Nhiều năm trở lại đây, chúng ta chỉ nhét tiền, trao phong bao và nói vài lời chúc ngoài miệng mà quên “ểm bùa may mắn” vào bao lì xì. Đáp lại, phía nhận chỉ sờ mức độ dày mỏng của bao và suy tính về số tiền cần trao lại. Ý nghĩa của bao lì xì đã ít nhiều mai một.
Lì xì để làm gì?
Truyền thuyết kể rằng, có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Dịp Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà và đoán biết đứa bé sẽ bị yêu quái hãm hại. Các vị tiên liền hóa thành 8 đồng tiền để canh giữ cho đứa bé. Tối đến, cặp vợ chồng già gói những đồng tiền trong giấy đỏ và đặt lên gối của con. Nửa đêm, yêu quái đột nhập định xoa đầu đứa trẻ thì gói giấy đỏ lóe sáng khiến nó bỏ chạy.
Hàng xóm nghe chuyện kháo nhau, từ đây hình thành thói quen gói tiền trong giấy đỏ để chúc phúc cho trẻ em vào đầu năm mới. Đó chính là tiền thân của tục lệ lì xì. Như vậy, ý nghĩa của bao lì xì chính là tình yêu thương và lời chúc may mắn mà người trao dành tặng người nhận. Người nhận ở đây không chỉ là con cháu mà có cả ông bà, cha mẹ.
Theo thời gian, danh sách người nhận có thêm sếp, con cái sếp cùng rất nhiều mối quan hệ khác được định nghĩa là “đặc biệt quan trọng”. Phong bao dành cho những nhân vật này cũng không chỉ gói gọn trong 8 đồng tiền lẻ.
Tiền lẻ hay tiền to?
Ở miền Bắc có một cụm từ khác thay cho lì xì, đó là “phát vốn”. Đầu năm, ông bà thường gọi con cháu quây quần và bảo: “Lại đây ông phát vốn cho cháu này” với ngụ ý “Các cháu hãy dùng vốn này để làm cho nó sinh sôi”. Vậy đồng tiền nào mới có thể sinh sôi? Theo quan niệm xưa, đó thường là tiền lẻ vì không có tiền nhỏ thì làm sao có tiền lớn. Bởi vậy, trước đây người lớn thường lì xì cho con trẻ vài ba nghìn đồng hoặc những tờ 100 đồng may mắn. Các chùa cũng lì xì cho chúng sinh những phong bao chỉ 500 – 1.000 đồng. Những phong bì này rất đáng quý vì đã được các sư thầy cầu khấn, chúc phúc hay cũng có thể nói là đã “ểm bùa may mắn”.
Ngày nay, vào dịp cuối năm, người ta ít đổi giấy 1.000 – 2.000 đồng mà thay vào đó là những tờ polymer xanh, đỏ. Những tờ polymer có thể to về giá trị nhưng chúng chẳng thể chuyên chở may mắn nếu chúng ta trao nhận trong tư thế trả nợ, nghĩa vụ. Ý nghĩa của bao lì xì vốn dĩ kín đáo, ngụ ý ngăn chúng ta nhìn thấy số tiền bên trong để từ đó bớt đi tỵ hiềm, tính toán hay lấy tiền lì xì để đo cái vui ngày Tết.
Cả năm mới có vài ngày Tết, nhưng đôi khi người thân, bạn bè không dám đến nhà nhau vì ngại cái bao lì xì “ít thì khó coi, nhiều thì không đủ sức”. Lời khuyên tốt nhất cho mỗi gia đình là hãy dành tiền to để sắm sửa Tết và trao đi những đồng tiền lẻ đã được “ểm bùa may mắn”. Đó chính là những lời chúc xuất phát từ tấm lòng. Truyền thống của chúng ta đã định nghĩa: nhận lì xì là để lấy hên, chứ không phải lấy tiền. Vậy hãy xem nhẹ vật chất để nhận được những bao tiền tài lộc và may mắn.
GS. Cao Ngọc Lân
Tiếp Thị Gia Đình