Số đông ủng hộ việc phạt tiền thật nặng và tịch thu bằng lái. Ảnh mang tính chất minh họa
Say xỉn khi lái xe không chỉ đặt bản thân vào tình trạng nguy hiểm mà còn gây thương vong cho bao nhiêu người khác cùng lưu thông trên đường. Vì vậy, đề xuất tịch thu xe của ma men có phần thích đáng để nâng cao tính răn đe nhưng liệu có quá nặng? TTGĐ đã thực hiện nhanh một cuộc thăm dò ý kiến người dân về vấn đề này.
PHẠM ANH ĐỨC (Q. ĐỐNG ĐA, HÀ NỘI) – TỊCH THU XE LÀ QUÁ NẶNG:
Tôi ủng hộ việc phạt thật nặng nhưng xe thì không thể tịch thu. Tôi đề xuất áp dụng tịch thu bằng lái hoặc bắt thi lấy bằng lại. Mức phạt tiền tăng lên đến 20–50 triệu đồng tùy nồng độ cồn.
Nếu gây tai nạn thì người lái phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh việc đưa ra chế tài xử phạt hợp lý, thiết nghĩ cần phải đánh thuế rượu bia thật cao. Rượu bia là tác nhân chính cho mọi việc rắc rối, tai nạn, tội phạm, bệnh tật. Giá bia rượu cao chót vót thì đương nhiên người say sẽ ít hơn rất nhiều. Chỉ cần hạn chế, quản lý tốt tác nhân chính thì việc gì phải chế tài rắc rối như mọi người đang tranh cãi.
NGUYỄN KIỀU CHINH (SỐNG TẠI ISHIKAWA, NHẬT BẢN) – TỰ Ý THỨC GIỮ MẠNG SỐNG CỦA MÌNH:
Tôi theo chồng sang đây đã hai năm, chưa bao giờ thấy vụ tai nạn, va chạm nào liên quan đến thức uống có cồn hay cảnh sát giao thông đứng ngoài đường như ở Việt Nam. Mức phạt vi phạm giao thông ở đây rất nặng.
Người Nhật rất có ý thức, đã lái xe thì không uống rượu bia hoặc uống loại bia 0° cho tài xế. Loại bia đó được bán phổ biến ở khắp mọi nơi. Điều đó như một cách nhắc nhở người dân có ý thức đã lái xe thì không uống rượu bia. Bên cạnh đó, họ còn có dịch vụ cho thuê lái xe, tức là gọi lái xe đến lái ô-tô của mình về nhà trong trường hợp chủ xe không còn tỉnh táo. Quán nào mà để khách uống rượu và lái xe về thì chủ quán đó bị phạt.
Phạt thật nặng là biện pháp tốt để người dân sợ và chấp hành luật, nhưng tôi không ủng hộ việc tịch thu xe vĩnh viễn khi người lái say xỉn. Nếu có tịch thu thì ít nhất phải quy định rõ người lái vi phạm đến lần thứ bao nhiêu mới áp dụng tịch thu vĩnh viễn. Chế tài xử phạt nghiêm khắc phải đi cùng với giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông ngay trong nhà trường, mỗi gia đình, để mỗi người nhận thức được lái xe an toàn có giá trị như thế nào cho bản thân và cộng đồng. Biết sợ phạt thì đừng ham uống bia rượu. Quyền được sống bản thân phải tự giữ. Có thế chúng ta mới có thể tạo nên diện mạo giao thông trật tự, nhịp nhàng đáng học hỏi như ở Nhật.
VÕ THU HÀ (Q. HOÀN KIẾM, HÀ NỘI) – CHIẾC XE ĐÂU CÓ LỖI:
Chị em phụ nữ sẽ rất mừng nếu cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ để cánh tài xế hạn chế việc say rượu và lái xe. Hiệu ứng đầu tiên của đề xuất này là khiến người ta ý thức hơn về việc “uống rượu thì không lái xe”, hơn hẳn giăng khẩu hiệu đầy đường. Song, tôi cho rằng đề xuất này không khả thi.
Tôi lo ngại cảnh sát giao thông sẽ có cơ hội “ăn” nhiều hơn bởi chắc chắn sẽ phát sinh việc người vi phạm tìm cách đối phó vì chiếc ô-tô có giá trị hàng tỷ đồng. Tịch thu xe sẽ làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy khác như bãi chứa xe, lãng phí tài sản… Ai vi phạm thì người đó chịu phạt chứ chiếc xe đâu có say mà bị giam? Theo tôi, nên phạt tiền thật nặng và tước bằng lái và việc xử phạt của cảnh sát giao thông phải nghiêm minh, không có việc xin xỏ.
LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI – CẦN CÓ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỂ DÂN TÂM PHỤC:
Cá nhân tôi ủng hộ ý tưởng “trừng trị ma men” của đề xuất. Việt Nam được coi là “cường quốc tai nạn giao thông”, “cường quốc uống bia” trên thế giới. Vì vậy, cơ quan chức năng nhất thiết phải có biện pháp, chế tài quyết liệt để giải quyết triệt để việc say mà vẫn lái xe ra đường.
Tôi có hỏi hai bác lái xe kỳ cựu về đề xuất này, cả hai bác đều ủng hộ. Họ đã lái xe an toàn hàng chục năm và chứng kiến thường
xuyên những vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, với những hậu quả đau thương. Có bác chứng kiến một thiếu tá phó công an phường say xỉn đi xe máy, đâm vào sau xe bác và tử vong.
Xứ rượu Scotland đã áp dụng việc tịch thu xe. Nếu thực hiện đề xuất này, Chính phủ cần có nghị định đặc thù quy định thủ tục minh bạch, chặt chẽ để tránh bị lạm dụng. Trước khi ban hành, cần thuyết phục dân chúng bằng những số liệu xác thực về tỷ
lệ tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu. Sau đó là lộ trình 6 tháng dần dần thực hiện. Nếu người vi phạm không chính chủ, đề nghị phạt cả người chủ xe lẫn người vi phạm ở mức bằng 1/2 giá trị phương tiện. Phải tịch thu cả xe công và xe biển ngoại giao.
PHẠT THEO MỨC ĐỘ VI PHẠM
Trước những ý kiến trái chiều về tính hợp lý của đề xuất tịch thu xe, ông Khuất Việt Hùng đã lý giải trong buổi Hội thảo Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn ngày 11–3: “Mục tiêu của đề xuất trên không phải nhằm để xử phạt công dân, mà là biện pháp
giáo dục, cảnh tỉnh với người tham gia giao thông. Nếu người ta thấy hậu quả rất lớn, ý thức được gia đình có chung một xe để đi lại hoặc mưu sinh, việc tịch thu phương tiện sẽ ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người, họ sẽ không vi phạm nữa”.
Thật ra, dư luận đã có sự hiểu nhầm rằng cứ có nồng độ cồn là bị tịch thu xe. Cụ thể, theo kiến nghị có ba mức xử phạt:
• Phạt tiền 8–15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng nếu người điều khiển xe có nồng độ cồn 50 miligam/100ml máu.
• Phạt tiền 15–20 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng nếu người điều khiển xe có nồng độ cồn trên 50 và dưới 80 miligam/100ml máu. Phải thi lại về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.
• Mức phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện nếu người điều khiển xe có nồng độ cồn trên 80 miligam/100ml máu. Phải thi lại về Luật Giao thông Đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.
Theo Tiếp Thị Gia Đình