Bạn có đang “trả thù đời” bằng cách trì hoãn giờ đi ngủ?

Nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng đây là một hiện tượng tâm lí thường thấy, đặc biệt ở những ai phải làm việc căng thẳng vào ban ngày

Trì hoãn giờ đi ngủ để… trả thù, bạn đã từng nghe? Ảnh: Shutterstock

Sau một ngày mệt nhoài với công việc, bạn cảm thấy vô cùng buồn ngủ nhưng lại bắt đầu lướt điện thoại, xem phim hoặc nghe nhạc… Đại loại là làm tất cả những thứ mà bạn thích ngoại trừ việc đi ngủ.

Bạn nghĩ rằng mình đã chăm chỉ cả ngày, đây là lúc dành thời gian cho bản thân nên bớt một vài giờ đi ngủ cũng không thành vấn đề. Nếu tối nào bạn cũng như vậy và chỉ chịu đi ngủ khi đã quá 12 giờ đêm. Thật không may, bạn đang mắc chứng Renvenge Bedtime Procrastination (RBP). Tạm dịch là trả thù bằng việc thức khuya hoặc trì hoãn giờ đi ngủ.

Trì hoãn giờ đi ngủ để trả thù

Theo công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khoẻ Cộng đồng, 3 yếu tố để kết luận bản thân có mắc RBP hay không lần lượt là:

– Việc thức khuya khiến tổng thời gian ngủ trong ngày của bạn giảm xuống.
– Bạn thức khuya vì bạn muốn thế (chứ không phải vì chứng mất ngủ hay phải giải quyết một nhiệm vụ nào đó).
– Bạn hiểu rõ trì hoãn việc đi ngủ sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực vào hôm sau. Ví dụ như sáng hôm sau bạn phải dậy từ 6 giờ nhưng 3 giờ 30 phút bạn vẫn thức để xem phim.

Câu hỏi đặt ra là ta thức khuya để trả thù điều gì? Có thể nói vui là “trả thù đời”. Những người càng bận rộn thì càng có khả năng cao mắc chứng RBP. Công việc, các nhiệm vụ và trách nhiệm đã chiếm 2/3 khoảng thời gian trong ngày. Khiến ta cảm thấy không có thời gian để nghỉ ngơi hay làm điều mình thích. Nếu sử dụng 1/3 còn lại để ngủ thì thật… thiệt thòi. Vì thế chúng ta chấp nhận đánh đổi 2-3 giờ ngủ chỉ để đáp ứng nhu cầu giải trí của bản thân.

Hậu quả của chứng trả thù bằng việc thức khuya

Không có gì sai trái khi dành một chút thời gian cuối ngày để thư giãn. Nhưng chứng RBP kéo dài ảnh hưởng đến tổng thời gian ngủ trong ngày. Người trưởng thành cần ngủ từ 7-8 giờ/đêm. Nếu liên tục trì hoãn giờ đi ngủ chỉ để xem phim hay lướt điện thoại… thì ta sẽ rơi vào trạng thái thiếu ngủ.

Thiếu ngủ có thể gây ra rối loạn hoạt động nhận thức. Với biểu hiện như cáu kỉnh, ngủ gật khi làm việc thậm chí khi đang lái xe. Thiếu ngủ mãn tính làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim và trầm cảm.

Một số mẹo khắc phục

Đặt báo thức trước khi đi ngủ

Thử đặt đồng hồ báo thức khi đến giờ đi ngủ. Nếu quá mải mê với việc lướt điện thoại, một hồi chuông nhắc nhở là điều rất cần thiết. Bạn sẽ biết lúc nào nên tắt điện thoại để đi ngủ sao cho đủ 8 giờ đồng hồ.

Chuẩn bị thật tốt cho giấc ngủ

Ngoài việc hạn chế uống caffeine hoặc chất kích thích vào buổi chiều tối. Bạn cũng nên ngừng sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước giờ đi ngủ. Bên cạnh đó hãy tạo không gian phòng ngủ tối và yên tĩnh. Nệm và ga trải giường thoải mái sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Chọn lựa các hoạt động bổ ích

Tập bỏ thói quen trì hoãn giờ đi ngủ một cách từ từ. Bắt đầu thay đổi các hoạt động như lướt điện thoại hay xem phim sang thể dục nhẹ nhàng, yoga hoặc đọc sách.

Học cách chấp nhận và đặt ra giới hạn làm việc

Thói quen trì hoãn giờ đi ngủ có thể bắt nguồn từ nỗ lực hoàn thành tất cả công việc trong vòng 24 giờ. Hãy chấp nhận rằng bản thân chỉ giải quyết khối lượng công việc nhất định mỗi ngày. Đặt một giờ giới nghiêm cho các ngày trong tuần. Sau khung giờ đó thì mọi công việc đều được gác lại và bạn sẽ đi ngủ.

Cân nhắc đến gặp bác sĩ trị liệu

Mặc dù RBP không phải một dạng mất ngủ nhưng trên thực tế nó gây ra tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Nếu nhận thấy các triệu chứng không hề thuyên giảm thì bạn nên tới gặp bác sĩ để nhận được lời khuyên tốt nhất.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua