Với khung giờ mở cửa buổi tối (từ 18 giờ đến 23 giờ) hoặc buổi trưa cho các nhóm khách đặt trước từ 6 khách trở lên và đa số thực khách phải đặt bàn trước khi đến ăn, nhà hàng Noir thu hút một lượng thực khách đông đảo cả trong và ngoài nước. Bước chân vào nhà hàng, sau khi được mời thưởng thức món cocktail đặc biệt, khách sẽ tham gia một số trò chơi nhỏ để làm quen với việc định hướng trong bóng tối.
Để có những trải nghiệm hoàn toàn trong bóng tối, khách phải gửi các thiết bị có thể phát sáng như điện thoại, bật lửa, máy chụp ảnh, đồng hồ phát quang… ở tủ cá nhân có khóa. Nhân viên khiếm thị của nhà hàng sẽ hướng dẫn người này đặt tay lên vai người kia đi vào phòng ăn và đưa đến bàn ăn.
Chị Vũ Diễm Linh (Hà Nội) kể lại trải nghiệm của mình khi ăn trong bóng tối: “Mình nghe bạn kể về mô hình của Noir thì không ngạc nhiên vì trên thế giới đã có vài cái như vậy. Mình ấn tượng với hai trò chơi tại khu đón tiếp. Trò xếp hình đối với trẻ em bình thường rất dễ, vậy mà khi mình bị bịt mắt lại, chỉ chuyện phân biệt khối hình thang với hình lục giác là cả một sự khó khăn. Trò chơi mò ghim giấy trong hũ muối gạo gian nan vô cùng nhưng cũng rất thú vị. Ấn tượng tuyệt nhất là sự giao tiếp thực sự giữa con người với con người, hoàn toàn chú tâm lắng nghe nhau nói, tận hưởng những câu chuyện hài hước và trêu trọc nhau. Những điều đó khi sáng mắt mình ít cảm nhận hơn. Trong đêm tối, bản năng mình có xu hướng đi tìm người khác và bấu víu vào nhau bằng cách lên tiếng để nghe thấy câu trả lời hay hưởng ứng của mọi người xung quanh. Ban đầu mình hơi hoang mang một chút, nhưng dần dần bóng tối trở nên ấm cúng lạ thường. Từ trải nghiệm đó mà bây giờ, mỗi lần tụ tập cùng nhau, bọn mình hay nhắc nhau bỏ điện thoại vào túi và tập trung nói chuyện với nhau”.
Về thực đơn tại Noir, nhà hàng phục vụ món Á, món Âu hoặc món ăn chay tùy khách lựa chọn nhưng không tiết lộ bạn sẽ được ăn món gì. Vì thế, khi ăn bạn phải hết sức tập trung để nhận biết và thưởng thức. Sau bữa ăn, nhân viên nhà hàng sẽ cho thực khách xem lại hình ảnh các món ăn họ đã thưởng thức.
Chuyện ăn trong bóng tối đã dẫn đến nhiều tình huống khá thú vị. Có những bạn không dùng nĩa ăn mà dùng tay để thử xem là món gì và cố gắng nói chuyện to hơn với người đi cùng để đỡ “sợ”.
Chị Diễm Linh cho biết: “Mình gặp khó khăn khi ăn món Á vì miếng thịt kho khá to lại có nước sốt, mình không dùng dao nĩa được nên đã dại dột cho nguyên miếng thịt vào miệng và nhai nhồm nhoàm… vì chắc mẩm trong bóng tối sẽ không ai thấy. Không biết anh chủ nhà hàng có đeo kính hồng ngoại đứng nhịn cười sau lưng không nữa. Kết quả là mình chỉ đoán được khoảng 50% món ăn thôi vì cách lên thực đơn cũng như chế biến tài tình đã khiến mình nhầm lung tung”.
Có một số khách dẫn theo con nhỏ đến Noir để dạy con biết quý trọng những gì mình đang có
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (TP. HCM) chia sẻ: “Mình và ông xã được bạn bè giới thiệu tới Noir. Việc khó nhất khi ăn trong bóng tối là xác định vị trí các đĩa thức ăn và ăn làm sao để không rơi rớt thức ăn. Mình đoán được 50%, có những món mùi vị tuy quen nhưng không nhìn thấy nên rất khó để đoán được chính xác món gì. Ví dụ món súp bí đỏ mình cảm giác vị rất quen nhưng không tài nào đoán ra được”.
Ngay cả anh Vũ Anh Tú cũng nhầm lẫn khi thử các món ăn của đầu bếp, lúc nếm món dưa chuột thái nhỏ trong phòng tối, anh cứ tưởng là một loại trứng cá do vị giòn giòn của dưa. Anh không ăn được cà-rốt từ bé nhưng sau khi ăn món này trong bóng tối, anh cảm thấy “nó không đến nỗi tệ như mình nghĩ” và từ đó ăn được cà-rốt.
“Ăn trong bóng tối giúp não bộ và các giác quan có một sự trải nghiệm rất thú vị. Đó là sự trải nghiệm rất mở về các định kiến trước đó và thay đổi quan niệm của mình về nhiều thứ trong cuộc sống”, anh Tú đúc kết.
KINH DOANH PHẢI LUÔN GẮN VỚI TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI
Trong văn hóa người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nếu như trong gia đình có người khuyết tật, người ta sẽ nghĩ họ không làm được việc này, việc kia và bị hạn chế tiếp xúc, hòa nhập với cộng đồng. Thực tế ở Noir cho thấy những quan niệm đó thật sai lầm, chỉ cần cho người khiếm thị một môi trường, hướng dẫn họ và cung cấp công cụ làm việc phù hợp, họ có thể hoàn thành rất tốt công việc đó.
Nhân viên tại Noir có 22 người, trong đó có 10 người khiếm thị. Tiêu chí tuyển chọn lúc đầu tương đối cao: độ tuổi 18 – 25, tốt nghiệp trung học phổ thông, giao tiếp tiếng Anh tốt. Sau đó, ban quản lý quyết định mở rộng đối tượng: không cần tốt nghiệp THPT và độ tuổi trong khoảng 18 – 35 để nhiều người khiếm thị có cơ hội ứng tuyển hơn. Họ mất ba tháng để làm quen với từng phòng ốc và được đào tạo cẩn thận về các món ăn, nguyên liệu của nhà hàng cùng với kỹ năng nghiệp vụ trước khi phục vụ khách.
“Để các bạn khiếm thị có thể nhận biết món ăn, mùi vị, phải dùng từ ngữ thật cụ thể và phải cho các bạn nếm thử, cầm thử và cảm nhận. Những kỹ năng như rót nước để chai không chạm vào thành cốc, không gây ra tiếng động hay nhận biết rót khi nào thì đầy cũng cần phải thực hành rèn luyện nhiều. Khi tiếp xúc với khách hàng, các bạn phải có dáng đứng thẳng, quay người về hướng người nói để họ biết mình đang lắng nghe. Tuy là trong phòng tối nhưng các bạn vẫn phải luôn mỉm cười với khách, bởi lẽ khi mình không có thị giác, các giác quan khác sẽ rất nổi trội, nhạy cảm và tinh tế hơn. Các bạn khiếm thị định hướng trong bóng tối rất tốt, có thể cảm nhận được những đồ vật khách dịch chuyển và kéo nó về vị trí đúng”, anh Tú cho biết.
Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn hay sự cố, hệ thống đèn sẽ tự động sáng lên và có các biển chỉ đường cho thực khách sơ tán đến lối thoát hiểm gần nhất.
“CHÚNG TÔI LÀ MỘT GIA ĐÌNH”
Đó là lời bộc bạch của tất cả các nhân viên làm việc tại Noir khi được phỏng vấn. Mọi người đến sớm cùng ăn chung, cùng nhau chia sẻ, tâm sự và không hề có phân biệt, định kiến.
“Ban đầu còn bỡ ngỡ, chưa gần gũi các bạn được, nhưng sau đó thì nói chuyện vô cùng thoải mái vì các bạn khiếm thị đều rất vui vẻ và lạc quan, không còn khoảng cách”, bạn Lê Tuấn Vũ, nhân viên pha chế tại nhà hàng, chia sẻ.
Bạn Nguyễn Anh Tấn, sinh năm 1985, từng đoạt huy chương vàng toàn quốc trong làng cờ người khiếm thị, chia sẻ: “Đây là nơi cho người khiếm thị như mình được thể hiện chính bản thân mình, thể hiện những gì mình đang có. Anh Tú là một giám đốc hơi khó tính nhưng chu đáo và chăm sóc nhân viên tận tình. Mình đã từng làm việc ở nhiều nơi, nhưng hiếm có vị sếp nào biết quan tâm đến nhân viên những khi đau ốm như ở đây. Trong quá trình phục vụ, mình trở nên tự tin hơn, không có tình trạng không kiểm soát được các bàn do mình luôn chú ý lắng nghe, nếu có trường hợp đánh rơi cái muỗng, cái ly là mình biết và đi đến hỗ trợ khách ngay”.
Trần Võ Viễn Nghĩa, sinh năm 1990, sinh viên Đại học Luật, tâm sự: “Khi được phục vụ khách hàng, mình làm chủ không gian và làm chủ chính mình. Nhiều khách nhờ mình tìm lại ly nước họ lỡ để sai vị trí hay gọi mình khi làm rơi muỗng nĩa. Có khách hồi hộp quá, vào tới nơi rồi lại muốn quay trở ra ngoài, mình liền an ủi và trấn an rằng sau 5–10 phút khách sẽ quen dần với bóng tối. Những lúc đó, mình cảm thấy thật vui vì mình còn có thể giúp đỡ người khác và người khác phải dựa vào mình. Sự hài lòng của khách hàng là niềm vui thật sự to lớn đối với mình. Có một khách hàng mình nhớ mãi bởi khi ăn xong, chị đó khóc rất nhiều vì đồng cảm với tụi mình. Song, mình cảm thấy khiếm thị không phải là cái khổ. Đó đúng là hạn chế, nhưng đối với tụi mình, đó cũng là điểm tựa để tụi mình dựa vào mà cố gắng hơn. Nếu mình không khiếm thị thì chưa chắc mình đã cố gắng nỗ lực hết sức mình đến như vậy”.
Võ Ngọc Trà My, sinh năm 1991, sinh viên năm 4 khoa Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm TP. HCM, từng đạt nhiều huy chương nhảy xa trong nước và quốc tế, nhớ lại ngày đầu tiên tiếp đón khách đến nhà hàng: “Khoảnh khắc ấy mình xúc động, ai cũng hồi hộp nhưng chừng 5–10 phút sau thì quen. Bản thân mình là khiếm thị nhìn kém, thị lực dưới 3/10, còn cảm nhận được ánh sáng, bóng tối, bóng bàn tay. Sau hơn một giờ đón khách, mình cảm thấy thương những bạn khiếm thị hoàn toàn lắm và thấy mình còn may mắn khi vẫn cảm nhận được dù là chút ít ánh sáng”.
Trà My bật mí thêm: “Có nhiều bạn nhân viên thích trẻ em lắm. Bản thân mình học giáo dục nên cũng thích trẻ em, nghe bàn nào có trẻ em là… giành nhau phục vụ”. Nói rồi My cười thật tươi.
Có thể thấy “ngôi nhà Noir” luôn ấm áp và khiến các bạn hiểu được giá trị của chính mình. Các bạn nhân viên đều có dự định riêng, bạn Tấn buổi sáng còn đi dạy cờ cho học sinh, bạn Nghĩa dự định sẽ làm nghề tư vấn luật, bạn My sẽ làm cô giáo… nhưng tất cả đều nói sẽ cố gắng sắp xếp để làm việc tại Noir lâu dài.
Xin được lấy câu nói của anh Tú thay cho lời kết: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là khó khăn hay thử thách, chỉ cần có tình yêu thương và lòng chia sẻ, chúng ta sẽ vượt qua tất cả”.
GIÚP NGƯỜI KHIẾM THỊ TỰ TIN
Mong muốn của anh Vũ Anh Tú khi mở nhà hàng bóng tối là tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị. “Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 94% người khiếm thị không có việc làm và phần lớn các công việc hiện tại của người khiếm thị là lao động phổ thông và thu nhập trung bình hàng tháng vẫn còn khá thấp. Thành lập nên nhà hàng bóng tối này, chúng tôi muốn nâng cao sự tự tin của những cá nhân tài năng và mở ra con đường lập nghiệp mới cho người khiếm thị. Chúng tôi đặt họ vào một vị trí mà họ sẽ chịu trách nhiệm trước thực khách của chúng tôi, nơi sẽ trở thành sự chuẩn mực để chuyển giao lòng tin”, anh Tú bộc bạch.
THÔNG TIN THÊM
Nhà hàng Noir – Dining in the Dark, hẻm 178 Hai Bà Trưng, Q. 1, TP. HCM, điện thoại (08) 6263 2525 là nhà hàng bóng tối đầu tiên ở Việt Nam. Giá thực đơn 3 món Á hoặc món chay: 480.000 đồng (đã bao gồm một thức uống khai vị lúc đến), 3 món Âu: 560.000 đồng (đã bao gồm một thức uống khai vị lúc đến).
Theo Tiếp Thị Gia Đình