Ấm lòng với hẻm Ông Tiên, phố cơm trắng, quán cơm 2000 đồng cho người nghèo

Bạn từng nghe nói đến hẻm Ông Tiên với nhiều thứ miễn phí, phố cơm trắng bán theo ký hay suất ăn giá chỉ 2.000 đồng chưa? Những địa chỉ này đã giúp người lao động nghèo bớt vất vả nhiều năm qua

“Sài Gòn đất chật người đông, hạt tiêu phải trả không cho thứ gì”, câu nói ấy quá quen thuộc với những cư dân đang sống tại đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, đâu đó trong lòng thành phố hoa lệ này vẫn còn những hẻm đường từ thiện ngập tràn yêu thương.

HẺM ÔNG TIÊN

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-01Tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, thuộc phường 2, Q. Phú Nhuận, TP. HCM, con hẻm 96 được biết đến nhiều hơn với cái tên hẻm Ông Tiên. Trong khoảng cách chỉ vài trăm mét từ đầu đến cuối hẻm treo chằng chịt những cái bảng dịch vụ miễn phí cho người nghèo như “nhận sửa chữa đồ gia dụng giá rẻ cho người nghèo, ưu đãi cho sinh viên, người bán vé số”, “quán bún riêu, canh bún, cháo lòng ủng hộ người già và người tàn tật”…

Ông Đỗ Văn Phúc, làm nghề chạy xe ôm trước hẻm, cho biết: “Tính từ lúc tôi chạy xe ôm đến nay hơn 30 năm, con hẻm này đã có mặt. Ngày đó chỉ có những dịch vụ đơn giản như trà đá miễn phí, sửa giày dép hay đi toilet miễn phí”.

Bà Lê Thị Mùi, quê Bắc Ninh, bán vé số tại khu vực này, cho biết: “Tôi thường uống trà đá miễn phí nơi đây. Uống xong họ còn bảo cứ lấy bình nước suối hứng mang theo để dành đi đường. Mỗi ngày tôi đến đây lấy nước ba lần để tiết kiệm tiền. Từ sáng sớm đến tối khuya, dù nắng gắt hay mưa bão, tôi vẫn thấy chiếc bình được châm nước đều đặn”.

Bình trà đá nằm ngay lối vào hẻm. Cạnh bình nước là tủ thuốc có “tuổi đời” hơn 10 năm với những loại thuốc chữa trị các chứng bệnh dễ gặp như cảm sốt, tiêu chảy, nhức đầu sổ mũi… Phía đối diện tủ thuốc là một bình bơm hơi với chiếc bảng được viết tay rất nắn nót: “Vá xe và xe ôm miễn phí cho người khuyết tật”. Kế bên là một chiếc bảng được đánh máy rất chỉn chu: “Cơ sở mai táng Vạn Phúc, địa điểm hỗ trợ mai táng và cho hòm miễn phí 24/24 kể cả những ngày lễ, Tết…”.

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-02

Tủ thuốc từ thiện có “tuổi đời“ hơn 10 năm

Ông Đỗ Văn Út, 52 tuổi, một cư dân trong hẻm, tâm sự: “Từ khi tán gia bại sản, tôi mới hiểu hoàn cảnh của những người nghèo. Hành nghề sửa xe tại đây, tôi chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh kết thúc cuộc sống chỉ vì không có tiền. Có những người nhắm mắt nhưng không có được chiếc chiếu quấn để mai táng. Từ đó, tôi tự liên lạc với những người bạn làm ăn ngày trước, nhờ họ trợ giúp để có tiền lo cho người nghèo. Cư dân hẻm 96 người góp công kẻ góp của, người nấu nước, người góp chai dầu, vỉ thuốc hoặc mỗi tháng góp vài chục nghìn đồng”.

PHỐ CƠM TRẮNG CHO NGƯỜI NGHÈO

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-07Nằm gần cuối đường Nguyễn Thông, Q. 3 (hướng vô ga Sài Gòn), phố cơm trắng hình thành cách đây hơn mười năm. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một trong những người khởi xướng mô hình này, nhớ lại: “Hồi đó chủ yếu là khách đi tàu Bắc Nam ghé lại mua cơm ăn cho tiện. Về sau, có nhiều người túng thiếu phải mua cơm không để ăn qua bữa. Tôi bán ở đây gần 15 năm, chứng kiến nhiều người không có đủ 10.000 đồng mua ổ bánh mì nên nảy ra ý mở quán cơm trắng này giúp họ no bụng, ấm lòng hơn”.

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-03Chị Hồ Thị Bích Liên, bán đối diện chị Nga, kể: “Có hôm, một nhóm người lượm ve chai đến trễ nên quán nào cũng hết cơm, nhìn họ đứng xoa bụng, trên tay cầm bịch muối ớt định ăn với cơm mà tôi không cầm được nước mắt”.

Anh Nguyễn Duy Dương, làm nghề khuân vác, chia sẻ: “Ở Sài Gòn có mỗi khu này bán cơm không. Tôi thường ăn cơm không với chút muối mè hay nước tương, bữa nào sang thì có thêm chút dưa cải muối. Tính ra mỗi tháng tôi tiết kiệm được gần một triệu đồng gửi về quê”.

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-06

Anh Duy Dương là khách quen của phố cơm trắng

Chúng tôi đến vào cuối tuần, hỏi vì sao không nghỉ “xả hơi” thì các chị bảo: “Mình mà nghỉ là nhiều người đói lắm. Người nghèo đâu có nghỉ. Có khi hôm nay họ ăn nhiều hơn vì cuối tuần thường đem theo chút mắm hoặc cá khô để đãi nhau”. Khoảng 11 giờ 30, mọi người bắt đầu đến mua cơm. Người bán kẻ mua tấp nập nhưng tuyệt nhiên không có cảnh tranh giành. Vài người lấy ra một nắm cá khô được gói cẩn thận trong bao ni-lông rồi chia nhau ăn ngon lành.

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-09

Chị Lê Thị Bích, một chủ hàng cơm, cho biết: “Mỗi ký cơm giá bán từ sáu đến mười nghìn đồng. Thường những người công nhân, bán vé số, sinh viên… chỉ ăn cơm sáu nghìn thôi. Mỗi ký cơm bán ra trừ hết chi phí còn lời năm trăm đến một nghìn đồng. Công việc không cực lắm, chủ yếu là siêng và lời ít thôi”.

SUẤT ĂN 2.000 ĐỒNG

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-05

Bữa ăn cuối tuần với các món nước

Chuỗi quán cơm Nụ Cười nằm trong dự án trợ giúp suất ăn giá rẻ của Quỹ từ thiện Tình Thương TP. HCM. Bác Nguyễn Văn Giàu, quê Phú Yên, hồ hởi: “Một tuần ba buổi, tôi đến đây để ăn cơm từ thiện. Một phần ăn chỉ có 2.000 đồng nhưng đầy đủ thịt cá, rau canh thì không gì sướng bằng. Có khi họ đổi món như hủ tiếu, phở hay bánh canh để mọi người đỡ ngán. Trước đây tôi có bao giờ được ăn tô phở bò đâu, nhưng khi đến đây tôi không những được ăn no mà còn rất ngon nữa”.

Theo nhiều bạn tình nguyện viên làm các công việc như phục vụ, rửa chén, nấu bếp… thì chuỗi quán cơm xã hội này hoạt động rất chặt chẽ về cấu trúc và minh bạch về tài chính. Ai cũng có nhiệm vụ kêu gọi và quyên góp để quỹ hoạt động được đều đặn. Mọi người còn thường kết hợp những mô hình từ thiện để nâng cao chất lượng phục vụ người nghèo.

Mới đây nhất là dự án mở cửa hàng bán đồ đồng giá 2.000 đồng ngay bên trong quán Nụ Cười 4. Những món đồ tại đây là vật dụng thiết yếu như quần áo, giày dép… Sau khi ăn xong, mọi người tha hồ lựa chọn món hàng mình thích.

Ông Lê Văn Chính, quản lý quán Nụ Cười 4, chia sẻ: “Ngoài việc vận động bà con tiểu thương cho rau củ, thực phẩm để chế biến bữa ăn, chúng tôi xin thêm những thứ họ không còn sử dụng và đem về bán rẻ lại cho người nghèo”.

“Nếu mua một chiếc áo tôi phải nhịn ăn cả tháng mới dành đủ tiền. Đến đây, tôi được ăn no, ăn ngon mà còn mua được đồ đẹp nữa”, chị Nguyễn Thị Hoa, bán hàng rong, mừng rỡ khoe chiếc áo khoác mình chọn được.

CHUỖI QUÁN CƠM NỤ CƯỜI

20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-04Quán đầu tiên ở số 6, Cống Quỳnh, Q. 1, TP. HCM (mở vào tháng 10–2012). Quán cơm Nụ Cười 2 ở 371 Tân Sơn Nhì, P. Tân Thành, Q. Tân Phú, TP. HCM (tháng 3–2013). Quán cơm Nụ Cười 3 ở 276, đường Huỳnh Tấn Phát, P. Phú Mỹ, Q. 7, TP. HCM (tháng 5–2013). Quán Nụ Cười 4 ở số 132 Bến Vân Đồn, Q. 4, TP. HCM (tháng 9–2013). Quán Nụ Cười thứ 5 ở số 43, đường B Trưng Trắc, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP. HCM (tháng 10–2013).

Tính đến tháng 9–2015, chuỗi quán cơm này đã bán ra hơn một triệu suất ăn cho người nghèo sống trên địa bàn TP. HCM.

HIỆU ỨNG XÃ HỘI20151120-duong-co-quan-com-mien-phi-hinh-anh-08

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Thúy, chuyên viên phát triển cộng đồng, nhận định: “Những mô hình như thế này sẽ giúp các bạn trẻ có một môi trường thực tế để trải nghiệm thay vì chỉ quyên góp khi có ai đó kêu gọi. Hiệu ứng từ những việc làm thiện nguyện này sẽ dần dần thay đổi tư duy đến hành động của các bạn. Từ những công việc phụ vặt như rửa chén, khuân vác, vận động quyên góp… các bạn sẽ thấy trách nhiệm của mình ngày càng lớn lao hơn. Và một ngày nào đó, chính các bạn sẽ là những chủ nhân của quỹ khuyến học, chương trình thiện nguyện hay một chiến dịch từ thiện nào đó.

Những việc làm nhân ái này cũng sẽ tác động đến mọi tầng lớp của xã hội, đánh động đến tâm lý của những người có điều kiện. Từ đó, họ biết chia sẻ hơn với cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, người làm công tác từ thiện cần phải minh bạch và thực tế. Nên cho nhu yếu phẩm cần thiết thay vì cho tiền, đồng tiền sẽ làm người nhận cảm thấy bơ vơ hơn và dùng chúng không đúng mục đích”.

Bài: NGUYÊN KHÁNH

Mục Câu chuyện & Con người/Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua