nhân, khiến bạn khó tạo được lòng tin vững chắc trước các khách hàng lớn.
♠ Hạn chế trong cách thức huy động vốn. Ngoài vốn tự bỏ, bạn không được phép phát hành cổ phiếu, cổ phần nào.
Công ty TNHH một thành viên
Bạn chọn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên? Đây là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Ưu điểm
♠ Giống như doanh nghiệp tư nhân, nếu bạn là chủ sở hữu của công ty TNHH, bạn có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động và kinh doanh của công ty như điều lệ công ty; quyết định đầu tư, kinh doanh, quản trị nội bộ công ty, vốn điều lệ; quyết định mức thù lao, tiền lương và lợi ích khác của thành viên; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty; quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty…
♠ Khác với doanh nghiệp tư nhân, tài sản cá nhân của bạn tách bạch hoàn toàn so với tài sản công ty. Do đó, nếu có rủi ro xảy ra, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty, chứ không phải gộp cả tài sản cá nhân vào cuộc. Nói chung, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản theo tỷ lệ vốn góp. Cũng nhờ vậy, công ty TNHH ít gây rủi ro cho chủ sở hữu hơn hẳn doanh nghiệp tư nhân.
♠ Có tư cách pháp nhân, giúp tạo được uy tín đối với khách hàng tốt hơn hình thức doanh nghiệp tư nhân.
♠ Cơ cấu quản lý gọn nhẹ tùy thuộc vào số lượng thành viên trong công ty.
Nhược điểm
♠ Góp đầy đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.
♠ Với công ty TNHH, bạn không có quyền phát hành cổ phiếu, vì vậy hình thức này sẽ hạn chế trong việc huy động vốn hơn so với công ty cổ phần.
♠ Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác, chủ sở hữu và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
♠ Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các
khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
Kinh nghiệm khởi nghiệp
Khó khăn nhất là 3 năm đầu tiên
Khi tôi sinh con trai đầu lòng năm 2012 cũng là lúc chồng tôi thành lập công ty TNHH chuyên về in ấn. Lúc đó, trong tay chúng tôi chỉ có 400 triệu đồng để dồn vào việc mua máy móc.
Nếu có lời, chúng tôi lại đổ vào mở rộng công ty. Chúng tôi không vay, mượn của ai. Tôi vẫn đi làm thuê và lấy lương phụ anh trả lương cho nhân viên. Trong 3 năm đầu, lương của anh chỉ 10 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả khi làm thuê.
Anh đi làm về trễ hơn, có khi phải làm cả đêm để kịp giao hàng đúng hẹn cho khách. Bố mẹ chồng tôi luôn càm ràm: “Làm mãi mà không thấy khá lên, thà dẹp công ty đi làm thuê cho chắc”. Áp lực gia đình lại đặt lên vai anh.
Tôi cũng gây cho anh nhiều áp lực. Vừa phải cật lực làm việc, vừa phải lo cho con nhỏ mà không nhận được sự chia sẻ từ chồng như trước đây, tôi mệt mỏi và thường xuyên trút giận lên anh. Nếu chồng tôi không hiểu gánh nặng trên vai vợ và nhường nhịn vợ, cả hai có lẽ đã tan đàn sẻ nghé.
Song vì đã đồng ý về kế hoạch mở công ty với chồng, tôi không bao giờ khuyên anh từ bỏ, vẫn lặng lẽ làm lụng, lo cho gia đình và động viên anh cố gắng. Nói chung, phía sau một công ty thành hình luôn có một người vợ hoặc người chồng luôn sẵn sàng ủng hộ và cùng nhau khắc phục khó khăn cả về tinh thần và vật chất.
Giờ đây, công ty đã có tiền để trả cho nhân viên, số tiền anh mang về nhà cũng nhiều hơn. Công ty từ 1 sếp 1 nhân viên bây giờ cũng đã có 12 người.
Nếu những người không có chút kinh nghiệm như vợ chồng tôi có thể mở được công ty thì bạn cũng có thể trở thành những ông chủ, bà chủ tương lai.
Mời bạn tham gia câu lạc bộ khởi nghiệp gia đình
Nếu bạn muốn có thêm nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp, Tiếp Thị Gia Đình thân mời bạn tham gia Câu lạc bộ Khởi nghiệp Gia đình. Câu lạc bộ là hoạt động phi lợi nhuận nhằm giúp bạn đọc được gặp gỡ, chia sẻ với các doanh nhân thành đạt, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng để khởi nghiệp kinh doanh thành công hoặc làm cho việc kinh doanh ngày một hiệu quả hơn. Câu lạc bộ Khởi nghiệp Gia đình dự kiến sẽ sinh hoạt định kỳ vào sáng thứ Bảy cuối cùng mỗi tháng. Kỳ sinh hoạt đầu tiên của Câu lạc bộ sẽ diễn ra vào ngày 25–2–2017. Thông tin chi tiết, mời bạn xem tại đây.
BÀI: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình
Form đăng ký tham gia CLB Khởi nghiệp Gia đình