Trẻ ngang bướng, bạn nghĩ rằng con đã hư rồi?

Khi con nổi cơn tam bành, cãi lại hoặc giả điếc không nghe lời, bạn nghĩ rằng con đã hư rồi hay cho là bé hành xử như thế vì bé chỉ là một đứa trẻ con?

Bạn đón con về lúc bữa tiệc sinh nhật ở lớp sắp tàn, bé lập tức bỏ chạy, ném đồ chơi, túm hết bánh trên bàn và vãi xuống sàn. Bạn xấu hổ và thấy mất mặt vì nghĩ rằng con đã hư rồi cho đến khi cô giáo của con nói: “Bé mới 3 tuổi mà chị, phản ứng như vậy là bình thường thôi!”.

Sau đó, khi được mẹ hỏi sao con lại “hư”, bé trả lời: “Vì con muốn ở lại chơi với bạn”. Và lúc này, bạn hiểu rằng bé hành xử như vậy vì con chỉ mới 3 tuổi chứ không phải vì con hư.

Điều may mắn là phần lớn trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo chưa hư, trẻ chỉ cố có được điều mình muốn. Bé có thể làm quá để được bạn quan tâm hơn một chút. Dưới đây là những tình huống khó và giải pháp xử lý dành cho bạn.

1. Không biết chờ đợi

Ngay và luôn là “bệnh phổ biến” của trẻ tuổi mẫu giáo. Vì vậy, việc cả gia đình cùng ra ngoài đi ăn có thể là vấn đề với trẻ. Bé chưa có khả năng tập trung dài, nên khó có thể ngồi yên và kiên nhẫn chờ đợi. Do vậy, lúc này bạn đừng nghĩ rằng con đã hư rồi nhé!

giao duc tre em song nghi luc

Bạn hãy giúp con bằng cách mang theo sách tô màu, đồ chơi. Bạn yêu cầu nhà hàng mang thức ăn cho con và bạn cùng lúc, đừng để con ăn xong phải đợi bạn. Ngay khi thức ăn được mang lên, hãy yêu cầu thanh toán, để bạn có thể rời nhà hàng bất kỳ lúc nào con mất kiên nhẫn. Chỉ khi đi với bạn bè hay người thân, bạn mới cho con mượn thiết bị điện tử một tí để kết thúc cuộc nói chuyện cho phải phép.

2. Cãi lại

Khi con bạn bắt đầu đi học, con sẽ học rất nhanh từ bạn bè và cả anh chị lớp trên. Cho nên, nếu con bạn chống nạnh và quát: “Mẹ ngu!” khi bạn nói với con điều gì đó, đừng nổi đóa.

Lúc này, con chưa thật sự hiểu điều mình vừa nói, mà chỉ làm con vẹt nhắc lại điều con nghe mà thôi. Bạn chỉ cần nhỏ nhẹ nhưng cương quyết nói: “Nhà mình không nói câu đó!”. Sau đó, bạn chỉ con cách nói đúng: “Lần sau, nếu con không đồng tình với ý của mẹ, con hãy nói là con không đồng ý như vậy và con nghĩ là…, như thế được không ạ?”.

Bạn hãy thể hiện sự yêu thương, thông cảm dành cho con.

3. Giả điếc

Bạn năm lần bảy lượt yêu cầu con dọn đồ chơi và đi tắm mà bé có vẻ giả điếc. Bạn dễ kết luận là con không nghe lời con đã hư rồi. Song, có thể lúc này con quá tập trung (đặc biệt là với máy tính bảng và game có nhạc to), quá vui nên không nghe thấy thật.

Bạn hãy ngồi cạnh con, đặt hai tay lên vai và nhìn vào mắt con (ở vị trí tương xứng) rồi nói chậm rãi, rõ ràng như: “Con à, đến giờ đi tắm rồi!” và giúp con quên trò chơi bằng cách hỏi: “Giờ con muốn vào phòng tắm bằng cách nhảy như thỏ hay trườn như con rắn nào?”.

4. Chạy nhảy làm đổ đồ đạc

Khi bạn dẫn con đi mua sắm, bé có thể chạy lung tung, kéo đổ đồ đạc? Có thể lúc này trẻ có nhiều năng lượng mà chưa biết kiềm chế bản thân.

tiep-thi-gia-dinh-tre-em-truot-tuyet-co-the-bi-gay-xuong

Bạn hãy cho con nhiều cơ hội vui chơi ngoài trời, nghịch phá trong phòng rộng an toàn. Khi hành động của con không phù hợp với không gian, như chạy nhảy quá trớn trong siêu thị làm đổ hàng hóa, bạn hãy tìm việc cho con làm như xếp từ xe đẩy lên quầy. Nếu con không chịu làm và vẫn nổi giận, bạn đặt con vào xe đẩy hoặc rời khỏi cửa hàng.

Nếu con gây hấn ở nhà, bạn hãy hiểu là con vẫn có quyền tức giận. Bạn cho con vào phòng riêng và nói: “Khi nào con bình tĩnh, hãy ra với mẹ. Mẹ sẵn sàng để ôm con”.

BÀI: LÊ MINH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua