Tấm lòng mùa xuân

Mùi bánh thuẫn xộc lên mũi, thơm ngất ngây khiến nó ứa nước miếng. Chẳng nhớ đã bao lâu rồi nó chưa được nếm cái vị bánh mềm mềm, béo ngậy, tan chảy trên đầu lưỡi... − Truyện ngắn của Y Nguyên

Hồi ba nó còn sống, Tết đến, mẹ nó lại chuẩn bị làm bánh thuẫn, món bánh nó thích nhất

Đó thật là một trong những mùi ám ảnh. Mùi cái bánh thuẫn vun tròn, xòe bốn tai hoa được đổ từ trứng, bột khoai và đường cát.
Ruộm vàng, thơm nức, ngon ơi là ngon, nhất là những cái bánh nóng vừa được mở nắp, vớt khỏi khuôn. Một năm, may lắm nó chỉ biết đến mùi bánh thuẫn vào dịp Tết. Ngày thường thì hy vọng vào mấy dịp cưới hỏi hiếm hoi. Giỗ chạp ư, làm gì có. Giỗ chạp được cái bánh ít đã là ngon, làm gì long trọng tới mức có bánh thuẫn. Quê nó nghèo lắm. Nhà nó càng nghèo.

Ngày nào sau buổi học, nó cũng mở cổng rong con nghé Hĩm lội sông, đưa vào núi chăn. Con Hĩm là tài sản đáng giá duy nhất mà mẹ con nó giữ lại được. Ba bệnh. Mọi thứ lần lượt đội nón ra đi. Rồi ba cũng ra đi. Nó nhớ, hình như không thấy mẹ khóc. Hình như nước mắt mẹ cũng đã ra đi từ sớm, hết sạch, trong những ngày ngược xuôi chăm ba trên giường bệnh. Bò lớn bò nhỡ bán sạch còn sót con nghé Hĩm. Mẹ bảo: “Ráng chăn, thúc nó lớn bán lấy tiền mua sách vở, có mà đi học”. Bên kia sông, ở phía chân núi toàn cỏ tốt. Bò ăn cỏ ấy nhanh lớn. Vậy nên ngày nào nó cũng qua sông.

Đường mòn qua sông đi ngang cái trại vịt ông Tám Nhân. Vịt đẻ. Mùa gặt, ông Tám dời vịt ra chăn đồng cho vịt lượm lúa đổ và cua ốc. Hết vụ, đồng gieo sạ, ông lại xua về cắm trại bãi sông. Nó thân với ông, thi thoảng ghé trại chơi. Đôi khi bận chạy quàng đi đâu, ông Tám còn tin cẩn nhờ nó trông trại, trông vịt giúp.

hoavan_truyen

Bữa nay 25 Tết. Trời cuối năm lành lạnh. Con đường vào núi hôm nay sao dài, thật dài. Không, không phải đường dài mà do nó đi chậm. Mặc kệ con Hĩm lanh chanh tạt trái tạt phải, luôn mồm ăn vặt, chân nó cứ chần chừ, lững thững, thả bước một, mũi căng lên, hít hà, tóm thâu tất tật những thứ mùi ấm cúng, quyến rũ dậy lên từ các bếp nhà, tỏa sực không gian. Rõ ràng không lẫn vào đâu – cái mùi cay cay nồng nồng ngọt lịm kia đích thị bốc lên từ chảo rim gừng đang sôi. Còn chua ngọt, gây tứa nước miếng đầu lưỡi, nhức đến chân răng chắc chắn là mùi nồi kẹo me đang trên đà chín tới. Nhà ai đang dện cốm (hay bánh in gì đó). Nghe hương nếp nồng dậy lên, trộn lẫn mùi vỏ quýt và gừng tươi. Thêm một chảo thịt thưng thơm nức, béo ngậy đâu đây khiến ruột gan nó bỗng dưng lục ục, cồn cào dù nó mới ăn cơm tức thì, cách chưa đầy nửa tiếng.

…Và mùi bánh thuẫn.

Không lầm được. Chắc chắn mùi bánh thuẫn. Với nó, không mùi gì có thể sánh cùng mùi bánh thuẫn. Căng mũi hít hít. Nuốt nước miếng ừng ực. Lâu rồi, lâu lắm rồi, hình như từ ngày ba đổ bệnh nó chưa biết đến mùi bánh thuẫn. Cái mùi rất đặc trưng của bột khoai hạ (huỳnh tinh) đánh dậy cùng đường trắng, trứng (gà hoặc vịt) rồi đổ hấp khuôn. Bột bánh khi hấp chín thì dậy thơm, mùi thơm độc nhất vô nhị không lẫn vào đâu. Hỗn hợp của trứng, đường, bột khoai và cả chút dầu béo tráng khuôn bỗng hóa nên điều kỳ diệu.

Mà không riêng mùi, vị bánh thuẫn cũng kỳ diệu không kém. Cắn một miếng, bánh giòn tan trong miệng. Nhai chầm chậm cho bánh tan cùng nước bọt. Bột nở, xốp, loáng cái là tan. Vị bánh là vị tổng hòa, đố ai có thể tách chia, hấp dẫn đến mức nhai không cần nuốt, bánh cứ tự trôi qua cổ họng, tuột lẹ xuống dạ dày. Ấy là nó thấy vậy. Người khác sao không biết, chứ với nó, nó sẵn sàng bầu chọn cho bánh thuẫn là phát minh vĩ đại của nhân loại không chút đắn đo.

Thường thì từ mùi đến vị là một khoảng cách không xa. Ấy là nói ngày trước. Khi nó còn ba. Tết năm nào mẹ cũng loay hoay một mẻ bánh thuẫn hoành tráng, chất đầy ắp cái thố to. Mẹ biết nó thích bánh thuẫn. Rửa khuôn, đập trứng, đánh bột, đốt lò… nó tò tò theo chân mẹ từ màn đầu tới màn cuối, cho đến khi điều kỳ diệu xảy ra: khuôn bánh đầu tiên dậy lửa, nở hoa vàng ruộm được vớt ra cái sàng tre. Nó sáng mắt, nuốt nước miếng đánh ực, nhìn như mê mẩn. Nó muốn thử một cái nhưng nó biết chớ dại động vào, chết với mẹ là chắc. Mẹ bảo: “Không được ăn trước, hỗn! Bánh cúng đầu năm”.

Chỉ ba là dám phá luật. Lần ấy, nhìn vẻ mặt thảm hại của nó, nhân lúc mẹ đi ra ngoài, ba dáo dác nhìn quanh, rồi nhỏn nhanh cái bánh nóng trên sàng dúi vào tay nó.

Giờ ba không còn. Bánh thuẫn cũng không còn. Ấy là nó muốn nói Tết năm nay. Mẹ bảo, gà bán hết rồi, trứng đâu mà làm bánh, mà cũng không có tiền mua đường, mua bột. Tiền để mua gạo.

Đường vào chân núi mọi khi nửa tiếng, hôm nay dông dài hàng tiếng. Ngang trại vịt, nó liếc mắt. Không thấy ông Tám, chỉ có bầy vịt đẻ đang bì bõm. Chắc ông Tám ra quán bà Tư mua mì gói hoặc dầu đèn. Con Tô đi cùng ông, chắc vậy. Ông Tám không vợ con, thui thủi cùng con Tô và bầy vịt. Hè, thi thoảng nó xin mẹ ra trại vịt ngủ đêm, khuya nhặt trứng giúp ông Tám.

Nó nhớ đến những vạt trứng lổn ngổn giữa mành quây, nhặt mỏi tay, trắng xóa.

hoavan_truyen

Mẹ ơi, trứng đây, mình ráng mua ít bột đường, Tết này đổ bánh thuẫn hen mẹ”. Tay nó thu thu, ngường ngượng chìa cái túi ni-lông đen trĩu nặng. Mẹ ngạc nhiên. Mẹ đón lấy, mở hé, cảnh giác ghé nhìn.
Trong túi lổn nhổn trứng, hơn chục cái trứng vịt. Trứng nào trứng nấy to tròn, nần nẫn.
– Con lấy trứng ở đâu?
– Con… con…
– Lấy trộm phải không? Nói mau!
Cây roi mây rút soạt. Chừng ấy khiến nó tái le tái lét.
– Không, con không… lấy trộm. Là… người ta… cho…
– Ai khi không cho từng ấy trứng vịt?
– Là… là… ông Tám!
– Được, tao ra hỏi ông Tám. Hễ mày láo là mềm xương! Dạy bao nhiêu lần, đói cho sạch, rách cho thơm.
Tự dưng nó muốn cãi mẹ rằng rách mà thơm cái nỗi gì. Mùi bánh thuẫn mới thơm. Rồi nó chợt giật mình, nó đúng là to gan, dám làm chuyện tày đình. Giá mà nó hỏi ông Tám một tiếng, chắc ông chẳng nỡ lòng nào từ chối. Giờ ăn năn kiểu gì cũng đã muộn. Ông Tám chắc sẽ không tha cho nó, chắc chắn không tha.
Nhưng… cái mùi bánh thuẫn ấy, nó thơm quá. Thơm ứa nước mắt.
Mẹ nó quày quả ra tới trại vịt của ông Tám. Nó lót tót chạy theo.
– Anh Tám!
– Gì vậy cô Ba?
– Tui có chuyện muốn hỏi mà anh phải nói thiệt.
– Cha, cô Ba làm gì long trọng dữ! Xưa nay tui hông thiệt với cô hồi nào?
– Anh có cho trứng thằng Tâm không?
– Trứng nào cô?
– Vậy là không có. Tâm, vô đây!
Cái túi ni-lông được mở ra, những quả trứng tròn to. Ông Tám thuỗn mặt, hết nhìn mẹ, nhìn đống trứng lại nhìn nó. Mặt nó tái dại, không hột máu, mắt ầng ậng nước.
Ông Tám chợt đưa tay vỗ vỗ trán, cười xòa nói:
– Thôi, đúng rồi cô! Bữa tui dặn cháu nó ghé lấy chục trứng mà tui quên.
– Không phải chục! Mười mấy cái…
– Ờ… phải, chục… có đầu! Có thêm mấy cái trứng lẻ.
– Thiệt hông? Nó làm chi mà anh cho trứng nhiều vậy?
– Thì cháu nó lượm trứng, coi trại giùm tui mấy bận. Cuối năm tui gửi vài chục trứng cho mẹ con cô để… để… – Ông Tám liếc nó, cầu cứu. – Để đổ bánh – Nó nhắc khẽ. – Phải, phải, để mẹ con cô đổ bánh Tết. – Ông Tám thở hắt.
Mẹ lom lom nhìn ông Tám, bán tín bán nghi. Mẹ thở dài, dịu đi:
– Là tui hỏi anh vậy. Tui sợ cháu nó dại, làm liều. Nếu vậy thì tui đem trả và xin lỗi anh. Con dại cái mang.
Ông Tám liếc cái nón mê rách cùng bộ bà ba bạc màu của mẹ:
– Tui hỏi thiệt: Tết tới nơi rồi, mẹ con cô Ba chuẩn bị gì chưa?
– Chẳng giấu gì anh, từ ngày ổng mất… – Mẹ nó khẽ lắc đầu.
Ông Tám nín bặt, quày quả vào trong. Nhanh chóng, ông quay ra, trên tay cầm cái bọc nặng trĩu:
– Đây, tôi gửi thêm vài chục trứng, cô Ba về đổ bánh Tết nhiều nhiều. Xong, mang tôi một ít. – Ông Tám cười ngoác.
– Thôi, ngại quá. Anh đã cho nhiều rồi…
– Nhiều gì nhiều. Tôi nhờ cô đổ bánh giúp, chứ cho không đâu! Nhiều thì cô bán bớt, thêm tiền đường, bột.
Ông Tám ấn bọc trứng vào tay nó:
– Cầm đi con.
Nó bật khóc!

hoavan_truyen

Tết năm nay, bánh thuẫn nhà nó ngon lạ kỳ, ngon hơn đứt mọi năm. Mẹ bảo:
– Chắc nhờ trứng vịt của ông Tám. Trứng tốt nên bánh béo ngậy, thơm ngon.
Nó cũng nghĩ vậy. Vừa xong mẻ bánh thơm lừng, mẹ hối nó mang sang biếu ông Tám. Cả con đường ven sông thơm lừng mùi bánh thuẫn.
Sáng mồng Một, nó quần áo chỉnh tề ra “xông đất” trại vịt ông Tám. Ông mừng, cười ngoác:
– Thằng này nhẹ vía, được mày “xông đất” chắc năm nay vịt nhà bác Tám đẻ sai mù coi.

Truyện ngắn của Y Nguyên – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua