Bạn có biết opera và musical khác nhau như thế nào?

Bạn biết về opera, bạn hiểu rõ về musical chưa? Tìm hiểu sự khác nhau giữa opera và musical sẽ là nền tảng để bạn thưởng thức trọn vẹn hơn đấy

Tiếp Thị Gia Đình đã tranh thủ “níu áo” nhạc trưởng, nghệ sỹ ưu tú Hoàng Điệp, để nhờ cô chia sẻ một ít kiến thức về opera và musical.

Tiếp Thị Gia Đình: Chào nghệ sỹ ưu tú Hoàng Điệp! Opera và musical đều là hình thức nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Vậy theo chị, sự khác nhau cơ bản của hai nghệ thuật này là gì?

Nghệ sĩ Hoàng Điệp: Opera (nhạc kịch) xuất hiện ở Ý vào khoảng thế kỷ 16 – 17. Sau đó, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức âm nhạc cũng đa dạng hơn, đòi hỏi nhạc sỹ phải sáng tác theo phong cách mới phù hợp với thời đại. Đó là lúc musical ra đời ở Anh, Mỹ. Opera chú trọng về giọng ca và diễn xuất, những hành động diễn xuất của nhân vật hầu hết được truyền đạt toàn bộ qua âm nhạc và giọng hát. Musical thì bắt buộc nghệ sỹ phải hát và thoại hay, diễn xuất giỏi, loại hình sân khấu này kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất, các động tác và nhảy múa.

Musical (ca vũ kịch) có sự tổng hợp các loại hình sân khấu khác, trong đó có cả opera và múa. Cũng vì đặc điểm này nên khi đến với musical, người xem thấy “đã” hơn vì được nghe hát, xem diễn, xem múa chỉ trong một vở diễn. Các bạn có thể xem các vở nhạc kịch nổi tiếng như West Side Story (1957) với phần soạn nhạc của Leonard Bernstein, vở đánh dấu một trào lưu âm nhạc mới thể loại musical. Những vở musical nổi tiếng khác như Cats của A.Lloyd Webber, Les Misérables của Schönberg & Boublil.

opera va musical hinh anh

Nghệ sĩ Hoàng Điệp

Tiếp Thị Gia Đình: Hấp dẫn như vậy, tại sao ở Việt Nam, musical lại không đại chúng?

Nghệ sĩ Hoàng Điệp: Bạn đã cho tôi một câu hỏi khó (cười). Làm sao chúng ta có thể đưa opera và musical đến với công chúng khi xã hội chưa nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư cao, rất ít nhà sản xuất dám đầu tư vào musical.

Truyền thông cũng chưa ưu ái cho dòng nhạc này thì tương lai phát triển của opera hay musical còn xa vời lắm! Song mới đây, ở Việt Nam, chúng ta đã có vở Tấm Cám của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy. Sắp tới chúng ta sẽ có vở Chuyện tình nàng Giáng Hương do nhà biên kịch Trần Nguyễn Thiên Hương chấp bút. Tôi rất mừng vì đã bắt đầu có những nhà sản xuất chú ý đến musical và kỳ vọng sự phát triển loại hình này ở Việt Nam.

Tiếp Thị Gia Đình: Như chị nói, Chuyện tình nàng Giáng Hương sẽ công diễn vào tháng 10–2016. Với tư cách người tham gia cố vấn chuyên môn của vở, chị sẽ đảm trách công việc cụ thể thế nào?

Nghệ sĩ Hoàng Điệp: Trong công việc này, tôi sẽ làm những gì liên quan tới chuyên môn như casting diễn viên, lên lịch tập dượt và tập cho các ca sĩ. Tôi rất phấn khích với công việc này vì đây cũng là cơ hội lớn cho nhiều học trò của tôi tại Nhạc viện TP. HCM và Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Đó là cơ hội làm việc với một ê-kíp chuyên nghiệp, được thật sự tiếp xúc với musical. Dù ở vai diễn nào, nếu biết vận dụng hết khả năng của mình, các bạn ấy sẽ trưởng thành và tỏa sáng.

Tiếp Thị Gia Đình: Xin cám ơn chia sẻ của chị.

THÔNG TIN THÊM

Chuyện tình nàng Giáng Hương dựa theo truyện Từ Thức gặp tiên nhưng tình tiết và kết thúc câu chuyện sẽ theo hướng hiện đại, hài hước và có hậu hơn. Chuyện tình nàng Giáng Hương được ê-kíp chuyên nghiệp thực hiện, với sự tham gia của cố vấn chuyên môn nhạc trưởng, nghệ sĩ ưu tú Hoàng Điệp, cố vấn hình thể Anh Nguyên, biên kịch và tổng đạo diễn Thiên Hương, đạo diễn âm nhạc Phương Nam, đạo diễn sân khấu Sylvain Merrille và thiết kế sân khấu Nguyễn Tâm Thiền. Vở musical Chuyện tình nàng Giáng Hương–vở ca vũ nhạc kịch lớn của Việt Nam sẽ công diễn vào tháng 10–2016.

Bài: Xoa Nguyễn

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua