Alaska: Xứ sở của các loài rau củ quả khổng lồ

Nhờ được mặt trời chiếu sáng lâu hơn bình thường, mảnh đất Alaska, Mỹ mỗi năm đều cho ra đời những loại rau củ quả khổng lồ như bắp cải 63 kg, dưa ruột vàng 30 kg, bông cải xanh 16 kg, bí ngô hơn 800 kg…

KHỔNG LỒ NHƯNG CHẤT LƯỢNG TUYỆT HẢO

Ở Alaska, mùa gieo trồng thường rất ngắn, trung bình chỉ 105 ngày, trong khi mùa sinh trưởng của cây trồng ở California và những nơi khác là 300 ngày. Tuy nhiên, trong mùa gieo trồng ở Alaska, đêm thường ngắn trong khi ngày rất dài. Do bang Alaska nằm gần Bắc Cực, nên trong mùa hè và vào cao điểm của mùa gieo trồng ở đây, ánh nắng mặt trời chiếu sáng suốt 19 giờ/ngày. Quá nhiều ánh sáng, cây trồng ở Alaska liên tục phát triển và phổng phao khiến nông dân Alaska dễ dàng thu hoạch được những loại rau củ quả khổng lồ bậc nhất thế giới.

rau cu qua khong lo hinh anh 2

Không chỉ chiếm ưu thế về mặt kích thước, rau, củ, quả ở Alaska còn có chất lượng tuyệt hảo. Nhờ ngày ngắn đêm dài, quá trình quang hợp của cây trồng cũng tăng lên, giúp các loại trái cây tại đây ngọt hơn những nơi khác. Chẳng hạn, cà rốt Alaska có tới 19 tiếng hấp thụ ánh sáng mặt trời để tạo thành đường và chỉ có khoảng 1/4 thời gian còn lại trong ngày để chuyển đường thành tinh bột. Tương tự, các loại rau, củ, quả khác như bắp cải, bông cải xanh, súp lơ, củ cải, khoai tây, cà rốt, rau bina, rau diếp…ở Alaska đều phát triển “khủng” như vậy.

Hội chợ Nông nghiệp thường niên tại bang Alaska được tổ chức ở Palmer, cách thủ phủ Anchorage 68 km về hướng Đông Bắc − nơi các nông dân địa phương thường tự hào trưng ra các loại rau củ quả khổng lồ nhất mà họ trồng. Rất đông khách tham dự chắc chắn không khỏi kinh ngạc và thích thú khi bắt gặp những chiếc bắp cải nặng tới 63 kg, dưa leo nặng 30 kg hay bông cải xanh nặng 15 kg…Tuy nhiên, đó chỉ là một vài ví dụ về các loại rau, củ, quả “quái vật” được sinh ra từ vùng đất khắc nghiệt này.

“Quá nhiều loại với kích thước khủng đến nỗi bạn thậm chí không thể tin nổi vào mắt mình, nghĩ rằng nó là hàng giả”, Giám đốc Hội chợ nông nghiệp Alaska Kathy Liska chia sẻ.

CHĂM BÓN CÔNG PHU

Người dân thường bắt đầu gieo hạt vào tháng 1, khí trời còn lạnh, cây phát triển bằng ánh sáng nhân tạo trong nhà kính, khi tháng 5 ấm áp, họ chuyển cây vào các chậu cho ra tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời.

Một nông dân nhiều kinh nghiệm tên Brown cho hay, quá trình canh tác rất vất vả, từ khâu xây dựng hệ thống tưới tiêu, bón phân…để cho ra những sản phẩm như mong muốn. Tiếp đến là khâu đem sản phẩm ra hội chợ cũng rất vất vả, không ít người phải ăn đói nhịn khát, thức đêm để trông sản phẩm của mình. “Các cây trồng gợi cho tôi nhớ tới phòng thí nghiệm Frankenstein’s. Nếu ai đó muốn mục sở thị nông dân trồng trọt để cho ra những sản phẩm rau củ quả khổng lồ, tôi nghĩ, họ sẽ rất ấn tượng với những công đoạn khoa học và công nghệ được đầu tư vào đó”.

rau cu qua khong lo hinh anh 3

Nhờ dày công chăm sóc cùng sự ưu đãi của thiên nhiên đã giúp sản phẩm nông nghiệp của vùng này nhiều lần được ghi vào sách kỷ lục thế giới. Chẳng hạn như anh nông dân Rob, đã 5 lần được Guinness ghi nhận là có sản phẩm bắp cải lớn nhất thế giới. Để có được sản phẩm rau quả gây ngạc nhiên, anh đã phải dành hơn 20 năm mày mò nghiên cứu, áp dụng nhiều biện pháp khoa học vào sản xuất. Một bác nông dân tên Evan ở Anchorage, Palmer cũng đã trồng được quả súp lơ to nhất thế giới, nặng 14,1 kg, được Guinness ghi nhận năm 1997. Năm 1993, chính bác nông dân này đã thâm canh ra quả súp lơ 15,8 kg, cũng được Guinness vinh danh. Bác Evan thậm chí có duyên với Guinness khi năm 1998 bác tạo ra được củ cà rốt 8,5 kg, cũng được sách kỷ lục thế giới ghi nhận. Chưa dừng ở đó, năm 1998, Guinness đã ghi nhận bác sở hữu chiếc bắp cải khủng nhất nặng 34,4 kg….

Việc trồng trọt tại thung lũng Matanuska − Susitna bắt đầu như một thử nghiệm vào những năm 1930 để tăng sản lượng nông nghiệp của nước Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái. Hơn 971 triệu m² được khai thác để trồng trọt và làm nơi định cư cho những gia đình nông dân từ các bang Minnesota, Wisconsin, và Michigan đến khai hoang. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn và nhu yếu phẩm không có sẵn làm nản lòng những người khai hoang. Năm 1940, hơn một nửa cư dân đã rời bỏ thung lũng. Năm 1965, chỉ có 20 gia đình còn sinh sống tại đây.

Quá trình khai hoang không thúc đẩy dân số khu vực tăng mạnh, nhưng biến thung lũng Matanuska-Susitna thành khu vực sản xuất nông nghiệp chủ chốt của Alaska. Ngày nay, những vụ mùa bội thu và các loại rau củ quả khổng lồ đã trở thành thương hiệu của khu vực này.

Bài: Nguyễn Hưng

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua