Nhiều người vẫn tưởng rằng việc thèm ăn ngọt hay uống nước đường quá mức mới gọi là nghiện đường. Tuy nhiên, dấu hiệu nghiện đường khó thấy hơn bạn nghĩ.
Đường làm bạn bị tăng cân, nổi mụn, lão hóa nhanh, mệt mỏi, cáu kỉnh và khiến cơ thể dễ bị viêm nhiễm, dẫn đến nhiều bệnh khác. Sau đây là những dấu hiệu nghiện đường giúp bạn phát hiện sớm để tìm cách “cai” sớm, bảo vệ sức khỏe bản thân.
1. Thèm trái cây, nước ép
Dù nguồn đường fructose từ trái cây là lành mạnh nhưng bạn chỉ nên ăn khoảng 2–3 phần trái cây/ngày, mỗi phần khoảng 150g (khoảng 1 quả chuối/cam/táo/lê). Với nước ép, bạn hãy uống không đường và chỉ uống khoảng 125ml/ngày. Đồng thời, hạn chế ăn trái cây sấy khô, tốt nhất là ít hơn 30g/ngày.
2. Thèm tinh bột
Người nghiện đường thường không chỉ thèm đồ ngọt mà cón thèm cả khoai tây chiên, bánh quy, bánh mì…. Các loại thực phẩm giàu carbohydrate này sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành đường trong cơ thể.
3. Uống cà-phê mỗi ngày
Vấn đề không nằm ở cà-phê mà là ở các hỗn hợp và chất tạo ngọt được sử dụng trong cà-phê pha sẵn hoặc cà-phê sữa. Các chất này thường chứa nhiều carbohydrate và nhanh chóng chuyển hóa thành đường glucose khi vào cơ thể. Lượng đường tăng lên khiến cơ thể bạn thấy hài lòng và dễ chịu. Nhiều người sau khi bỏ cà-phê đã phải tìm đến những món ngọt khác để thay thế, bù đắp lượng đường này.
4. Mệt mỏi suốt cả ngày
Mệt mỏi, đuối sức sau một ngày dài làm việc là điều rất bình thường. Tuy nhiên, nếu cơn mệt mỏi kéo dài cả ngày từ lúc thức dậy cho đến cuối ngày và lặp lại thường xuyên suốt tuần, suốt tháng, rất có thể cơ thể bạn đang thèm đường. Khi đang mệt mỏi, nếu bạn uống nước ngọt, nước ép trái cây, cà-phê sữa,… hoặc ăn cơm, bánh mì…. và bỗng cảm thấy năng lượng tràn trề thì dấu hiệu nghiện đường của bạn đang ở mức rất cao.
5. Khó chịu khi không có món tráng miệng
Bữa ăn không có tráng miệng là chè, kem, trái cây… làm bạn cảm thấy như ăn chưa đủ, thậm chí trở nên khó chịu, bực bội là dấu hiệu rõ nhất cho thấy bạn là người hảo ngọt. Nếu tự cho phép bản thân thỏa mãn, bạn sẽ thấy mình ngày càng ăn ngọt hơn. Hôm nay có thể là kem trà xanh thanh đạm nhưng ngày mai nhất định phải là kem phủ sô-cô-la ngọt lịm.
6. Không thể sống thiếu đường
Bạn biết đồ ngọt không tốt và đang quyết tâm loại bỏ chúng khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày. Nhưng khi tự mình đấu tranh, bạn lại có cảm giác buồn nôn, đầu óc mụ mị, tinh thần giảm sút… Đây là dấu hiệu chắc chắn nhất về tình trạng nghiện đường của bạn.
CHIA TAY VỚI ĐƯỜNG
Cũng như các loại nghiện khác, bạn cần phải loại bỏ ngay những dấu hiệu nghiện đường vì sức khỏe của chính mình.
Lặp lại, lặp lại, lặp lại
Thói quen hình thành thông qua sự lặp lại. Vì thế, hãy tự nhắc nhở mình dừng lại những dấu hiệu nghiện đường mỗi khi lên cơn thèm ăn đồ ngọt nhé.
Tráng miệng bằng chuối, táo… sau bữa sáng. Thêm khoai lang, củ cải, cà-rốt, rau thì là hoặc ớt chuông vào bữa ăn trưa hoặc bữa tối. Chúng sẽ xoa dịu cảm giác thèm đường mà không làm bạn khó chịu.
Bạn nên thủ sẵn vài loại trà có vị ngọt nhẹ như trà xanh, trà a-ti-sô, trà thanh nhiệt trong nhà, có thể nấu sôi và giữ lạnh để uống dần thay vì trữ các loại nước ngọt.
Nhờ đến dầu dừa
Khi cắt đường khỏi chế độ ăn uống, vài ngày đầu bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu, bực bội. Khi đó, bạn nên bổ sung dầu dừa vào chế độ ăn hàng ngày. Dầu dừa giàu chất béo lành mạnh gọi là MCT, là đối thủ của đường trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể mà không làm tăng insulin trong máu.
Mua online sản phẩm dầu dừa trong bài tại đây.
Bài: NGUYỄN PHÚ
Chuyên mục Sức Khỏe/ Tiếp Thị Gia Đình