Ở khu rừng nọ có một con hồ ly thèm thuồng thịt nhím đã lâu, nhưng mỗi lần thấy hồ ly, nhím đều cuộn tròn mình lại, xù bộ lông cứng lên khiến hồ ly ngậm ngùi bỏ đi. Nhím chơi thân với quạ.
Có lần quạ hỏi nhím: “Anh nhím này, bộ áo giáp của anh tuyệt thật, ước gì tôi cũng có được bộ áo giáp như vậy, nhất định sẽ không bị những loài động vật khác bắt nạt nữa”. Nhím cười tự mãn rồi bất giác nói với quạ: “Thực ra áo giáp của tôi không phải là không có nhược điểm. Lúc tôi cuộn người lại, dưới bụng có một lỗ nhỏ không che kín được hết. Nếu thổi vào lỗ đó tôi sẽ nhột không chịu được mà giãn người ra lại. Cậu là bạn tốt nhất, đáng tin cậy nhất của tôi, nhất định cậu phải giữ bí mật này giùm tôi nhé”. Quạ quả quyết sẽ không bán đứng bí mật của bằng hữu.
Quạ lại có một người bạn thân khác là chim ác là. Có lần, quạ vô tình kể cho ác là nghe bí mật của nhím, sau đó quạ cũng cẩn thận yêu cầu ác là không kể lại cho ai khác. Ác là lại vô tình kể cho bạn thân của mình là thiên nga rồi cũng dặn dò không được tiết lộ… Cứ như thế, bí mật của nhím đến tai hồ ly. Trước lúc rơi vào miệng hồ ly, nhím đã gào lên trách móc quạ vì sao nỡ làm lộ bí mật của mình. Song, ngẫm ra thì người bán đứng bí mật của nhím nào phải là quạ mà chính là bản thân nhím.
VÌ SAO NGƯỜI TA KHÓ GIỮ BÍ MẬT?
Có hai lý do khiến chúng ta khó giữ được bí mật. Thứ nhất, việc phải giữ kín một bí mật trong lòng khiến chúng ta buồn phiền, mệt mỏi vì phải luôn cố gắng kìm nén những suy nghĩ về nó. Giáo sư tâm lý học Tom Frijns, Đại học Utrecht, Hà Lan, đã nghiên cứu về việc giữ bí mật trên 278 em trong tuổi dậy thì. Kết quả cho thấy những em phải cất giữ bí mật trong lòng gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, bao gồm kém kiểm soát bản thân, trầm cảm, cô đơn và xa cách với mọi người.
Sáu tháng sau, họ kiểm tra lại và nhận thấy những em đã thổ lộ bí mật cảm thấy tốt hơn, còn những người vẫn giữ bí mật thì tình trạng xấu hơn. Thứ hai, chia sẻ bí mật khiến bạn khỏe mạnh hơn. Giáo sư Anita Kelly, Đại học Notre Dame, Mỹ, cho biết những người có xu hướng che giấu các thông tin cá nhân sẽ gặp nhiều vấn đề về thể chất như đau đầu, buồn nôn và đau lưng hơn. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc giữ những bí mật nặng nề và khả năng mắc các loại bệnh từ cảm vặt cho đến kinh niên. Một bằng chứng khác cũng cho thấy khi chúng ta viết ra hết những khúc mắc trong lòng thì hệ miễn dịch sẽ được tăng cường.
CÓ NÊN GIỮ BÍ MẬT GIÙM NGƯỜI KHÁC?
Bản thân bạn là người hiểu rõ nhất mình có khả năng giữ bí mật hay không. Bạn cũng cần xác định rõ vài điều trước khi lắng nghe thổ lộ của ai đó.
Trước tiên, bạn cần biết được mức độ nghiêm trọng của bí mật đó và khoảng thời gian bạn cần “cất giùm” bí mật đó là bao lâu. Nếu đó là bí mật sống để bụng chết mang theo thì người ấy nên thông báo trước, vì điều này khó hơn rất nhiều so với giữ bí mật trong một thời gian nhất định.
Tiếp theo, bạn nên hỏi đối tượng xem bạn có được phép kể cho ai không, ví dụ như chồng hay người nhà của mình. Nếu bạn thích chia sẻ mọi thứ với người thân, hãy cảnh báo với ai kia là có thể bạn sẽ không giữ được bí mật với chồng hay người nhà để họ quyết định có kể với bạn không.
Nếu biết chắc mình không thể giữ bí mật, hãy ngăn họ lại trước khi họ trút nỗi lòng.
THỐNG KÊ
Một nghiên cứu trên 3.000 phụ nữ từ 18 đến 65 tuổi cho thấy trung bình phụ nữ có thể giữ được bí mật trong khoảng 47 giờ 15 phút trước khi tiết lộ bí mật này với người khác
Tuyết Hồng
Tiếp Thị Gia Đình