Kim Phóng: Bước qua bóng tối bằng ánh sáng của nghị lực

“Với tôi, bóng tối chỉ ở đôi mắt, còn tôi đã đi con đường sáng riêng của mình. Mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ là có nơi hoạt động âm nhạc cố định và có thể mở lớp dạy nhạc cho người khuyết tật”, chị Kim Phóng chia sẻ

Nếu vẫn buồn bã và bằng lòng với số phận an bài, chắc tôi vẫn là tôi, khép mình trong thế giới không có ánh sáng ấy. Chín năm trước, khi quyết định rời nhà đi học, giờ nghĩ lại, tôi vẫn hài lòng với quyết định ấy. Nhưng để là tôi của ngày hôm nay, có cái tên nghệ sỹ Kim Phóng, là cả một con đường đầy cam go.

LOAY HOAY TRONG BÓNG TỐI

Tôi sinh ra trong một gia đình làm nông. Nhà có đến 11 anh chị em, tôi là đứa con gần kế út. Năm 3 tuổi, sau một căn bệnh, tôi không còn nhìn thấy gì. Cuộc đời như khép lại với tôi từ đó. Tuổi thơ của tôi chỉ quẩn quanh trong nhà với ba mẹ, anh chị em. Tôi không được đến trường vì ở quê không có trường chuyên biệt.

19 tuổi, nhờ một người bạn cùng cảnh ngộ, tôi được tiếp xúc với chữ nổi. Tôi học miệt mài, học rất nhanh như để bù đắp với những thiệt thòi thuở nhỏ. Chẳng bao lâu sau, tôi có thể viết và đọc được chữ nổi.

Biết đọc biết viết, nỗi mặc cảm trong tôi vơi dần. Tôi bắt đầu bước ra thế giới bên ngoài, sống hòa nhập hơn. Tại địa phương khi ấy có câu lạc bộ đờn ca tài tử, tôi mạnh dạn tham gia. Một thời gian sau, thấy tôi có năng khiếu, ủy ban xã đưa tôi lên thị xã Vĩnh Long học. Ngày lên tỉnh, với tôi là chuyến đi lớn. Tôi bắt đầu biết ước mơ và chính ước mơ cho tôi động lực để cố gắng. Tôi vẫn mò mẫm từng bước để đi nhưng luôn tràn trề hy vọng phía trước. Cũng tại ngôi trường ở Vĩnh Long đã cho tôi cơ hội gặp những vị ân nhân của đời mình. Họ là những người thầy, người cô giúp tôi trở thành một con người khác.

VƯỢT QUA CHÍNH MÌNH

Năm 2005, đoàn giáo viên thuộc trường Sân khấu điện ảnh TP. HCM về Vĩnh Long công tác. Thấy tôi học tốt, một cô giáo đã hỏi: “Em có muốn lên Sài Gòn học không?”. Tôi trả lời ngay: “Dạ em muốn lắm cô”. “Sẽ rất khó khăn, em làm được chứ?”. “Em sẽ cố”.

Cô giúp tôi làm hồ sơ thi. Gia đình cản ngăn, nhưng tôi cố nài nỉ, thuyết phục ba mẹ, rằng cơ hội này chỉ đến với tôi một lần trong đời.

Tôi đi thi ở tuổi 30, mang theo số tiền 1 triệu đồng mượn của câu lạc bộ. Tôi thi đậu vào ngành Nhạc dân tộc, lớp đàn tranh, trường Sân khấu Điện ảnh TP. HCM. Tôi may mắn được thầy cô trong trường giúp đỡ, những bạn khác thì giúp tôi tìm nhà trọ, đưa đến trường. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ từng căn phòng trọ mình đã ở. Ngày đó, tôi đã ở trong những căn phòng tồi tàn nhất, cùng những người bán hàng rong, nhưng vẫn thấy rất vui. Để có tiền sinh hoạt, tôi đi đàn, đi hát. May mắn, tôi nhận được học bổng nên cũng trang trải được học phí. Ngày tốt nghiệp, cầm tấm bằng trên tay, tôi vui mừng khôn tả, đó là một kỳ tích của đời tôi. Từ đó, cơ hội đi diễn của tôi cũng nhiều hơn. Tôi dạy đàn tại nhà trọ. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại vì có thể nuôi bản thân bằng nghiệp tổ. Tôi lấy việc giúp đỡ các bạn khuyết tật khác có cơ hội đến với âm nhạc làm niềm vui. Cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, nhưng tôi nhận ra đời mình đã sang trang mới tươi vui hơn.

“Với tôi, bóng tối chỉ ở đôi mắt, còn tôi đã đi con đường sáng riêng của mình”, chị Kim Phóng vui vẻ nói

THÔNG TIN THÊM
√ Nghệ sỹ Kim Phóng tên thật là Nguyễn Thị Phóng, sinh năm 1975. Chị bắt đầu sự nghiệp ca hát năm 20 tuổi từ phong trào đờn ca tài tử của địa phương. Tốt nghiệp ngành Nhạc dân tộc, trường Sân khấu Điện ảnh TP. HCM khóa 2005–2009.
√ Những giải thưởng chị đã đạt được: • Huy chương vàng liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long 2004 • Huy chương vàng liên hoan đờn ca tài tử toàn thành (TP. HCM) 2011 • Giải nhất cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần 2012 Đài tiếng nói nhân dân TP. HCM tổ chức • Giải nhất cuộc thi Giai điệu trái tim do phòng trà Grin tổ chức.
√ Hàng tuần, chị có buổi biển diễn tại phòng trà Grin, 518/17 Lê Văn Sỹ, P. 14, Q. 3, TP. HCM. Chị bảo đây là sân chơi âm nhạc của nhiều người cùng cảnh ngộ với chị.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua