Ăn cá nhiễm độc ở miền Trung sẽ bị ung thư?

Chất thải của công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Hà Tĩnh, có chứa những chất phenol, cyanua và hydroxit sắt cực độc đối với cơ thể. Nhiều người lo ngại ăn cá nhiễm độc ở miền trung sẽ dẫn đến ung thư. Vậy thực hư ra sao?

Thông tin trên làm cả nước hoang mang, nhất là khi Formosa còn được mệnh danh là hung thủ gieo rắc ung thư khắp thế giới. Sự thật về việc ăn cá nhiễm độc ở miền trung dẫn đến ung thư ra sao?

Thực hư về việc ăn cá nhiễm độc ở miền trung dẫn đến ung thư

Dân tình hoang mang

Nhiều ngày gần đây, người tiêu dùng truyền tai nhau không ăn muối, nước mắm, các sản phẩm làm từ cá vì sợ “làm từ cá biển miền Trung” chứa chất gây ung thư. Một tiểu thương buôn bán cá biển tại chợ Hòa Bình, Q. 5, TP. HCM, nói: “Khi tin Formosa thải độc ra biển um sùm lên, khách đã chuyển qua mua cá nuôi ruộng. Tôi cũng không dám ăn cá biển nữa”. Các gian hàng cá khô, sản phẩm làm từ cá, nước biển cũng điêu đứng không kém. Vụ bắt được xe đông lạnh thu mua cá chết vào hai tháng trước khiến người tiêu dùng nghi ngờ: Liệu đã có xe cá chết nào “lọt lưới”, thành đồ khô, đồ hộp hay nước mắm?

Chị Hoàng Yến Loan, nhân viên văn phòng tại Q. 3, chia sẻ: “Thông tin mới nhất cho thấy chất thải của Formosa có chứa chất gây ung thư, tôi lại đọc được hàng loạt bài nói về cảnh các gia đình ở Vân Lâm – thủ phủ Formosa tại Đài Loan mỗi năm có tới hai đám tang vì ung thư. Tôi lo lắm, phải mua các thực phẩm chức năng giúp giải độc vì chẳng biết mình đã lỡ ăn phải cá nhiễm chất độc khi mua cơm trưa văn phòng, mua cá tại chợ… hay chưa”. Chị Loan kể thêm: “Tôi có người bà con sống trong tâm bão Formosa, cả nhà chị ấy tốn tiền mua thực phẩm giải độc hơn cả tiền ăn hàng ngày. Chẳng biết bao giờ chất độc mới hết để bà con yên tâm ăn cá”.

Chuyên gia ung thư nói gì về việc này?

an ca nhiem doc o mien trung hinh anh 3

Nên đi khám định kỳ mỗi năm để kịp phát hiện bất thường và can thiệp. Nhiều ung thư có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm.

Bàn về mối quan hệ giữa hóa chất và ung thư, tiến sỹ – bác sỹ Vũ Văn Vũ, Trưởng khoa Nội 1 – Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, cho biết: “Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đánh giá công nghiệp luyện thép thuộc nhóm nghề nghiệp có nguy cơ sinh ung thư được xác định rõ (Nhóm 1). Nguy cơ là do tiếp xúc với các chất độc hại có khả năng gây ung thư trong môi trường sản xuất, bao gồm cả phenol, formaldehyde, isocyanate và nhiều hợp chất amine khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy công nhân luyện sắt thép có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn người bình thường. Trong chất thải của công nghiệp luyện thép, tùy theo công nghệ và phương pháp xử lý thải mà nồng độ các chất sinh ung thư trên sẽ khác nhau. Ngay cả các hợp chất thuộc nhóm hydroxit sắt, cyanua, phenol mà bà con đang lo lắng cũng bao gồm nhiều hợp chất có tính chất và nồng độ khác nhau tùy từng nơi, từng lúc. IARC hiện không có các dữ liệu thực nghiệm để xác định các chất sinh ung thư trong quá trình luyện thép có thể gây ra các ung thư gì, ở nồng độ nào, sau bao lâu trên động vật dù các chất này đã được xác định là có khả năng gây đột biến gien trên mô hình thí nghiệm”.

Vậy người ăn cá nhiễm độc ở miền trung thì sao? Tiến sỹ Vũ khẳng định: “Nếu ăn thực phẩm có các chất này thì vấn đề chính là ngộ độc cấp (cyanua rất độc cho hệ thần kinh). Nếu tiếp xúc lâu dài, nhiều năm cho đến hàng chục năm, chất độc có thể từ từ gây ung thư nhưng còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời gian, liều lượng, hoàn cảnh tiếp xúc, các yếu tố tán trợ cũng như sự nhạy cảm của từng cá thể”.

Giải thích thêm về vấn đề này, thạc sỹ – bác sỹ Võ Kim Điền, trưởng Trung tâm điều trị ung thư Hy vọng, Bệnh viện FV, cho biết: “Khi xem phim điệp viên, bạn thường thấy mấy điệp viên bị bắt giấu chất độc trong răng hay uống viên con nhộng. Họ uống xong là chết ngay, đó chính là cyanua. cyanua có trong chất thải công nghiệp và dùng trong khai thác vàng. Nếu dùng nước thải này trong ăn, uống, người dân ở khu vực khai thác vàng cũng bị nhiễm độc cấp tính, liều nặng từ 0,15 đến 0,2g có thể gây chết người. Tương tự như cyanua, hydroxit sắt cũng thường gây ngộ độc cấp tính, chỉ có phenol là chất khó bị đào thải khỏi cơ thể, có khả năng gây ung thư cao nếu tiếp xúc mạn tính. Chất này không được phép có trong thực phẩm. Nói như vậy không có nghĩa là ai nhiễm phenol cũng bị ung thư. Cơ chế gây ung thư là do gien của tế bào bị đột biến. Không phải mỗi lần tiếp xúc với hóa chất, tế bào sẽ đột biến ngay mà cần có điều kiện (như liều hóa chất vượt quá giới hạn mà không gây tử vong ngay, tái nhiễm chất đó nhiều lần hoặc thời gian tiếp xúc dài qua nhiều năm) hoặc qua nhiều lần đột biến mới dẫn đến ung thư. Không có chuyện ăn là ung thư liền hay ai nhiễm phenol cũng ung thư vì nó có thể gây đột biến ở người này nhưng lại không gây đột biến ở người kia. Nói chung, diễn biến của ung thư rất phức tạp. Thêm vào đó, có cả ngàn chất trong danh sách các chất gây ung thư. Vậy vì sao người ta biết đó là chất gây ung thư? Thử nghiệm trên con người chăng? Không, các nhà nghiên cứu chỉ tiến hành trên con vật. Nếu cấy chất đó vào con vật, chẳng hạn như chuột và thấy gây ung thư, người ta sẽ liệt vào chất gây ung thư”.

Giải pháp làm an lòng dân

“Với những thông tin về các chất trong nước thải của Formosa ra biển, tôi và các bác sỹ khác chưa thể kết luận có đủ để gây ung thư cho người ăn cá nhiễm độc ở miền trung hay không”, bác sỹ Điền khẳng định. Theo bác sỹ Điền: “Chúng ta cần những nghiên cứu dịch tễ của cơ quan nhà nước, xác định chính xác liều lượng phenol trong mẫu nước, sinh vật sống trong đó mới khẳng định được. Tất cả phải có bằng chứng khoa học mới được. Sau đó, đối chiếu với tiêu chuẩn an toàn của thế giới, nếu thấy nhiễm độc nặng thì phải cách ly bà con”.

Ngoài ra, bác sỹ Điền cũng chia sẻ: “Giả sử, một người ở độ tuổi 60, nếu ăn cá có chứa phenol có thể không sao vì 20–30 năm nữa ung thư mới hình thành, khi đó chắc gì người ấy đã còn. Song, nếu phenol còn trong môi trường biển lâu dài, một cậu bé 10 tuổi, ăn cá nhiễm phenol suốt 30 năm thì khi cậu bé 40 tuổi, chuyện đó lại khác rồi. Chúng tôi không lo cho thế hệ mình mà lo cho thế hệ cháu con của mình”. Về việc dùng các thực phẩm chức năng giải độc, bác sỹ Điền cho rằng, cách đó chỉ tăng cường lợi nhuận cho công ty bán thực phẩm chức năng, còn để ngừa ung thư thì… chưa chắc. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm máu cũng không tầm soát được tất cả các bệnh ung thư.

Tiến sỹ Vũ Văn Vũ cũng khẳng định: “Các tai nạn về môi trường (như thiên tai, thảm họa, nổ lò phản ứng hạt nhân…) là một trong những biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời sống hiện tại. Sức khỏe là thành quả của một cuộc sống lành mạnh, không chỉ phụ thuộc vào cá nhân mà còn ảnh hưởng rất nhiều từ xã hội. Phần nhiều các bệnh ung thư là mối nguy có thể dự phòng và kiểm soát được bằng cách sống lành mạnh của cá nhân và lối kinh doanh, làm ăn, quản lý trung thực, có đạo đức của cả cộng đồng”.

Cá miền Trung không phải là nguyên nhân gây ung thư chính

an ca nhiem doc o mien trung hinh anh 1

Thưa bác sỹ, có phải Việt Nam nằm trong top các nước bị ung thư hàng đầu trên thế giới?

TS–BS. Vũ Văn Vũ: Tỷ lệ mắc các bệnh ung thư tại Việt Nam ở mức trung bình, không cao như các nước châu Âu nhưng cũng không thấp hẳn so với nước chậm phát triển như ở châu Phi.

ThS–BS. Võ Kim Điền: Theo thống kê tương đối của nước ta, tỷ lệ mắc ung thư qua các năm ở Việt Nam có tăng. Song mức tăng không phải do số lượng người mắc nhiều hơn mà do tuổi thọ của người Việt tăng lên, con người sống thọ hơn. Ngày trước, tuổi thọ thấp, 60 tuổi đã là thượng thọ, ung thư chưa kịp xuất hiện thì người đã không còn. Ngày nay, tuổi thọ tăng lên, người sống lâu hơn thì dĩ nhiên sẽ thấy ung thư xuất hiện nhiều hơn rồi. Vậy vì sao người dân Việt chưa bao giờ lại lo lắng về ung thư như lúc này? Theo tôi, đó là vì người dân thiếu những thông tin đúng về ung thư trong khi đó nhiều cơ quan truyền thông làm quá vấn đề nên người dân tin… đại.

Các yếu tố nào có tác động gây ung thư mạnh nhất?

TS–BS. Vũ Văn Vũ: Ước tính có đến 90% các ca ung thư do yếu tố môi trường thuộc các nhóm: sinh học (vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng), vật lý (tia bức xạ, ánh nắng…) hoặc hóa học (thuốc lá, rượu bia, ăn uống, một số hóa chất sử dụng trong công nghiệp và đời sống…) gây ra. Ung thư gây nên do rối loạn hoạt động các gien hoặc quá trình sinh học chi phối sự tăng trưởng tế bào. Ngoài ra, yếu tố nội tại (gia đình, rối loạn di truyền bẩm sinh) cũng có ảnh hưởng đến khả năng mắc ung thư của từng cá thể. Tùy từng loại ung thư mà vai trò của các yếu tố này có khác nhau.

ThS–BS. Võ Kim Điền: Trong khi bà con đổ xô lo lắng về cá miền Trung gây ung thư, tôi nghĩ bà con nên để ý những mối lo ở gần mình hơn. Tùy từng loại ung thư mà có nguyên nhân riêng nhưng hút thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư nhất, đến hơn 10 loại. Ăn cá có thể không chết vì ung thư mà hút thuốc lá, ở chung nhà, sống cùng với người hút thuốc lá mới là đáng gờm. Sau thuốc lá, tôi nghĩ là khói xe. Nếu Việt Nam cấm được xe máy, có nhiều xe công cộng, dùng nhiên liệu sạch hơn thì nỗi lo sợ ung thư cũng giảm đi.

Mỗi loại ung thư đều có triệu chứng khác nhau. Liệu có dấu hiệu cảnh báo chung nào cho biết cơ thể có thể mắc ung thư không?

ThS–BS. Võ Kim Điền: Có 7 triệu chứng báo động sau mà mọi người, đặc biệt là người trên 40 tuổi, nên cảnh giác. Song, không phải có dấu hiệu này là chắc chắn bị ung thư vì nó giống nhiều bệnh khác, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra chính xác:

– Rối loạn hoặc thay đổi thói quen tiêu, tiểu.

– Vết loét không lành.

– Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường.

– U hoặc một nốt bất thươ ng, không đau.

– Khó tiêu hoặc khó nuốt.

– Thay đổi tính chất của nốt ruồi.

– Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng.

Bài: Xoa Nguyễn

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua