Thịt cóc có nhiều dinh dưỡng như cũng chứa không ít độc tố. Đã có nhiều trường hợp tử vong vì ăn thịt cóc, mới đây nhất là vụ việc một bé trai 4 tuổi ở Đồng Tháp tử vong vì ăn khổ qua xào cóc.
Đau lòng bé trai tử vong vì ăn khổ qua xào cóc
Nạn nhân là bé Trần Nguyễn Hoài Nam, 4 tuổi, ngụ xóm 4, phường 6, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, con của anh Trần Văn Sơn Em.
Tối 16−5, anh Em có đi soi và bắt về 1kg cóc, ếch, nhái. Sáng hôm sau, vợ anh Em, là chị Nguyễn Thị Kim Loan, làm phân nửa số thịt cóc, ếch (không lấy nội tạng) để làm món xả ớt. Cả nhà ăn nhưng không bị sao.
Đến chiều 17−5, chị làm hết số cóc, ếch còn lại, đem xào với khổ qua. Lúc này chị sử dụng luôn nội tạng cóc, ếch để chế biến. Bé Nam nhỏ nhất nhà nên được ưu tiên ăn phần gan và bao tử.
Đến 18 giờ cùng ngày, bé Nam có những triệu chứng của ngộ độc thức ăn như nôn mửa, chóng mặt, môi tím tái, chân tay lạnh, tim đập chậm. Gia đình liền chở bé đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp nhưng bé đã tử vong ngay sau đó.
Hai bé khác là Nguyễn Kim Hà và Nguyễn Kim Yến cũng có những dấu hiêu tương tự sau khi ăn khổ qua xào cóc. Gia đình cũng đã đưa đến bệnh viện để điều trị và hiện đang dần hồi phục.
Trưa 19−5, dựa vào các triệu chứng lâm sàng, Sở Y tế Đồng Tháp đã có kết luận sơ bộ nguyên nhân tử vong của bé Nam là ngộ độc thực phẩm do ăn khổ qua xào cóc.
Sử dụng thịt cóc đúng cách
Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp đau lòng về ngộ độc thịt cóc. Nhiều người cho rằng thịt cóc có rất nhiều chất dinh dưỡng, được dùng để trị các bệnh còi xương trẻ em, chữa hen, viêm đường ruột… Tuy nhiên, kết luận này nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều. Mặc dù chưa có kết luận cụ thể về công dụng của thịt cóc nhưng ai cũng biết rằng cóc chứa nhiều độc tố. Trong nội tạng, da và mắt cóc có chứa chất độc khiến người ăn bị chóng mặt, buồn nôn, tim đập chậm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Vì thế khi sử dụng thịt cóc, nên bỏ hết nội tạng, lột toàn bộ da cóc, tránh để nhựa cóc dính vào thịt hoặc bắn vào người. Sau đó rửa lại thịt cóc nhiều lần bằng nước sạch.
Một số loại cóc, nhái có hình dạng rất giống ếch, nhiều người không phân biệt được nên dễ dàng ăn nhầm thịt cóc, dẫn đến nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
Vì thế để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất bạn hạn chế sử dụng thịt cóc, ếch, nhái, thay vào đó là các thực phẩm khác có giá trị dinh dưỡng tương đương. Hoặc nếu muốn sử dụng thịt cóc, phải chế biến thật cẩn thận để đảm bảo sức khỏe cho mình và cho người khác.
Hà Ngô
Tiếp Thị Gia Đình