Yuko Yamaguchi: Nhà thiết kế tài ba của Hello Kitty

Nhờ biết cầu thị, lắng nghe khách hàng, nhà thiết kế Yuko Yamaguchi đã giúp Hello Kitty tiếp tục tồn tại và trở thành nhân vật hoạt hình trị giá 7 tỷ đô-la Mỹ/năm

Nhà thiết kế Yuko Yamaguchi

Hello Kitty ra đời năm 1974, vừa qua tuổi 40 vào năm ngoái. Thế nhưng, khi được hỏi “Bao giờ thì phụ nữ quá già để chơi Hello Kitty?”, Yuko Yamaguchi – nhà thiết kế thế hệ thứ ba đồng thời là nhà thiết kế mang lại dấu ấn rõ nét nhất cho Hello Kitty, lập tức khẳng định: “Sẽ không có ngày đó”.

Thực vậy, Hello Kitty đại diện cho phụ nữ mọi lứa tuổi và xuất hiện ở khắp nơi, từ túi xách đến đồ chơi tình dục, từ máy bay in hình Hello Kitty trên bầu trời Đài Loan đến những cô gái Dubai mặc áo choàng abaya nhưng bên trong lại là áo thun Hello Kitty. Đó quả là sự chuyển mình tuyệt vời vì ít ai biết, Hello Kitty từng có những thời điểm thăng trầm và suýt bị đào thải.

NHÂN VẬT LÀ PHẢI CÓ TÍNH CÁCH

Cuối thập niên 1970, khi nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu chững lại, tình hình buôn bán Hello Kitty rất èo uột. Lúc đó, Yuko mới gia nhập Sanrio, công ty thiết kế nhân vật hoạt hình và là chủ sở hữu Hello Kitty. Bà thuộc bộ phận làm logo và hoa văn. Đúng lúc đó thì nhà thiết kế thế hệ thứ hai của Hello Kitty nghỉ việc. Rất nhiều sản phẩm Hello Kitty đã bị ngừng sản xuất. Công ty không đành lòng nhìn Hello Kitty rơi vào quên lãng nên quyết định tìm nhà thiết kế mới.

Yuko nhớ lại một phần ước mơ của Hello Kitty là trở thành nghệ sỹ piano và chơi piano cũng là mốt ở thời điểm đó. Vậy là bà dự thi bằng cách thiết kế kết hợp ước mơ của Hello Kitty và tình yêu gia đình, đó là hình ảnh bố mua cho Hello Kitty một chiếc đàn piano. Hello Kitty biết ơn bố từ tận đáy lòng. Nhìn Hello Kitty ngập ngừng lướt trên phím đàn, cô em sinh đôi Mimmy đã rất ghen tỵ. Yuko cho rằng các đối thủ khác của bà đã chọn thay đổi khuôn mẫu thiết kế Hello Kitty về mặt hình dáng, trong khi bà chọn cách tạo ra câu chuyện để kết nối các nhân vật đã có. Bà đã gieo hạt giống tình yêu gia đình vào Hello Kitty, vốn là biểu tượng của tình bạn.  Theo một cách nào đó, nếu không tiếp tục xây dựng câu chuyện, thế giới của nhân vật sẽ không thể mở rộng. Kỹ năng vẽ và thiết kế là quan trọng, nhưng tạo ra câu chuyện còn quan trọng hơn. Nhờ hiểu được điều này, Yuko đã được chỉ định là nhà thiết kế thế hệ thứ ba của Hello Kitty.

20150309_guongthanhcong_YukoYamaguchi

Yuko Yamaguchi dự sự kiện Comic-Con International 2014 ở Mỹ. Ảnh: Getty Images

GIỐNG FAN, VÌ FAN

Ban đầu, Yuko chưa biết phải làm gì vì bà không có cơ hội trò chuyện với nhà thiết kế trước đó, công ty cũng không có phòng marketing để thu thập và phân tích dữ liệu. Vậy là bà tìm cách tương tác với các fan của Hello Kitty. Bà đứng trước các cửa hàng Sanrio và phát những bản vẽ Hello Kitty. Khi có fan nào nói rằng họ đã thôi mua Hello Kitty, bà sẽ hỏi cho được nguyên nhân.

Ý kiến mà Yuko thu nhận được ở thời điểm đó là “Hello Kitty chỉ mặc một bộ trang phục đã lỗi mốt, màu sắc cứng nhắc”; “Tất cả những gì Hello Kitty làm là đứng hoặc ngồi”; “Đôi tai như sừng và quá thô ráp”… Vậy là bà thay đổi gương mặt, hình dáng, trang phục và điệu bộ để thổi hồn vào nhân vật. Để Hello Kitty thân thiện hơn, bà muốn nhân vật có hoạt động thường ngày tương tự các fan. Chẳng hạn gấu Teddy rất nổi tiếng thời điểm đó. Vậy là bà xây dựng cho Hello Kitty sở thích sưu tầm đồ vật liên quan đến gấu Teddy. Sau này, bà còn kết hợp Hello Kitty với nhóm nhạc rock KISS, Lady Gaga, chị em nhà Hilton hay chú khỉ Julius và cả nhân vật Sadako trong phim kinh dị The Ring.

Từ Nhật Bản nhỏ bé, bà đưa Hello Kitty trở thành biểu tượng toàn cầu bằng show hoạt hình Hello Kitty’s Furry Tale Theater. Show này từng được phát sóng trên kênh CBS của Mỹ vào năm 1987. Nhớ lại thời điểm bắt đầu chinh phục thị trường Mỹ, Yuko cho biết, trước năm 1984, người Mỹ chẳng biết gì về Hello Kitty. Bà chia sẻ thêm: “Trước đó, tôi nghe nói người Mỹ chẳng bao giờ mặc màu đen. Tôi nghĩ người Mỹ đã thay đổi từ khi nhà thiết kế gốc Trung Quốc Anna Sui chọn màu đen làm chủ thể chính để ra mắt bộ sưu tập đầu tay tại New York và được đón nhận nồng nhiệt. Anna Sui yêu Hello Kitty và chúng tôi có gu thẩm mỹ giống nhau. Vì vậy, tôi nghĩ nếu cô ấy được chấp nhận ở Mỹ thì Kitty cũng có thể được như vậy. Sau đó, thật ngẫu nhiên là ở Mỹ, túi xách Hello Kitty màu đen bán chạy hơn là màu hồng, màu tím”.

Để tìm ý tưởng thiết kế, Yuko thường xem các nhà thiết kế thời trang đang ra mẫu mới gì. Bà đọc báo, thu lại các bộ phim hay chương trình truyền hình đáng chú ý. Yuko quan tâm đến những thứ có rating cao và đánh giá bằng cảm nhận của mình chứ không chỉ nghe lời bình luận của người khác.

Ngoài ra, bà thường chủ trì các buổi ký tặng fan để biết phản ứng của các fan về loại sản phẩm Hello Kitty mà họ muốn mua. Bà luôn nhắc nhở các nhà thiết kế của mình phải lắng nghe càng nhiều luồng ý kiến càng tốt, bằng mọi cách.

Mọi người thường nhớ về quá khứ nhưng Yuko Yamaguchi thì không. Bà quên ngay chuyện đã xảy ra. Bà không quan tâm đến thiết kế mình đã thực hiện trong năm trước mà chỉ nghĩ về những gì sẽ làm vào năm sau, năm sau nữa. Thiết kế ưa thích nhất của Yuko chính là cái kế tiếp.

TRÒ CHUYỆN CÙNG YUKO YAMAGUCHI

20150309_guongthanhcong_YukoYamaguchi-1TTGĐ: Thiết kế Hello Kitty nào khiến bà thích thú nhất?
YUKO YAMAGUCHI: Đó là dòng sản phẩm có tên Face vào giai đoạn 1994–1996. Lô thiết kế này đã tạo ra một hiện tượng Kitty thật sự. Suốt 20 năm trước đó, Hello Kitty chỉ tập trung vào đối tượng trẻ em, nhưng từ thời điểm này, chúng tôi bắt đầu tấn công vào thị trường người lớn bằng cách thiết kế gương mặt Hello Kitty lên trên các sản phẩm áo lót, áo ngủ, giấy vệ sinh, đàn ghi-ta, đồng hồ cao cấp…

Vì là nhà thiết kế nên tôi thường có một món hàng mẫu Hello Kitty cho mỗi dòng. Tuy nhiên, tôi đã bỏ tiền ra mua 20 sản phẩm của dòng Face, 5 cái cho mình và còn lại cho bạn bè. Tôi biết từ đó trở đi, sẽ không ai nói với tôi rằng Hello Kitty chỉ dành cho con nít nữa mà đến người lớn cũng ưa chuộng.

TTGĐ: Bà nghĩ gì về những mẫu mã bắt chước Hello Kitty?
YUKO YAMAGUCHI: Tôi không lo lắng lắm, dù tôi cũng thắc mắc tại sao họ lại làm vậy. Ai cũng nhận ra đó là hàng nhái và sẽ chẳng có fan nào mua chúng. Hello Kitty trông có vẻ đơn giản nhưng không phải thế. Nó rất khó để làm nhái và tôi chắc chắn các fan sẽ dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả.

TTGĐ: Bà có lời khuyên gì cho các họa sỹ trẻ?
YUKO YAMAGUCHI: Hãy quan tâm đến nhiều thứ, học hỏi và lắng nghe mọi luồng ý kiến. Một họa sỹ không có nhiều mối quan tâm đa dạng thì chỉ đơn thuần là thợ vẽ, không phải thiết kế. Họ sẽ cạn kiệt ý tưởng. Để thiết kế, bạn phải mở rộng tầm mắt và tiếp thu mọi luồng thông tin.

20150309_guongthanhcong_YukoYamaguchi-boxTheo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua