Alibaba và hơn 40 dự án… cướp

Từ khóa “hot” bậc nhất trong những ngày gần đây không thể không nhắc đến “Alibaba lừa đảo”. Vụ lừa đảo chấn động của anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, kéo theo 6.700 nạn nhân với số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng

Người ta ví câu chuyện Alibaba lừa đảo giống như câu chuyện Alibaba và 40 tên cướp. Số dự án không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận mà Alibaba tự vẽ ra cũng là hơn 40. Con số khá trùng khớp với 40 tên cướp… Đồng thời, cú lừa đảo của công ty này cũng ngoạn mục, kỳ diệu như cuộc chiến của Alibaba với 40 tên cướp vậy! Chỉ khác là Alibaba lại đồng lõa với các tên cướp.

Trước giờ, nhiều người đã mất niềm tin vào đa cấp. Hình thức kinh doanh đa cấp phổ biến ở lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, máy móc chăm sóc sức khỏe… vấp phải sự cảnh giác cao độ của người tiêu dùng. Ấy vậy mà một ngày, nó bước chân vào lĩnh vực “to tiền” như bất động sản mà điển hình là sự ra đời hoành tráng của Alibaba. Công ty này núp bóng dưới dạng hoạt động kinh doanh bất động sản. Nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp.

Alibaba lừa đảo

Trong số 6.700 nạn nhân, không ít người biết Alibaba kinh doanh đa cấp. Dư luận, truyền thông, thậm chí chính quyền địa phương đã cảnh giác. Thậm chí lên án về hoạt động bất thường ở Alibaba. Thế nhưng vẫn có tới hàng ngàn người bị cuốn chặt vào cái vòi bạch tuộc mà Alibaba bung tỏa khắp nơi. Không ít người tán gia bại sản, nhiều người mất hết tiền dưỡng già bao năm tích cóp. Thậm chí sẵn sàng đi vay để “chồng” tiền ký hợp đồng. Vì sao vậy?

Thiếu hiểu biết pháp luật đất đai

Trước hết, 6.700 nạn nhân mắc bẫy Alibaba lừa đảo vì thiếu hiểu biết pháp luật về đất đai. Đất mà công ty này thu gom phần lớn là đất nông nghiệp. Các “dự án” tự vẽ ra không thể tách thửa hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất như công ty đã quảng cáo. Vậy mà nhiều người vẫn lao vào như thiêu thân, không cần biết tính pháp lý của dự án. Thậm chí chẳng cần nhận sản phẩm, chẳng cần biết mặt mũi lô đất mình mua ra sao.

Nguyễn Thái Luyện

Niềm tin vào sự hào nhoáng

Thiếu hiểu biết dẫn đến tin nhầm người, tin vào những lời quảng cáo đường mật, lời cam kết. Nghiêm trọng hơn nữa là tin những bằng chứng sống đã được thu lời khủng từ việc mua đất nền Alibaba.

Công ty này đã vô cùng bài bản trong việc tạo lòng tin nơi khách hàng. Trụ sở địa chỉ rõ ràng. Đội ngũ 2.600 nhân viên với đồng phục chuyên nghiệp. Hàng loạt “chim mồi” và những sự kiện ra mắt hoành tráng. Ông chủ Luyện luôn xuất hiện với những thông tin chắc như đinh đóng cột… Tất cả đã giúp Alibaba tẩy não khách hàng. Tài tình đến nỗi có những dự án ảo được bán đi bán lại tới 4 lần vẫn có người quyết mua.

Mơ ước giàu nhanh

Trong khi lãi suất gửi ngân hàng mỗi năm chỉ được vài %; thì theo cam kết của Alibaba là đem tiền gửi cho công ty này thông qua hình thức mua nền đất, lãi suất mỗi năm tới 28%. Nhiều người nghi ngờ lãi suất cao nhưng lại được củng cố bằng những lời hứa có cánh. Như khi cần có thể được nhân viên giới thiệu khách khác hay công ty thu mua lại. Kiểu gì cũng chỉ có lợi, ai mà không tham!

Theo tiết lộ của người trong cuộc, khi mua dự án, khách hàng chỉ cần xuống tiền ký hợp đồng, không cần phải nhận đất. Sau đó, chỉ cần người mua mời người thân, bạn bè tham gia mua sẽ được nhận lãi suất cao. Ai mời được nhiều người mua thì trong vòng 1 năm có thể nhận lại mức lãi suất gấp đôi khoản tiền đã bỏ ra mua đất trước đó.

Vì lòng tham và thiếu hiểu biết, hàng ngàn người mắc bẫy Alibaba

Bằng rất nhiều chiêu quảng cáo và lời hứa khác nhau, Alibaba đã khiến con người ta mịt mù lý trí, mịt mờ hai mắt. Hàng ngàn người không còn đủ tính táo để phân biệt được đúng sai, phải trái, thật giả. Lòng tham không chỉ khiến bản thân sa bẫy mà còn khiến họ ngay cả khi biết mình mắc bẫy; vẫn sẵn sàng giăng bẫy người thân, bạn bè. Người bị lừa không đứng lên tố cáo mà còn trở thành mắt xích trong hệ thống đa cấp lừa đảo của công ty.

Xử lý thế nào?

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP. HCM), người dân cần tố giác với công an về các giao dịch với công ty Alibaba lừa đảo; cung cấp các tài liệu, chứng cứ như hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc với công ty… để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Nếu có đủ căn cứ xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thì quyền lợi của mọi người sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng, có thể không phải tất cả giao dịch của khách hàng với Alibaba đều bất hợp pháp. Đối với hợp đồng mà tài sản là có thật, được phép chuyển nhượng; nhưng do vụ án xảy ra ảnh hưởng đến tiến độ thì khách hàng có quyền tiếp tục thực hiện hoặc dừng. Lúc này, hai bên làm việc trên tinh thần thỏa thuận. Nếu không thì khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.

Bài học đắt giá sau vụ Alibaba lừa đảo

Việc đầu tư bất động sản chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhất là với người không có chuyên môn, hiểu biết cặn kẽ về pháp luật đất đai. Những gì càng lời nhanh sẽ càng nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Khi bạn muốn làm giàu từ bất động sản, nhất định phải chú ý đến các vấn đề quan trọng sau:

– Thứ nhất, tính pháp lý của dự án: Bạn phải thấy được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu giấy tờ hợp lệ, tài sản của bạn mới được nhà nước công nhận và bảo vệ.

– Thứ hai, việc triển khai dự án bất động sản phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Tùy từng dự án mà bạn phải xem các văn bản sau: Chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500; Quyết định giao đất; Giấy phép xây dựng; Văn bản xác nhận đủ điều kiện chào bán bất động sản… Không có các văn bản này, bạn đừng mạo hiểm đầu tư.

– Thứ ba, xem xét uy tín của chủ đầu tư. Bất cứ chủ đầu tư nào từng dính “phốt”, bạn chớ nên “liều mạng”. Khi chưa có các giấy tờ hợp pháp, bạn đừng tin vào những lời cam kết.

Cân nhắc xem xét các yếu tố pháp lý thật kỹ trước khi bạn quyết định đầu tư.

Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua