Ăn đường gì để tốt cho sức khoẻ của bạn?

Đường là một chất tạo vị ngọt quen thuộc. Có rất nhiều loại đường khác nhau. Vậy đâu là loại tốt mà bạn nên sử dụng?

Ảnh: Shutterstock

Đường có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm. Trong dinh dưỡng, đường được xem là loại cacbohydrate đơn giản bao gồm 1 hoặc 2 đơn vị carbohydrate cơ bản như glucose, fructose và galactose. Chúng ta thường dùng từ đường để mô tả những loại carbohydrate đơn tạo ra vị ngọt. Hãy cùng tìm hiểu các loại đường hiện có trên thị trường.

Các loại đường phổ biến

Đường trắng

Đường trắng là đường làm từ mía (hoặc củ cải trắng) ép lấy nước, cô đặc lại bằng nhiệt rồi đem kết tinh lấy đường. Trong suốt quá trình tinh chế, độ ẩm, khoáng chất và các hợp chất làm màu mất đi tạo ra đường tinh luyện trắng. Đường trắng có nhiều loại như đường bột, đường viên, đường cát.

Lưu ý: các loại đường trắng khi tinh luyện có thể dùng hóa chất tẩy màu nên không tốt cho sức khỏe.

Đường thô

Đường thô được sản xuất như đường trắng nhưng không qua quá trình tinh chế. Chúng có hương vị giống đường nâu vì quá trình tinh luyện vẫn giữ lại rỉ đường. Do không qua quá trình tinh chế, đường thô giữ lại được các khoáng chất.

Lưu ý: Thường có vị ngọt đậm, không thanh.

Đường nâu

Đường nâu là đường trắng nhưng có màu vàng hoặc nâu. Màu sắc này được tạo ra trong quá trình tinh luyện nhưng không tách hoặc tách 1 phần mật mía (rỉ đường). Màu sắc đậm nhạt của đường sẽ phụ thuộc vào lượng mật mía.

Lưu ý: Đường nâu sản xuất trong công nghiệp được tạo thành từ đường trắng và có thêm vào chất tạo màu. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ khó phân biệt được với đường nâu tự nhiên.

Đường phèn

Đường phèn được làm bằng cách đun sôi từ đường trắng pha với nước. Sau đó cho vôi vào để tạo thành tinh thể đường. Đường phèn có vị ngọt thanh hơn đường trắng.

Lưu ý: Đường phèn cũng giống như đường trắng. Vì vậy, loại đường này cũng có thể chứa hóa chất trong quá trình tinh luyện.

Mật ong

Mật ong nguyên chất chứa các enzyme tự nhiên, chất chống oxy hóa, chất khoáng và vài loại vitamin. Các nghiên cứu cho thấy mật ong có tính kháng khuẩn. Đường trong mật ong chủ yếu là fructose, ngoài ra còn có glucose và sucrose. Mật càng ngọt thì chứa lượng fructose càng cao.

Lưu ý: Người bệnh tiểu đường cũng không nên dùng vì mật ong vẫn làm tăng lượng đường trong máu.

Các loại siro

Được sản xuất từ nhiều nguồn thực vật dưới dạng mật và hoa quả như bắp, chà là, nho, cây phong và cây thùa… Trong đó cây thùa và bắp có nhiều carbohydrate phức hơn. Chúng được phân tách thành đường trong quá trình tinh luyện, sau đó được cô đặc thành siro. Siro bắp có hàm lượng fructose nhiều hơn nên có vị ngọt hơn.

Lưu ý: Một số loại siro có hàm lượng đường cao nên cần cẩn trọng khi sử dụng.

Loại đường ăn nào tốt?

Để lựa chọn loại đường tốt cho sức khỏe và phù hợp nhu cầu sử dụng, chúng ta nên cân nhắc những tiêu chí sau:

Độ ngọt và hàm lượng đường: Mật ong và siro bắp có chứa nhiều fructose hơn. Do đó chỉ một lượng nhỏ là có thể đạt được mức độ ngọt như đường trắng.

Khả năng chống oxy hóa: Nhiều nghiên cứu cho thấy đường càng ít tinh chế sẽ chứa nhiều khoáng chất và chất tạo màu tự nhiên. Chất tạo màu này được cho là có khả năng tăng cường chống oxy hóa. Vì vậy, khả năng chống oxy hóa của đường thô cao hơn nhiều lần so với đường trắng và siro bắp.

Chỉ số đường huyết (GI): Thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ có khả năng làm tăng lượng đường trong máu và điều này không tốt cho sức khỏe. So sánh trong tất cả các loại đường, siro bắp có GI cao nhất. Siro cây thùa có giá trị GI thấp nhất. Do đó, siro cây thùa là một lựa chọn tốt cho những người cần kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.

Mối nguy hiểm từ đường hóa học

Đường hóa học (hay chất ngọt tổng hợp) là chất không có trong tự nhiên, thường có vị ngọt rất cao và có thể tạo vị ngọt gấp 30 lần so với đường tự nhiên làm từ mía, củ cải đường và tuyệt nhiên không hề có một giá trị dinh dưỡng nào khác.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các phụ nữ có thai nếu thường xuyên ăn nhiều đường hóa học có thể gây suy giảm chức năng tiêu hóa, kích thích niêm mạc đường ruột, gây khó khăn cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Thậm chí có thể ảnh hưởng tới chức năng thận.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua