Nhiều người khi muốn bán nhà thừa kế để dồn tiền mua một căn nhà mới ưng ý hơn mới tá hỏa: Nhà của bố mẹ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Miếng đất, căn nhà bạn ở cùng bố mẹ bao năm nay vẫn nằm chung trong giấy chứng nhận quyền sử dụng của người bán, chưa có giấy chứng nhận riêng.
Lúc này, bạn mới loay hoay đi xin tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng để dễ bán và bán được với giá cao. Song, để có mảnh giấy này, bạn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính mà không phải ai cũng đủ sức chi trả.
Giá đất dễ tăng
Theo quy định của Luật Đất đai, khi yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính gồm: nộp đủ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong các nghĩa vụ này, tiền sử dụng đất thường là khoản không nhỏ khiến nhiều gia đình khó có khả năng thực hiện, đành phải sống trên nhà, đất mình bỏ tiền mua mà không có “mảnh giấy lận lưng”.
Tiền sử dụng đất được tính theo diện tích đất được cấp giấy chứng nhận và giá đất (giá đất này là giá đất theo mục đích sử dụng đất do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm cấp giấy chứng nhận).
Theo điều 113, Luật Đất đai 2013, chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp. Song, trong điều kiện bình thường, ở thời buổi người đua nhau sinh ra, đất chẳng thể đẻ thêm, xu hướng giá đất giảm sẽ hiếm xảy ra. Nếu muốn giảm gánh nặng về tiền sử dụng đất, bạn nên nhanh chóng làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay khi có đất, đặc biệt là khi diện tích đất lớn bởi đất càng lớn số tiền bạn bỏ ra càng nhiều, càng xót.
Các bước làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
√ Khi có nhu cầu tách hay đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn liên hệ trực tiếp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để được tư vấn đầy đủ về hồ sơ, thủ tục cần thiết, tránh phải đi lại nhiều lần.
√ Khi bạn có đủ hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan này sẽ gửi đến cơ quan thuế. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế sẽ xác định số tiền sử dụng đất, ra thông báo nộp tiền sử dụng đất và gửi đến bạn.
√ Thời gian nộp tiền sử dụng đất lại là một điều bạn cần đặc biệt lưu tâm. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, bạn phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, bạn sẽ phải hoàn thành hết số tiền còn lại. Nếu quá thời hạn quy định này, bạn sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp đối với số tiền mình chưa nộp.
√ Để có thêm thời gian thu xếp tiền bạc, tránh phải trả tiền chậm nộp, bạn nên làm đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất nộp cùng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp được ghi nợ là hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ. Khi đó, bạn sẽ được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ, bạn phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Nếu có điều kiện trả trước hạn, bạn sẽ hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.
Thông tin thêm
Để biết thêm thông tin về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngoài Luật Đất đai 2013, bạn nên tham khảo thêm các quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai), Nghị định 44/2014/NĐ-CP (quy định về giá đất), Nghị định 45/2014/NĐ-CP (quy định về thu tiền sử dụng đất), Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (quy định về hồ sơ địa chính), Thông tư 23/2014/TT-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tiếp Thị Gia Đình