Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã mất đi những người yêu thương nhất. Học chưa xong lớp chín, tôi đã thay ba mẹ gánh nợ nần của gia đình, lo cho em gái sớm chịu cảnh côi cút. Có lúc, tôi thèm một cái xoa đầu từ ai đó cùng câu nói: “Con giỏi lắm Mi à” như một lời an ủi, động viên.
Cho đến khi tôi được gặp những người cùng cảnh ngộ, cảm nhận được tình cảm từ các em trong mái ấm, tôi mới hiểu tình thương chính là phép màu có thể xoa dịu những nỗi đau, mất mát”, Trà Mi, cô gái đồng hành cùng những chương trình từ thiện dịp Tết Trung thu kể.
CHIA SẺ YÊU THƯƠNG
Tham gia nhiều chuyến công tác từ thiện cùng các bạn từ năm 2009, nhưng tôi cảm thấy những chuyến đi nhợt nhạt và lạt lẽo. Tôi không được gần gũi các em, ít trò chuyện. Tôi quyết định tự tổ chức chương trình. Tôi bàn với anh bạn cùng khoa để tìm địa điểm.
Mùa hè năm 2010, tôi liên hệ các mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP. HCM, chỗ nào cũng kín lịch. Tôi chợt nảy ra ý định về các tỉnh lân cận. Thông qua bạn bè, tôi biết được tại huyện Long Thành, Đồng Nai, có một mái ấm nhỏ tên Hoa Mai.
Rằm tháng Tám năm 2010, tôi đến Hoa Mai. Tôi còn nhớ như in ánh mắt dò xét của bọn trẻ. Mỗi lần tôi đến gần, các em đều tránh đi, có đứa ngồi lại nhưng chỉ trả lời ậm ờ hoặc không nói gì. Cảm giác hụt hẫng xen lẫn thất vọng, tôi nghĩ thầm: “Hay vì mình quá cứng nhắc, khô khan với bọn trẻ?”. Thế là tôi quyết định tiến thẳng vào phòng các em, mang theo những gói kẹo, vừa phát cho các em, tôi vừa hỏi thăm tên tuổi, gia đình. Sợ bọn trẻ tủi thân, tôi cũng chia sẻ hoàn cảnh của mình với các em. Chỉ một lúc sau, lũ trẻ nhanh chóng ngồi cùng tôi. Và cứ thế, cuộc đời của từng đứa trẻ bất hạnh lần lượt được kể sau những giọt nước mắt.
Sau chuyến từ thiện năm ấy, nhóm chúng tôi bắt đầu quyên góp gây quỹ để chương trình hoạt động thường xuyên hơn. Trong nhóm, đa số đứa nào cũng là sinh viên nghèo, ở tỉnh lên trọ học nên điều kiện còn thiếu thốn. Chúng tôi phải tiết kiệm chi phí đi lại tối đa.
Mỗi lần xuống Hoa Mai, ngoài những gói kẹo, bim bim, tôi và cả nhóm còn vận động quần áo cũ, sách báo, truyện tranh… Số tiền quỹ ít ỏi cả nhóm dùng làm học bổng, trao cho các em để giúp bọn trẻ có động lực học tập.
Nhìn thấy bọn trẻ hào hứng, xuýt xoa chiếc đèn lồng đơn sơ, nhai ngon lành chiếc bánh trung thu, nước mắt tôi ứa ra.
Bọn trẻ nghịch ngợm là thế, nhưng bù lại rất tình cảm. Có lần tôi tổ chức cho các em vẽ tranh và trao quà trong ngày trung thu. Mấy hôm trước, tôi đến và trò chuyện để biết các em thích quà gì. Tôi nhớ mãi cảnh mấy đứa nhỏ ngồi quanh mình xí xô xí xào tranh nhau nói món quà mình thích. Bỗng một giọng nói to, át tiếng các em khác: “Thôi, tụi mày đừng đòi quà tùm lum, chị Mi còn đi học tiền đâu mua cho tụi mày, mấy anh chị xuống chơi là được rồi”.
Tình thương chính là phép màu có thể xoa dịu những nỗi đau, mất mát
Rồi cũng có em ghé tai tôi: “Chị chị, thằng Anh thích cục rubik mà hổng dám nói đó chị”. Tôi nghe xong mà không kìm được nỗi xúc động. Điều tôi cảm thấy vui nhất là được các em nhỏ tin tưởng, được nghe các em chia sẻ và xem như người thân.
THÔNG TIN THÊM
√ Thiều Thị Trà Mi, 24 tuổi, hiện là học viên cao học khoa Nhân học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. HCM. Ngoài tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân dịp trung thu, Trà Mi còn là tình nguyện viên cho tổ chức Viethope, chuyên trao học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn và đầu tư các chương trình phát triển kỹ năng, tài năng trẻ. Hai năm gần đây, vào những ngày giáp Tết, Trà Mi cùng nhóm bạn Studenthope đi các tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng để trao học bổng cho các em vùng sâu vùng xa, vượt khó học giỏi.
Theo Tiếp Thị Gia Đình