Tôi nghĩ, đời ai cũng có lúc vấp ngã. Ngã thì phải đứng dậy, nghĩ thiện để sống tốt hơn. Bố mất từ khi tôi chín tháng tuổi, năm anh chị em tôi lớn lên từ gánh quẩy của mẹ. Học hết lớp sáu, tôi nghỉ học, phụ mẹ bán hàng. Thế nhưng nỗi thương mẹ vất vả nắng mưa không chiến thắng nổi niềm vui đàn đúm với chúng bạn, chỉ một lần “hút thử cho biết” đã cuốn tôi vào vết trượt dài.
18 tuổi, tôi làm bạn với “nàng tiên nâu” và trở thành nô lệ của nó.
NHỮNG CUỘC ĐÀO TẨU
Không có tiền để mua thuốc, tôi khóc lóc, dọa dẫm, thậm chí lừa mượn xe của thợ rồi mang đi cầm, bán. Hết lần này đến lần khác, mẹ tôi muối mặt xin lỗi rồi chạy vạy chuộc xe về trả. Cả nhà đưa tôi vào một cơ sở cai nghiện tư nhân ở Yên Phụ.
Cai nhiều lần mà tôi vẫn tái nghiện, mẹ đành cho tôi cai tại nhà. Mẹ buộc phải xích chân tôi lại. Một mình cô độc giữa bốn bức tường, cơn thèm thuốc thôi thúc tôi đào tẩu.
Một hôm, đứa cháu vào chơi, tôi nhờ cháu lấy hộ chìa khóa. Khóa vừa mở, tôi bật dậy, đánh đu từ lan can tầng hai nhà mình rồi nhảy sang nhà hàng xóm, trèo xuống đất chạy thục mạng. Mẹ tôi đau đến nỗi không còn khóc được nữa trước những lầm lạc liên tiếp của con gái. Có bữa lên cơn vật thuốc, người run rẩy, chẳng còn một xu dính túi mà trời lại đổ mưa to, tôi nép vào hiên nhà bên đường. Khi ấy, tôi chợt thấy mình chẳng khác nào con gà ốm, bơ vơ giữa đời.
Thương mẹ, một lần nữa, tôi vào trại cai nghiện. Mỗi lần lên cơn thèm thuốc, tôi lại nhớ đến mẹ, đến lời khuyên của mẹ. Ngày 30–4–2005, tôi ra trại, dù cắt được cơn thèm thuốc nhưng trước khi về, tôi vẫn dặn bạn cùng phòng: “Cứ để nguyên đồ của tôi để khi nào bị bắt trở lại còn có cái mà dùng”.
ĐƯỜNG VỀ TRẢI HOA HỒNG
Được gia đình động viên, tôi tham dự buổi sinh hoạt của nhóm tự lực Hoa Xương Rồng thuộc Chi hội Chữ Thập đỏ Đống Đa, Hà Nội. Tại đây, tôi thấy rất nhiều người trong nhóm bạn nghiện ngày xưa đã có cuộc sống ổn định. Thức tỉnh, tôi tích cực tham gia hoạt động của nhóm. Tôi trở thành thành viên nòng cốt, được đi tập huấn, dự hội thảo. Tham gia hoạt động tôi mới thấm thía, một nghìn, một triệu lời khuyên nhủ cũng không thấm bằng việc nhìn thấy một người bạn bỏ được thuốc. Những người trong cuộc giúp đỡ lẫn nhau là liều “cắt cơn” tốt nhất.
Tháng 5–2009, tôi cùng một số thành viên khác đứng ra thành lập Liên minh Câu lạc bộ Về Nhà. Tôi nghĩ, dù là ai, họ vẫn cần một mái ấm. Tên của liên minh cũng chính là ước nguyện, khát khao được “về nhà” của họ. Liên minh ra đời là sự kết hợp của ba nhóm: nhóm Gạch Đầu Dòng hỗ trợ người sử dụng ma túy; nhóm Nơi Bình Yên hỗ trợ, bảo vệ chị em làm nghề mại dâm; nhóm Về Nhà dành cho vợ và bạn tình của người sử dụng ma túy. Ba nhóm này liên hệ mật thiết với nhau trong việc hỗ trợ cai nghiện, học cách tránh lây nhiễm bệnh tật và dự phòng tái nghiện.
Trước đây, chưa bao giờ tôi nghĩ một phụ nữ chỉ học hết lớp sáu có thể tự tin phát biểu trước hội thảo, rồi đi nước ngoài để học hỏi những mô hình, cách điều hành câu lạc bộ dành cho người nghiện ma túy. Vậy mà giờ tôi đã làm được!
THÔNG TIN THÊM
√ Chị Phạm Thị Minh hiện là điều phối viên của Liên minh Câu lạc bộ Về Nhà tại 16 Đê Tô Hoàng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chị Minh chia sẻ: “Khi gia đình phát hiện con em mình nghiện ma túy, bạn cần bình tĩnh. Mọi biện pháp như nhốt, xích chân… chỉ khiến họ phá phách để được tự do mà thôi. Để cai nghiện thành công cần nhiều yếu tố. Thuốc cắt cơn chỉ có giá trị trong một thời điểm. Về lâu dài, gia đình cần cho con hiểu họ không bao giờ bị bỏ rơi, gia đình là nơi con có thể quay về thì chính tình yêu thương sẽ thức tỉnh người nghiện. Bên cạnh đó, nên cho con tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ hỗ trợ cai nghiện. Giao lưu, trò chuyện với những người cai nghiện thành công là liều thuốc tốt nhất để cho họ có thêm niềm tin“.
Theo Tiếp Thị Gia Đình