Em Vũ Anh Nguyên, học sinh một trường trung học phổ thông ở Q. 5, TP. HCM, chia sẻ: “Trong lớp học, tụi em hay có mâu thuẫn vì những chuyện cỏn con như cái nhìn chảnh, bạn này được thầy cô quý hơn bạn khác, bạn này thích bạn kia… Đôi khi chỉ đùa giỡn mà thành đánh nhau thật”.
Cô giáo Trần Thị Phú Thành, trường THPT Lương Thế Vinh, Q. 1, TP. HCM, nhận định: “Với 43 năm đứng lớp, chứng kiến bao thế hệ học sinh, tôi rất buồn khi phải thừa nhận, học sinh ngày càng hung hăng và bạo lực hơn. Theo tôi, trách nhiệm này thuộc về cả ba phía nhà trường, gia đình và xã hội”.
NHÀ TRƯỜNG: NGĂN CHẶN TỐT HƠN XỬ LÝ
“Đánh nhau xảy ra trong trường, trách nhiệm trước hết thuộc về thầy cô, đội ngũ giám thị đã không theo dõi sát các em. Giáo viên bộ môn chỉ lên lớp khi có tiết dạy. Giáo viên chủ nhiệm ngoài giờ lên lớp chuyên môn cũng chỉ có một tiết sinh hoạt với lớp mỗi tuần. Vì thế, mỗi khối của trường phải có một giám thị đi lại thường xuyên để giữ gìn trật tự”, cô Thành khẳng định.
Là một trong hai thầy cô trực thường xuyên tại phòng tư vấn học đường của trường, cô Thành cho biết: “Do cái tôi lớn, học sinh còn nông nổi, chưa hiểu được hậu quả và trách nhiệm của mình trong sự việc. Công việc của tôi là phân tích cho các em hiểu và đưa ra lời khuyên công tâm để các em giảng hòa với nhau”.
“Trước khi về dạy ở trường Lương Thế Vinh, tôi làm chủ nhiệm một lớp 12 ở trường THPT Marie Curie (Q. 3, TP. HCM). Hôm đó, một học sinh báo cho tôi biết sắp có vụ tạt a-xít vì thất tình. Thoạt tiên, tôi không thể tin học sinh lớp 12 đã có suy nghĩ đó, nhưng tôi vẫn gọi riêng em đó ra để tỉ tê. Em thừa nhận yêu một bạn gái trong lớp. Ngày sinh nhật, bạn gái đó không mời em mà lại mời một bạn nam lớp khác. Vì ghen và giận, em dự định sẽ mang theo bình a-xít để tạt người mình thích. Thật may vì tôi đã không bỏ qua suy nghĩ dại dột của học sinh, nếu không chẳng thể lường được chuyện đau lòng nào đã xảy ra”, cô Thành kể.
Trong tiết sinh hoạt lớp hàng tuần, cô Thành chủ động tạo ra không khí đoàn kết, thân ái giữa học sinh. Sinh nhật của mỗi bạn, cô kêu gọi cả lớp góp tiền mua tặng bạn món quà nhỏ. Nếu bạn bị bệnh, cả lớp cùng đi thăm… Theo cô Thành, xây dựng được môi trường thân ái, đồng cảm trong lớp học là yếu tố chủ yếu ngăn chặn được bạo lực học đường.
GIA ĐÌNH: CẦN QUAN TÂM VÀ DẠY CON TỰ VỆ
Khi xem đoạn clip nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị các bạn đánh hội đồng, chị Phạm Ngọc Nguyệt, Q. Bình Thạnh, TP. HCM, chia sẻ: “Tôi thực sự sốc vì những đòn ra tay dã man của các em học sinh. Càng sốc hơn khi tôi thấy em học sinh bị đánh không biết phản kháng, cứ ngồi im một chỗ chịu đòn.
Ngay từ nhỏ, nhận thấy con trai quá hiền lành, nhút nhát, ít phản kháng, tôi đã cho cháu học võ Vovinam để rèn luyện sức khỏe và tự vệ. Tôi dạy con: “Con không tự ý đánh bạn, nhưng khi bạn đánh con, con phải dùng võ để tự vệ, không được ngồi im cho các bạn đánh. Trường hợp các bạn đông quá, con không tự vệ nổi, tốt nhất là tìm cách chạy thoát, đi tìm thầy, cô nhờ giúp đỡ. Bên cạnh đó, tôi rèn cho con tính tự tin. Khi bạn bè bắt nạt, không sợ sệt cúi gằm mặt, cắn móng tay mà đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt bạn và nói: Bạn không được trêu tớ”.
Thầy Nguyễn Vũ Uy (trường Song ngữ Quốc tế Canada), chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, tổ chức hoạt động ngoại khóa, kỹ năng cho học sinh, kể lại câu chuyện thời đi học của mình: “Ngày ấy, phía sau tôi có một bạn nam rất thích cài dao lam phía trước bàn, để khi tôi dựa vào sẽ bị rách áo, chảy máu. Hôm ấy, bị dao lam làm rách áo, tôi giận lắm, liền xoay người hướng nắm đấm vào mặt cậu bạn ngồi sau. Cậu ấy quay mặt đi chỗ khác và nắm đấm rơi vào bạn nữ ngồi cạnh, khiến bạn ấy chấn thương, phải đi cấp cứu. Tôi suýt bị đuổi học vì vụ việc đó.
Để kiềm chế bản tính nóng nảy của con, ba tôi, vốn là một võ sư, bắt tôi khổ luyện với võ. Hơn 20 năm gắn bó với Vovinam, tâm tính tôi đằm lại, khả năng phản xạ và bảo vệ người khác cũng mạnh mẽ hơn. Đó là lý do tôi quyết đưa võ thuật vào dạy cho học sinh trong trường. Những đòn thế của Aikido vừa nhu vừa cương, phù hợp với các em nữ để tự vệ. Học sinh nam lại hợp hơn với Vovinam vì nó rèn kỹ năng tác chiến đồng thời trau dồi đạo hạnh, giúp tâm tính hiền hòa, vị tha hơn. Đức – dũng đi đôi với lòng nhân, võ thuật gắn liền với võ đạo”.
Theo thầy Uy, từ khi trẻ 5 tuổi, phụ huynh nên bắt đầu cho con tiếp xúc với võ thuật. Càng tiếp xúc sớm, phản xạ của các em càng tốt, giúp các em tự bảo vệ mình và ứng biến với hoàn cảnh khi không có cha mẹ, thầy cô ở bên.
Ngoài ra, theo cô Thành, cha mẹ nên dành thời gian để lắng nghe, hỏi han chuyện ở lớp, ở trường, để con tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện. Nếu thấy con đi học về có dấu hiệu tổn thương thể chất, tâm lý căng thẳng, sợ đi học, cha mẹ nên tỉ tê hỏi chuyện hoặc liên hệ với cô giáo chủ nhiệm để làm rõ.
Tiến sỹ tâm lý học Rika Kayama, Nhật Bản, cảnh báo, nếu người lớn không nỗ lực lắng nghe các vấn đề của con em mình, đến một lúc nào đó, đứa trẻ sẽ có suy nghĩ: “Sẽ tốt hơn nếu mình không tồn tại trên thế giới này”. Mới đây, vào ngày 19–2, một nam sinh 13 tuổi ở Bỉ đã tự tử vì bị bắt nạt ở trường.
Điều quan trọng nữa, theo kinh nghiệm tư vấn của cô Thành, là nếu cha mẹ đối xử bạo lực với nhau và với con, con cái sẽ có xu hướng dễ bị kích động, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Một môi trường gia đình thuận hòa, yêu thương sẽ nuôi dạy nên những tâm hồn biết yêu thương và không có bạo lực.
ẢNH HƯỞNG CỦA TIN TỨC, GAME VÀ PHIM
“Trước đây, tôi có thói quen đọc tin tức trên Internet mỗi buổi sáng, ngày nào cũng chỉ thấy cướp, giết, đánh nhau… được giật tít hàng đầu. Tôi nghĩ, con cái của chúng ta nếu tiếp xúc với quá nhiều tin tức, hình ảnh bạo lực, chúng sẽ thấy chuyện bạo lực là bình thường và dễ dấn thân vào hành vi sai trái đó”, chị Trần Thanh Hương, ngụ Q. 3, TP. HCM, nói.
Chị mong muốn: “Giá báo chí hướng người đọc đến những chuyện tốt đẹp, đừng lôi quá nhiều chuyện chém giết, bạo lực để “câu” view thì các em sẽ bớt bị “đầu độc”, sống hướng thiện hơn”.
Anh Ngọc Phú, Q. 8, TP. HCM, kể chuyện về cậu con 4 tuổi của mình: “Bình thường đi làm về, con trai tôi thường chạy ra ôm hôn ba, mẹ. Hôm đó, vừa sà vào lòng ba, con tôi liền nắm tay lại, đấm bôm bốp vào ngực ba. Tôi hỏi thì con cười, bảo: “Đánh nhau”. Thì ra hôm đó, cháu xem ti-vi cùng ông bà, thấy cảnh đánh nhau nên bắt chước luôn. Thế là tôi phải kêu gọi cả nhà không cho con cháu xem phim có cảnh bạo lực vì trẻ con tiếp thu rất nhanh và chưa phân biệt được tốt, xấu”.
Chị Ngọc Phương, ở Biên Hòa, Đồng Nai, lại đặt ra vấn đề: “Ai cũng biết trẻ chơi game chém giết, đánh đấm thì rất dễ phát sinh hành vi bạo lực. Thế nhưng tại sao phòng net, tiệm game vẫn được cấp phép tràn lan? Chỉ tính con đường tôi đi từ chỗ làm về nhà gần đây đã mọc lên hai tiệm game mà khách hàng chủ yếu là học sinh”.
Theo một khảo sát của tổ chức Plan Việt Nam, cứ 10 học sinh cấp 2, 3 được hỏi thì có tới 7 em từng bị bạo lực học đường
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng, TP. HCM, nhận định: “Hiện nay, tôi thấy một số quán net, tiệm game mở tràn lan, hoạt động thâu đêm suốt sáng. Theo tôi, các cơ quan chức năng nên có một cuộc điều tra xã hội để thấy được vấn nạn nảy sinh
từ quán net, tiệm game và đề xuất đưa ngành kinh doanh này vào hạng mục dịch vụ hạn chế kinh doanh. Cũng cần có các quy định rõ ràng về thời gian chơi, độ tuổi… để thế hệ trẻ không bị đầu độc bởi game và bạo lực. Trong khi chưa thể hạn chế những ngành nhạy cảm này, trách nhiệm bảo vệ con phải dựa vào các bậc cha mẹ”.
Theo Tiếp Thị Gia Đình