Tinh dầu là sản phẩm được chiết xuất từ lá, vỏ cây, thân hoặc hoa thông qua chưng cất bằng hơi nước, rượu hoặc dầu. Trị liệu bằng hương thơm của các loại tinh dầu có nguồn gốc thực vật để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Đây là phương pháp đã có từ lâu đời. Bởi tinh dầu có thể diệt vi trùng, giảm viêm và tăng tốc chữa lành vết thương. Nhiều bệnh nhân thuyên giảm viêm họng bằng tinh dầu.
Giảm viêm họng bằng tinh dầu bằng cách nào?
Hít trực tiếp
Khi mùi hương tinh dầu được hít vào cơ thể, các phân tử đi qua khoang mũi. Nó sẽ kích thích phản ứng thần kinh ở rìa não, giúp điều chỉnh căng thẳng, ổn định nhịp tim, nhịp thở và huyết áp.
Bạn có thể giảm viêm họng bằng tinh dầu bằng cách hít trực tiếp, qua máy xông hơi. Hoặc cách đơn giản nhất là cho 1–2 giọt tinh dầu ra tay, chà xát và hít.
Ngoài ra, bạn thêm 2–3 giọt tinh dầu vào miếng bông gòn, khăn tay hay bông tẩy trang và ngửi. Hoặc đặt bông gòn có tẩm tinh dầu cạnh gối khi ngủ.
Máy khuếch tán cũng là cách hiệu quả để lan tỏa mùi hương tinh dầu ra khắp phòng. Như vậy, đi đâu bạn cũng hít thở bầu không khí sảng khoái.
Súc miệng hoặc uống trực tiếp
Bạn có thể uống trực tiếp một số loại tinh dầu. Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải đảm bảo loại tinh dầu này an toàn và tinh khiết. Thực tế, nhiều loại tinh dầu trên thị trường có chất lượng kém, pha trộn chất bảo quản; hoặc hoàn toàn làm bằng hương liệu tổng hợp. Những loại này không được uống.
Với tinh dầu thiên nhiên, bạn chỉ cần thêm 1 giọt tinh dầu vào ly nước ấm hoặc bình trà. Sau đó pha thêm chút mật ong và thưởng thức. Cách làm này giúp giảm cơn đau họng của bạn.
Vì nhiều lý do khách quan mà bạn không dám uống, hãy dùng tinh dầu để súc miệng. Bạn chỉ cần cho 1–2 giọt tinh dầu vào ly nước ấm, súc miệng trong 2 phút và nhổ ra. Cách này không chỉ làm sạch khoang miệng mà còn đem lại hơi thở thơm tho.
Thoa ngoài da
Nếu không thích cảm giác nóng rát của dầu gió, bạn có thể thoa tinh dầu. Tuy nhiên, bạn sẽ phải pha loãng ra, “chế biến” một chút trước khi bôi trực tiếp lên da. Công thức đơn giản nhất là hòa 10 giọt tinh dầu vào 2 muỗng canh dầu nền (dầu dừa, dầu jojoba hoặc dầu ô liu). Sau đó thoa lên vùng da bên ngoài cổ họng. Ngoài ra, bạn có thể “mix” với kem dưỡng da và sử dụng bình thường.
Lưu ý khi giảm viêm họng bằng tinh dầu
Dạo quanh các trang web và mạng xã hội, rất nhiều cửa hàng chuyên bán tinh dầu và đèn xông với đủ mẫu mã, xuất xứ và giá cả. Hầu hết đều khẳng định tinh dầu “100% tự nhiên”, “100% nguyên chất”. Theo một cán bộ Sở Công thương TP. HCM, việc quản lý mặt hàng tinh dầu rất khó khăn vì đây là mặt hàng khá đặc thù, sản xuất nhiều, đa dạng. Nguyên liệu để sản xuất tinh dầu thì vô cùng phong phú. Trong khi đó, dạng mặt hàng này không thuộc diện quản lý của sở.
Trao đổi về việc sử dụng tinh dầu, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Quân y 175, (TP. HCM), khuyến cáo: “Người dùng cần quan tâm nguồn gốc, nhập khẩu phải có chứng nhận nguồn gốc nước sở tại hoặc được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Với sản phẩm do người bán tự sản xuất thì khó kiểm soát”.
Bác sĩ cũng cho biết từng gặp bệnh nhân bị dị ứng với tinh dầu khi tiếp xúc trực tiếp với da. Vùng da bị viêm từ từ, bong tróc, lâu ngày gây loét, tổn thương sâu. Tinh dầu nồng độ cao có thể gây phỏng. Đặc biệt, với người hen suyễn mãn tính, da dễ phản ứng nhạy cảm. Trẻ sơ sinh không nên sử dụng hoặc tiếp xúc với tinh dầu.
Hãy ngưng sử dụng và đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ tình trạng nào sau đây trong khi sử dụng các loại tinh dầu: khó thở, ngứa, phát ban, nhịp tim nhanh…
Giảm viêm họng bằng tinh dầu nào hiệu quả nhất?
Tinh dầu chanh: giúp giảm viêm họng, kháng khuẩn, chống viêm, tăng tiết nước bọt và giúp cổ họng không bị khô.
Tinh dầu bạc hà: khử trùng, kháng virus, kháng khuẩn, kháng viêm và chống co thắt, hỗ trợ điều trị viêm xoang, viêm đường hô hấp, cảm lạnh,
Tinh dầu tràm: có thể giúp loại bỏ đờm trong đường thở.
Tinh dầu kinh giới cay: có đặc tính kháng khuẩn cao, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ bạn khỏi các vi khuẩn, virus gây bệnh.
Tinh dầu bạch đàn: giúp giảm viêm đường hô hấp và làm loãng chất nhầy trong đường thở, tăng cường hệ miễn dịch.
Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình