Nếu có những dấu hiệu này, bạn đích thị đang nghiện thuốc giảm đau

Sử dụng thuốc giảm đau không phải cách tốt để kiểm soát các cơn đau mãn tính, song nhiều người lại lạm dụng đến mức nghiện thuốc giảm đau. Hệ quả của tình trạng này là gì?

Những cơn đau mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của đa số người bệnh. Đó là lý do họ tìm đến các đơn thuốc theo toa (gồm cả thuốc giảm đau) nhằm kiểm soát cơn đau. Những loại thuốc này có tác dụng giảm độ nhạy cảm của cơ thể với cơn đau nhức. Song mặt khác, chúng cũng tạo ra cảm giác hưng phấn, khiến người bệnh muốn uống thêm viên giảm đau thứ hai, thứ ba… Dần dần, họ bị lệ thuộc vào những viên thuốc ấy, dẫn tới tình trạng nghiện thuốc giảm đau.

Làm thế nào để biết một người có nghiện thuốc giảm đau hay không? Hãy để ý 6 dấu hiệu sau. Nếu có từ 2 dấu hiệu trở lên, rất có thể bạn cũng là một trong những người “không thể sống thiếu thuốc giảm đau”.

nghiện thuốc giảm đau

1. Bạn nghĩ về những viên thuốc giảm đau rất nhiều

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang nghiện thuốc giảm đau chính là trong đầu bạn luôn luẩn quẩn câu hỏi: “Khi nào thì tới liều dùng tiếp theo?”; “Liệu số thuốc đó có đủ dùng đến hết tuần không nhỉ?”. Khi mặc định một ngày phải uống bao nhiều viên thuốc; bạn sẽ canh đúng giờ để uống cho đủ số lượng thuốc mình quy định. Bất kể cơn đau có hành hạ bạn vào thời điểm uống thuốc hay không.

Tình trạng này còn nguy hiểm hơn cả việc phụ thuộc vào thuốc. “Phụ thuộc” tức là bạn không thể hết đau nếu không có thuốc. Trong khi “nghiện” chính là một hành vi không kiểm soát. Khi đó, bạn vẫn tiếp tục sử dụng thuốc dù biết nó gây ra cho bạn hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

2. Bạn tìm đến các loại thuốc giảm đau không có trong toa

Nhìn toa thuốc bác sĩ kê chỉ với một, hai loại thuốc giảm đau; bạn nghĩ ngay tới việc tự mày mò tìm thêm vài loại thuốc khác. Vì nhiêu đó chẳng “đủ đô” với mình. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị những viên thuốc này mê hoặc. Đến mức ngày nào cũng phải uống vài viên dù tình trạng đau không quá trầm trọng. Bạn có biết tự ý dùng thuốc mà không thông qua bác sĩ có thể dẫn đến nhiều hệ quả xấu? Chưa nói tới sức khỏe suy giảm; hệ quả nhìn thấy ngay trước mắt chính là “Bạn bị nghiện thuốc giảm đau”.

3. Thuốc giảm đau đến với bạn từ các nguồn khác

Chính vì bạn cảm thấy bác sĩ kê cho mình bao nhiêu thuốc giảm đau cũng là chưa đủ; nên bạn đi kiếm những viên thuốc này từ các nguồn khác, chẳng hạn như:

– Đặt mua thuốc qua Internet

– Lấy thuốc từ người thân hoặc bạn bè (những người được kê toa thuốc giảm đau nhưng không dùng đến)

– Mua thuốc theo toa của người khác

– Lấy đơn thuốc trắng của bác sĩ rồi tự kê toa (một cách bất hợp pháp) thuốc giảm đau theo ý mình.

– Tự ý mua thuốc tại các hiệu thuốc ngoài đường.

Nếu bạn đang uống bất kỳ viên thuốc giảm đau nào đến từ một trong năm nguồn trên; hãy dừng lại ngay nếu bạn không muốn bước chân vào lãnh địa của những kẻ nghiện thuốc.

4. Bạn đã sử dụng thuốc giảm đau một thời gian dài

Lúc đầu, bác sĩ chỉ định bạn uống 5 ngày thuốc giảm đau sau khi bạn bị cơn đau thắt lưng hành hạ. Thế rồi một ngày, bạn chợt nhận ra số ngày mình gắn bó với thuốc đã vượt quá con số 30. Đã đến lúc bạn “cai nghiện” loại thuốc “hại nhiều hơn lợi” này rồi đấy!

Đúng là sau một cơn chấn thương nặng, những viên thuốc giảm đau là cứu cánh giúp bạn xua tan cơn đau. Thế nhưng khi lạm dụng nó trong một thời gian dài; cơn đau của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn so với lúc ban đầu. Vậy là bạn tiếp tục tìm đến những viên thuốc giảm đau liều mạnh hơn; và rồi cơn đau lại càng tệ hơn nữa. Vòng luẩn quẩn này do chính bạn tạo ra, và nếu không muốn mắc kẹt trong đó; bạn chỉ còn cách dừng lại ngay từ lúc chưa bước chân vào.

5. Bạn cảm thấy tức giận khi ai đó khuyên bạn dừng lại

Người thân, bạn bè ra sức nói lý lẽ với bạn, rằng hãy cố gắng chịu đựng thay vì tìm đến thuốc giảm đau; rằng những viên thuốc đó chẳng hề vô hại… Song thay vì lắng nghe, bạn quay sang tức giận họ. Bạn cho rằng họ chẳng hiểu gì về tình trạng sức khỏe của bạn; chỉ đưa ra lời khuyên theo lý thuyết mà thôi.

Nếu có một liều thuốc giúp bạn thức tỉnh khỏi suy nghĩ về thuốc giảm đau; chắc những người xung quanh sẽ bắt bạn uống bằng mọi giá. Bởi lẽ, bạn đang nghiện thuốc đến mức báo động đỏ. Khi bạn chưa nhìn thấy tác hại vì dùng thuốc giảm đau vô tội vạ, thật khó để kéo bạn thoát khỏi cơn mê này.

6. Bạn không còn là chính mình

Có lẽ bạn không còn quan tâm đến bản thân nhiều như trước. Bạn bỏ qua việc make-up trước khi đi làm; chỉ rửa mặt qua loa chứ không tuân thủ 3 bước dưỡng da mỗi tối như trước. Thậm chí, bạn không còn hứng thú với việc nấu ăn, xem phim – những thú vui trước kia của bạn. Đôi lúc, bạn còn tỏ ra ủ rũ, chán chường, bồn chồn, nổi giận vô cớ, ngủ không ngon… Tất cả các biểu hiện đó đều chứng minh tâm trí bạn đang bị những viên thuốc giảm đau điều khiển.

Nói nôm na, nghiện thuốc giảm đau cũng là một dạng nghiện, tương tự như nghiện rượu hoặc ma túy. Trong đó, con nghiện như biến thành một người khác và không còn đủ tỉnh táo trong sinh hoạt hàng ngày.

TÁC HẠI KHI NGHIỆN THUỐC GIẢM ĐAU

Khi nghiện thuốc giảm đau, người bệnh sẽ gặp phải các tác hại về sức khỏe và tinh thần.

♦ Về sức khỏe

– Táo bón hoặc tiêu chảy

– Buồn nôn và nôn

– Cao huyết áp

– Dạ dày bị ảnh hưởng, dẫn tới viêm loét, xuất huyết dạ dày

– Co thắt cơ bắp dẫn tới đau đầu, đau khớp xương, đau cơ

– Tổn thương gan, thận và não

– Gặp vấn đề về tim mạch

– Giảm khả năng miễn dịch

– Giảm ham muốn tình dục

– Tử vong

♦ Về tinh thần

– Trầm cảm, lo lắng

– Hoang tưởng, nhầm lẫn, mất phương hướng, nhận thức lệch lạc

– Rối loạn về mặt cảm xúc

– Mất dần các mối quan hệ xã hội, dẫn tới bị cách ly

PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI CƠN NGHIỆN THUỐC GIẢM ĐAU?

Nếu bạn nhận thấy chính mình hoặc người thân có những dấu hiệu nghiện thuốc giảm đau, hãy (đưa họ) đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Trong cuộc nói chuyện với bác sĩ, cần trung thực trả lời những câu hỏi: Số lượng thuốc giảm đau bạn uống mỗi ngày là bao nhiêu? Bạn lấy thuốc giảm đau ở đâu? Bạn uống thuốc mỗi khi đâu hay uống theo liều do mình tự quy định?… Tùy theo mức độ nghiện thuốc của bạn nhẹ hay nặng, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.

Trong quá trình cai nghiện thuốc giảm đau, bạn nên hướng tới lối sống lành mạnh:

– Có chế độ ăn uống đầy đủ, hợp lý, tránh xa các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá

– Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn

– Tụ tập bên người thân và bạn bè nhiều hơn, cùng họ đi picnic, du lịch, ăn uống, xem phim…

– Làm bạn với các môn thể thao vừa sức.

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua