Trắc nghiệm sức khỏe: Bạn biết gì về bệnh lao?

Bệnh lao có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Bạn biết gì về căn bệnh này? Hãy làm trắc nghiệm sau để tìm câu trả lời nhé!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 8,8 triệu người bị nhiễm lao và gần 1,6 triệu người tử vong vì bệnh lao. Nguyên nhân gây tử vong là do sự thiếu nhận thức về căn bệnh này. Hãy làm bài kiểm tra sau đây để cập nhật những điều cần biết về bệnh lao.

1. Bệnh lao thường lây lan từ người này sang người khác như thế nào?

  A. Tiếp xúc trực tiếp qua da

  B. Qua đường tình dục

  C. Hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân lao ho, hắt hơi…

2. Triệu chứng điển hình của bệnh lao là

  A. Đau dạ dày

  B. Ho kéo dài hơn 3 tuần

  C. Đau đầu

3. Cơ quan nào bị ảnh hưởng nhiều nhất khi bị lao?

  A. Phổi

  B. Tim

  C. Tuyến tụy

4. Xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh lao?

  A. Vi khuẩn học

  B. Chụp X-quang phổi

  C. Thử phản ứng lao tố TST (Tuberculin Skin Test)

  D. Tất cả xét nghiệm trên

5. Biện pháp đề phòng bệnh lao lây sang người khác là

  A. Dùng riêng bát đĩa

  B. Đeo khẩu trang, khi ho hắt hơi phải che miệng.

  C. Ngủ riêng

  D. Tất cả các cách trên

6. Đối tượng nào cần chích ngừa lao?

  A. Trẻ sơ sinh

  B. Thanh thiếu niên

  C. Người lớn dưới 65 tuổi

7. Người nào có nguy cơ mắc bệnh lao cao?

  A. Bệnh nhân HIV/AIDS

  B. Bệnh nhân cảm cúm

  C. Bệnh nhân tim

8. Thuốc được sử dụng để chữa lao là

  A. Thuốc giảm đau

  B. Thuốc kháng a-xít

  C. Thuốc kháng sinh

ĐÁP ÁN:

1C. Khi bệnh nhân lao ho, hắt hơi,… những giọt nước bọt bắn ra có thể lây bệnh cho người khác.

2B. Ngoài ho kéo dài hơn 3 tuần, bệnh nhân còn có triệu chứng đau ngực, ho ra máu, suy nhược, mệt mỏi, giảm cân, kén ăn, ớn lạnh, sốt, đổ mồ hôi về đêm.

3A. Bệnh lao chủ yếu ảnh hưởng đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hạch bạch huyết, đường tiêu hóa, tiết niệu, não, xương, khớp, da, mắt…

4D. Phương pháp vi khuẩn học gồm soi đờm dưới kính hiển vi và nuôi cấy tìm vi khuẩn lao. Thử phản ứng lao tố TST là tiêm chất Tuberculin vào trong da, người đó đã nhiễm lao nếu bị dị ứng chậm như đỏ, cứng hoặc bóng nước sau khi tiêm 48 – 72 giờ. Chụp X-quang phổi giúp phát hiện những tổn thương ở phổi.

5D. Để tránh lây bệnh cho người khác, bệnh nhân lao nên được cách ly, không đi làm hoặc đi học. Người bệnh phải đeo khẩu trang. Khi ho, hắt hơi phải che miệng bằng khăn giấy, vứt bỏ vào thùng có nắp đậy, khạc đờm vào chỗ quy định để tránh làm phát tán vi khuẩn. Dùng bát, khăn mặt riêng và khử trùng vật dụng cá nhân cẩn thận, ngủ riêng. Mở cửa sổ phòng để thông thoáng khí.

6A. Theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc-xin ngừa lao BCG được chỉ định cho trẻ từ lúc sinh cho đến 12 tháng tuổi. Sau thời gian này, việc chủng ngừa lao sẽ đem lại kết quả hạn chế. Tuy vậy, vắc-xin ngừa lao vẫn cần tiêm cho đối tượng có nguy cơ bị lây bệnh cao như nhân viên y tế hoặc người phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi tiến triển.

7A. Người bị nhiễm HIV/AIDS, nghiện ngập, tiểu đường, bệnh thận nặng, nhẹ cân, cấy ghép nội tạng, ung thư đầu và cổ… có nguy cơ cao dẫn đến bệnh lao.

8C. Đa phần những thuốc dùng để điều trị lao là kháng sinh. Điều trị lao có hai giai đoạn: giai đoạn đầu (tấn công) khoảng 2 tháng, giai đoạn tiếp theo khoảng 4 – 7 tháng. Nếu lao kháng thuốc, điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn.

Bài: Vi Cao

Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua