Lệ Hằng và 30 năm dệt lãnh Mỹ A

Từ năm 12 tuổi chị Nguyễn Thị Lệ Hằng đã dệt lãnh cùng ba và là người con góp nhiều công sức cho nghề dệt lãnh của gia đình. 30 năm đã trôi qua nhưng chưa bao giờ chị hết yêu nghề

Ba tôi nói vọng ra từ trong nhà: “Nghỉ tay một chút, ăn cơm rồi làm tiếp Hằng ơi! Chiều nay ba nghỉ sớm, cơm nước rồi đi bộ cho khỏe người”. Tôi đang cố bắt những sợi tơ còn dang dở vào ống chỉ. Trong cái nóng hầm hập, tiếng máy dệt chạy đều đều, người không quen dễ chừng khó chịu. Vậy mà đã hơn ba mươi năm, chưa bao giờ tôi hết yêu âm thanh đó.

NHỮNG NĂM BÊN KHUNG CỬI

Quê tôi là xứ lụa nổi tiếng Tân Châu, An Giang, người dân nơi đây rất sành về kỹ thuật nhuộm lụa. Sau giải phóng, ba tôi mạnh dạn đầu tư thiết bị, học thêm kinh nghiệm rồi mở cơ sở dệt. Khi đó, tôi vẫn là cô bé chưa biết làm duyên.

Ngày ngày tôi quấn quýt bên ba học cách quay tơ, đi sợi dọc hay xếp chỉ để dệt. Tôi thích tơ hơn sách vở, thích tiếng máy dệt hơn tiếng nô đùa của chúng bạn. Những lúc thấy tôi chơi với đống ống chỉ hay cắm cúi xem người ta quay tơ, ba tôi cười hiền xoa đầu con gái: “Con như vậy là ba yên tâm truyền nghề rồi. Chỉ khi yêu thích, con mới làm được nghề này”.

Tôi đã lớn lên cùng lụa, từng để ý đến một ai đó trong số người thợ của ba. Thế nhưng, tình yêu đến rồi đi, chỉ có lụa mới đủ sức níu giữ trái tim tôi. Thấy con gái không lấy chồng, ba tôi khuyên: “Lấy chồng đi con, cho tuổi già đỡ quạnh quẽ”. Tôi chỉ cười thay cho câu trả lời mà thầm nghĩ: “Làm cái nghề không bao giờ giàu này, lỡ lấy chồng rồi người ta không cho mình làm nữa thì sao?”. Cứ thế, tuổi xuân của tôi đi qua hồi nào chẳng hay.

NGÀY LÃNH MỸ A “ĐI TÂY”

Trước nguy cơ mai một của làng nghề, ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền tỉnh An Giang đã thành lập công ty tơ lụa để tìm đầu ra cho lãnh Mỹ A. Song, công ty này hoạt động chỉ được hai năm thì bị giải thể vì sản phẩm không cạnh tranh nổi với giá thành của các mặt hàng khác.

Từ dạo ấy, ba tôi trở thành người cuối cùng của làng dệt lụa khi ông quyết tâm bằng mọi giá phải duy trì cái nghề ai cũng chê này. Ba tôi bảo: “Ba sẽ làm đến hơi thở cuối cùng. Vì thế, ba cần sự chung tay của con, Hằng ạ”.

Sự nỗ lực của cha con tôi cũng được đáp trả. Cách đây mười năm, một khách hàng người Pháp tìm đến nhà tôi để mua lãnh Mỹ A. Sau khi nghe ba tôi kể chuyện nghề, người khách này rất thích và đặt hàng lụa của nhà tôi để xuất sang Pháp, Hồng Kông. Không ngôn từ nào có thể diễn tả hết niềm vui của cha con tôi lúc đó.

Từ đó, tôi miệt mài bên khung cửi thay cho ba vì ông đã già yếu. Theo đơn đặt hàng của người khách trên, mỗi năm nhà tôi sản xuất khoảng 2.000m lãnh Mỹ A, sau đó số lượng tăng lên gấp đôi.

TÔI SẼ NỐI NGHIỆP BA

0614_icon_lehang_03

Lãnh Mỹ A được ưa chuộng vì có đặc điểm mà các loại tơ lụa khác không có như dai, bền, mềm mại, không nhăn và đổ lông

Thấy tôi và ba quyết tâm với nghề, em trai tôi mày mò nghiên cứu pha màu để cách tân cho lãnh Mỹ A. Kết quả là ngoài màu đen tuyền, lãnh Mỹ A được tăng thêm bảy màu, nhưng màu sắc mới không thành công lắm vì lãnh kém bền hơn trước. Tuy vậy, tôi vẫn động viên em: “Nghề này rất khó để giàu có, nhưng sản phẩm mình làm ra lại có người chuộng như trước. Đó là niềm an ủi, động viên không chỉ cho ba và chị mà còn cho cả gia đình ta”.

Là đứa con gái say mê lụa nhất trong chín người con của gia đình, tôi đã học được ở ba nhiều kinh nghiệm và “lây” cả niềm say mê của ông. Ba vẫn luôn động viên tôi: “Dù không giàu có gì nhưng cũng ráng làm nghe con. Ba mất đi rồi mà lãnh Mỹ A cũng mất thì công sức của ba cũng mất. Con phải cố mà vui với nghề”. Những lúc nghe ba dặn, tôi cũng chỉ mỉm cười vì biết chắc rằng mình sẽ nối nghiệp ba ngay trên vùng lụa Tân Châu này.

THÔNG TIN THÊM
TT000_Mylife_30nam_0614.indd√ Để tạo màu cho lãnh Mỹ A, người ta chọn quả mặc nưa to, màu xanh, giã nát chúng như bột, cho vào khăn vắt lấy nước màu đen, đổ vào thùng để nhuộm.
√ Một cây lụa phải được nhúng vào thùng nhuộm không dưới 100 lần. Mỗi lần nhúng, thợ nhuộm phải vắt thật kỹ rồi phơi khô. Thời gian nhuộm và phơi khoảng 40 ngày. Vì vậy, lãnh Mỹ A có giá bán cao.
√ Có ba loại tơ lụa: loại dày nhất gọi là lãnh, mỏng hơn là lụa và mỏng nhất là lượt.

 Lệ Hằng và 30 năm dệt lãnh Mỹ A Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua