Bạn có nên chọc ối để kiểm tra nguy cơ thai nhi bị down?

Khi bác sĩ nhận xét con bạn có nguy cơ bị down và yêu cầu chọc ối, bạn đừng vội rối trí với câu hỏi có nên chọc ối ngay lúc này

Thật vậy, bạn hãy gát lại câu hỏi có nên chọc ối mà hãy tìm hiểu thêm nhiều giải pháp không xâm lấn an toàn hơn chọc ối mà bạn có thể thử trước khi phải chọn giải pháp xâm lấn này

“Nguy cơ down cao hơn ngưỡng an toàn. Em cần chọc ối để kiểm tra nhiễm sắc thể của thai, xác định chính xác con có bị down hay không. Nếu đó là sự thật, em nên chấm dứt thai kỳ”, nghe bác sĩ tuyên bố, bà mẹ can đảm nhất cũng sẽ bật khóc.

Nhiều nguy cơ từ chọc ối

Tôi đã rơi vào hai tuần mất ăn, mất ngủ khi nghe bác sĩ phán tin động trời ấy. Kết quả đo độ mờ da gáy của em bé ở tuần thứ 11 (2,3mm) cộng với kết quả xét nghiệm máu sàng lọc trước sinh cho ra nguy cơ Trisomy 21 (hội chứng down) của tôi là 1/50, trong khi ngưỡng cut-off là 1/250. Điều đó có nghĩa là cứ trong 50 thai phụ có thể có 1 thai phụ sinh con bị hội chứng down. Tờ kết quả sàng lọc có dòng chữ bôi đỏ: “Đề nghị xét nghiệm dịch ối chẩn đoán trước sinh” khiến tôi rất bàng hoàng. Bác sĩ đã hẹn tôi đến chọc ối vào tuần thai thứ 17.

Trước đề nghị của bác sĩ, nhiều thai phụ còn không suy nghĩ có nên chọc ối hay không mà lập tức quyết định chọc ối ngay vì nghĩ bác sĩ đã nói là đúng. Đúng, các bác sĩ không sai khi đề nghị chọc ối để đảm bảo con bạn khỏe mạnh khi chào đời. Song, đó cũng chỉ là “nguy cơ”, là “đề nghị” và quyết định có chọc ối hay không là tùy vào bạn, không ai có quyền bắt buộc.

Mặc dù theo các bác sĩ, chọc ối cho kết quả xác định down chuẩn xác 100% nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chọc ối không đơn giản là việc đưa mũi kim mỏng qua màng bụng và tử cung của mẹ, dưới hướng dẫn của siêu âm, rút ra một lượng nước ối để làm xét nghiệm. Quy trình đó có thể gây nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng lây truyền (nếu mẹ bị viêm gan C, toxoplasmosis hay HIV / AIDS cũng có thể lây cho con). Nó cũng có thể gây ra tình trạng rò rỉ ối, gây chấn thương cho bé nếu lỡ bé di chuyển trúng vào mũi kim. Bạn chưa chắc chọc một lần là được mà có thể phải chọc 2, thậm chí hơn 2 lần nếu tay nghề bác sĩ không đạt. Điều đau đớn nhất mà chọc ối có thể gây ra là sảy thai. Thai phụ có thể mất con bất cứ lúc nào sau chọc ối và nguy cơ này càng cao nếu thực hiện chọc ối sớm, trước tuần 15 của thai kỳ.

Bình tĩnh và tìm giải pháp thay thế

Đây là lúc bạn cần bình tĩnh vì chỉ bình tĩnh, bạn mới dám từ chối đề nghị của bác sĩ, mới tìm ra các giải pháp an toàn, ít đau đớn cho bạn và con.

Kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm sàng lọc chỉ là căn cứ ban đầu, không phải cơ sở khẳng định chắc rằng con bạn bị down. Tỷ lệ phát hiện hội chứng down của phương pháp này khoảng 83% với 5% tỷ lệ dương tính giả. Bên cạnh đó, kết quả này cũng chưa chắc đúng bởi nó phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ siêu âm đo độ mờ da gáy cho con. Nếu bác sĩ tay nghề kém, khiến độ mờ da gáy lớn hơn thực tế, cũng gây ra lầm tưởng nguy cơ hội chứng down tăng lên.

Bởi thế, bạn hãy đặt câu hỏi với chính mình rằng có nên chọc ối và biết nghi ngờ bác sĩ để bình tĩnh chờ đến tuần thứ 22 làm siêu âm 4D khảo sát hình thái học của thai nhi. Nếu chiều dài xương mũi ngắn hoặc bất sản xương mũi thì bé có nguy cơ hội chứng down cao. Lúc đó, bạn mới chọc ối để kết quả có độ chính xác cao hơn.

Còn nếu bạn không đủ kiên nhẫn chờ đến tuần thứ 22 hay sợ phải chấm dứt thai kỳ khi con đã lớn, bạn có thể làm các xét nghiệm không xâm lấn như Harmony hoặc Panorama để kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể của con ngay ở tuần thứ 11. Điều đáng nói là ở các phòng khám thai, các bác sĩ thường không giới thiệu hai giải pháp này do chi phí quá cao. Thế nên dù xuất hiện nhiều năm nay, vẫn rất ít thai phụ biết mình còn có nhiều lựa chọn khác để tìm sự an tâm, ngoài chọc ối.

Tôi đã chọn phương pháp Harmony test của Trung tâm chẩn đoán Ariosa Diagnostics, California, Hoa Kỳ, bởi theo bác sĩ về cơ chế, cả Harmony và Panorama đều giống nhau là lấy máu mẹ, chắt lọc DNA của con để kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể. Tên phương pháp khác nhau đơn giản là bởi nó được thực hiện bởi hai phòng xét nghiệm khác nhau.

Người tư vấn cho tôi là bác sĩ Vũ Văn Phi, Cố vấn Cao cấp Sản phụ khoa, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc. Bác sĩ cho biết: “Nếu đánh giá nguy cơ down ở mức 1/50 vừa đủ tiêu chuẩn để làm xét nghiệm Harmony, còn nếu ở dưới mức 1/49 trở xuống, người ta sẽ đề nghị chọc ối ngay. Harmony test cho kết quả chính xác 99,9% và độ dương tính giả chỉ còn 0,01% nên nếu làm xét nghiệm Harmony ra kết quả dương tính thì chắc chắn em bé có vấn đề. Ngược lại, nếu kết quả này âm tính thì em bé hoàn toàn khỏe mạnh, mẹ không cần chọc ối nữa”.

Ngày 14–11–2016, tôi đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe Quốc tế Hạnh Phúc (Q. 1, TP. HCM) lấy máu và mẫu máu này sau đó được gửi sang Mỹ để làm phân tích. Chi phí khám, lấy máu và xét nghiệm gói cơ bản của tôi là 16,490 triệu đồng.

Ngày 23–11, bác sỹ gọi thông báo kết quả. Con tôi hoàn toàn bình thường. Một gánh nặng tâm lý kinh khủng đã trút khỏi người tôi. Lần khám thai ở tuần 17, tôi có thể tự tin nói với bác sĩ rằng: “Em không chọc ối”. Suốt chặng đường mang thai phía sau, tôi cũng không phải sống với nỗi lo sảy thai, mất con, nếu quyết định chọc ối. Bạn cũng vậy, hãy quyết định thông minh, vì sức khỏe của mình và chính con yêu của mình, bạn nhé.

BÀI: THIÊN MINH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua