Bạn đã phân biệt được các loại sữa trên kệ?

Bạn nhận thấy có nhiều loại sữa ở khu vực tủ lạnh trong siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Mặc dù đều là sản phẩm từ sữa nhưng chúng có những điểm khác biệt rõ rệt, từ hàm lượng dinh dưỡng đến công dụng

phân biệt các loại sữa

Danh mục sản phẩm từ sữa rất phong phú. Bạn đã biết phân biệt các loại sữa theo đúng nhu cầu? Ảnh: Shutterstock

Đứng trước khu vực dành cho các sản phẩm từ sữa, không ít người cảm thấy “lạc trôi” vì quá nhiều loại. Các loại bao bì và nhãn mác đôi khi cũng gây nhầm lẫn. Bạn đã biết phân biệt các loại sữa?

Khi phân biệt các loại sữa, hãy chú ý đến tỷ lệ chất béo

Chất béo của sữa (butterfat hay milkfat) là chìa khóa để phân biệt các loại sữa (milk) và kem (cream). Thông thường, sữa nguyên kem chứa 3,5% chất béo sữa. Một số loại sữa ít béo hoặc giảm béo sẽ có tỷ lệ chất béo thấp hơn, khoảng 1-2%. Sữa tách béo sẽ có ít hơn 0,5% chất béo. Đây là những loại bạn có thể uống hàng ngày.

Với các loại kem, bạn sẽ bắt gặp sour cream có 12-16% chất béo; light cream là 20% chất béo. Whipping cream rất phổ biến với khoảng 30-35% chất béo. Heavy cream sẽ có chất béo trên 36%. Tại một số ít siêu thị chuyên hàng nhập khẩu, bạn có thể tìm thấy loại cream có tỷ lệ chất béo hơn 40%. Những loại kem này chuyên dùng cho nấu ăn, làm bánh.

Ngoài ra, bạn có thể bắt gặp sản phẩm có thành phần từ sữa đặc, sirup bắp và chất phụ gia. Loại này là coffee creamer, chuyên dụng cho pha cà phê. Tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, bạn có thể tìm thấy loại half-and-half. Đây là loại kết hợp một nửa sữa nguyên kem và một nửa light cream. Độ béo của nó khoảng 10%.

Có thể bạn chưa biết?

• Nguồn sữa tươi được sản xuất từ tuyến sữa của động vật có vú như bò, dê, lạc đà… Trong khi đó, kem được sản xuất từ phần chất béo của sữa. Đó là lý do kem chứa nhiều chất béo hơn sữa. Nhưng sữa có nhiều chất dinh dưỡng hơn so với kem.

• Sữa có thể nấu với đa dạng món ăn, trong khi kem chỉ được sử dụng cho những món cần kết cấu đặc, sệt. Không có sữa và kem, chúng ta sẽ không được thưởng thức nhiều món tráng miệng, kem lạnh và bánh ngọt.

• Bạn có thể đánh bông kem nhưng không thể làm điều này với sữa tươi, sour cream và light cream. Hàm lượng chất béo cao là chìa khóa quyết định khả năng bông cứng và đặc của kem.

• Trong nấu ăn hoặc pha chế, bạn có thể thay thế giữa sữa và kem. Tuy nhiên, món ăn sẽ thay đổi kết cấu, hương vị và có thể làm giảm độ ngon.

• Nếu công thức yêu cầu kem nhưng không cho biết loại nào, hãy sử dụng loại kem có tỷ lệ % chất béo càng cao càng tốt. Kem càng đậm đặc sẽ giúp món ăn có kết cấu ổn định, hạn chế vón cục lợn cợn.

Bài: NOU
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua