Để giảm cân hiệu quả và an toàn cho sức khoẻ, bạn cần bỏ đi tâm thái ăn kiêng. Thay vì chỉ quan tâm đến lượng calo mà bạn tiêu thụ, hãy ăn theo trực giác, tập trung vào độ ngon của thức ăn và tâm thái vui vẻ khi ăn. Đây là khái niệm ăn theo trực giác (intuitive eating) được đặt ra bởi hai chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Evelyn Tribole và Elyse Resch. Tuy nhiên, ăn theo trực giác sẽ không hiệu quả nếu bạn không nắm được những nguyên tắc cơ bản.
Tìm ra yếu tố khiến bạn thoả mãn
Theo Elyse Resch, cảm giác thoả mãn chính là yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp ăn theo trực giác. Một khi đã có được cảm giác thoả mãn từ việc ăn uống, cơ thể bạn sẽ tự phát ra những “tín hiệu” để thông báo khi bạn đói, no và giúp cơ thể sống hoà bình với thực phẩm hơn.
Bỏ đi tâm lý ăn kiêng khi ăn theo trực giác
Tâm lý ăn kiêng khiến bạn phải tuân theo những nguyên tắc của việc ăn kiêng. Rằn bạn phải ăn thứ này, hoặc không được ăn thứ kia, để có được vóc dáng hoàn hảo và được công nhận. Điều này sẽ dẫn đến những thói quen ăn uống độc hại và ăn kiêng sai cách. Bạn sẽ chỉ chăm chăm vào lượng calo và cố quên đi cơn đói. Hành động này rất dễ gây ra rối loạn ăn uống.
Đừng chối bỏ những thứ mà bạn muốn ăn
Hãy cho phép bản thân ăn những thứ mình muốn. Chuyên gia Evelyn Tribole cho lời khuyên rằng, hãy liệt kê những thứ bạn không cho phép mình ăn. Rồi xếp hạng chúng theo mức độ “đáng sợ” đối với bạn. Từ mức cao nhất cho đến mức thấp nhất. Sau bữa ăn chính một vài giờ, chọn ra một thứ trong danh sách đó (có thể là thứ ít đáng sợ nhất) và ăn bao nhiêu mà bạn muốn. Có thể chúng không mang lại sự cân bằng về dinh dưỡng. Nhưng chúng mang lại sự cân bằng cảm xúc. Bạn sẽ không cảm thấy tội lỗi hoặc tồi tệ khi ăn thứ gì đó nữa.
Hãy ăn khi đói
Một trong những điều quan trọng nên nhớ khi ăn theo trực giác là hãy ăn ngay khi bạn đói. Cơn đói không phải là kẻ thù. Nó là tín hiệu bình thường của cơ thể để được tồn tại. Vì thế, nó xứng đáng được tôn trọng. Và đừng đợi đến khi cơ thể bạn đói lả đi mới bắt đầu ăn.
Nhận thức được cảm giác no
Một khi bạn nhận biết được cơn đói thì bạn cũng sẽ cảm nhận được khi nào mình sẽ no. Một trong những để biết được cảm giác no là tập trung khi ăn. Hãy tránh xa điện thoại di động, máy tính bảng, laptop và bất kì thiết bị điện tử nào khác khi ăn. Bởi theo nghiên cứu, việc sử dụng các thiết bị điện tử hoặc xem phim lúc đang ăn sẽ khiến não mất tập trung. Từ đó sẽ không nhận biết được cảm giác đói và bạn sẽ càng ăn nhiều hơn.
Đừng cảm thấy tội lỗi khi ăn
Khi thực hiện phương pháp ăn theo trực giác, sẽ đến một lúc nào đó bạn cảm thấy tội lỗi vì ăn những thứ mình muốn nhưng không theo chế độ dinh dưỡng. Không có gì lạ khi chúng ta thường bị trói buộc trong cảm giác cầu toàn, mặc cảm hoặc xấu hổ khi phải ăn kiêng. Chìa khóa để ăn theo trực giác chính là thay vì cắt bỏ hoàn toàn những loại thực phẩm mà bạn muốn ăn, hãy học cách lựa chọn, áp dụng chúng một cách linh hoạt vào bữa ăn. Đồng thời duy trì sự cởi mở, không phán xét với chúng.
Giải toả cảm xúc nhưng không phụ thuộc vào việc ăn uống
Rất nhiều người chọn ăn uống để giải toả cảm xúc và đối mặt với căng thẳng. Việc này không có gì xấu. Tuy nhiên, bạn nên học cách điều khiển cảm xúc của bản thân. Nên biết khi nào nên ăn và ăn tới mức nào. Bởi phụ thuộc vào ăn uống để giải toả cảm xúc sẽ dễ gây ra béo phì và rối loạn ăn uống.
Tôn trọng bản thân
Mục tiêu của ăn theo trực giác không phải là giảm cân hay thay đổi vóc dáng. Mà là để cân bằng cảm xúc và tạo được mối quan hệ lành mạnh giữa thực phẩm, tinh thần và cơ thể. Vì thế, hãy tôn trọng, yêu thương bản thân. Và không ngừng lắng nghe tín hiệu từ cả cơ thể mình.
Thường xuyên vận động, tập thể dục
Thể dục cũng được xem là vận động theo trực giác. Khi tập thể dục là bạn đang tự hỏi bản thân cơ thể mình hôm nay cần gì; mình thích vận động kiểu gì; hình thức tập thể dục nào sẽ có lợi nhất cho cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng nhẹ nhàng
Ăn theo trực giác không liên quan đến ăn kiêng, ăn sạch hay tránh đồ ngọt. Thay vào đó, nó là về “dinh dưỡng nhẹ nhàng”. Đó là kết hợp các tín hiệu từ cơ thể với kiến thức về dinh dưỡng để đưa ra quyết định chọn thực phẩm trên cơ sở tự chăm sóc thay vì tự kiểm soát bản thân.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: CNN