Ngày cô bạn thân đi du học, Linh muốn làm một con gấu bông để bạn mang theo làm kỷ niệm. Linh đạp xe đến mấy cửa hàng bán nguyên liệu làm đồ handmade. “Cô bán cho cháu mảnh vải nỉ nho nhỏ để làm gấu bông ạ”, Linh nói. Chủ cửa hàng lắc đầu từ chối: “Cô bán cả mảnh to, chứ cắt vụn ra thế bán cho ai được nữa”.
ĐAM MÊ DẪN LỐI
Linh lên mạng tìm địa chỉ mua nguyên liệu và tình cờ làm quen với người bạn ở Chibi shop tận TP. HCM. Cùng là “tín đồ handmade” nên hai người nói chuyện rất hợp gu. Linh bảo: “Sự năng động của bạn ấy là động lực để mình quyết định thành lập I-Karo”.
Với số vốn 300.000 đồng do anh trai hỗ trợ, Linh mua vải nỉ số lượng lớn rồi cắt nhỏ bán lại. Ai đến mua nguyên liệu cũng vui vì tìm được một nơi có thể đáp ứng nhu cầu của họ.
Nhìn những tấm vải muôn màu sắc trước mắt, Linh không cầm lòng được. “Không lẽ chỉ bán nguyên liệu thôi sao?”, cô nghĩ. Tìm được hình mấy chú gấu xinh xinh trên mạng, Linh mày mò làm theo. Cô vẽ hình lên vải, cắt thành từng mảnh, may lại rồi nhồi bông. “Làm tay nên sản phẩm ban đầu chẳng được ưng ý. Đường chỉ không đều nên con gấu xấu lắm”, Linh nhớ lại.
CHỈ CẦN CÓ NIỀM TIN
Vừa bán nguyên liệu, Linh vừa bán sản phẩm do mình làm như thú bông, gối, móc khóa… Khách hàng thích thú với những vật ngộ nghĩnh ấy nên tìm đến ngày càng đông. Linh phải tuyển thêm ba cộng tác viên làm cùng cho kịp.
Rồi đơn hàng đầu tiên đến với Linh. Háo hức quá, vừa làm xong Linh giao ngay, quên mất chuyện kiểm tra sản phẩm hoàn thiện chưa. Vừa giao xong, khách hàng gọi điện: “Đơn hàng vừa rồi nhiều lỗi lắm. Chúng tôi không thể trả toàn bộ số tiền cho bạn được”. Thất bại đầu tiên khiến Linh quyết tâm làm nhiều hơn để bù lỗ. Cô tận tình chỉ bí quyết cho cộng tác viên để tránh lỗi sai.
Phương châm của Linh là tạo ra những sản phẩm “giống y hệt bản mẫu” nên cô rất cẩn thận mỗi khi nhận đơn hàng. Linh bảo: “Mình chỉ nhận những đơn hàng nào có thể làm được. Nhận rồi sẽ dồn hết tâm huyết để làm giống y bản mẫu”.
Mỗi người đến với I-Karo là một câu chuyện riêng, kỷ niệm riêng. Linh nhớ có người mẹ đặt I-Karo làm món quà đặc biệt tặng con gái lớp năm vừa đạt giải học sinh giỏi. Với Linh, đó là món quà mà cô ấn tượng nhất. Sau năm tiếng, chiếc đùi gà khổng lồ màu vàng ươm, dài 1,5m đã hoàn thành. “Nhìn cô bé vác cái đùi gà cao qua đầu, cười tít mắt, mình cũng vui lây”, Linh kể.
Những đơn hàng của các quán cà-phê, trường học với số lượng lớn gửi đến I-Karo ngày càng nhiều hơn. Cho đến khi nhiều cửa hàng handmade ra đời, công việc giảng viên chiếm phần lớn thời gian, Linh quyết định chuyển hướng kinh doanh I-Karo, dời từ Hàng Giấy về số 11 ngõ 2 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội. Hiện tại, I-Karo tập trung cung cấp nguyên liệu handmade, mực vẽ henna của Ấn Độ và tích cực chia sẻ bí quyết làm đồ handmade, vẽ henna đã tích lũy được cho các bạn cùng sở thích hoặc mới kinh doanh.
Linh bảo: “Một trong những dự án mà mình luôn đau đáu muốn thực hiện là mở chương trình lớp học handmade có hệ thống để mở lối cho nhiều bạn trẻ tiếp xúc với lĩnh vực này phát huy khả năng sáng tạo”.
BÍ QUYẾT CỦA THÙY LINH
√ Linh chia sẻ: “Làm đồ handmade ngoài kỹ lưỡng, tỉ mỉ, phải luôn bắt kịp xu hướng và nắm bắt nhu cầu khách hàng. Chính vì thế, đội ngũ nhân viên của mình, ai cũng rất trẻ, phải có sự sáng tạo và tìm tòi học hỏi. Chăm chút và đặt tâm huyết vào việc thực hiện thì sản phẩm mới có được cái hồn của nó“.
Theo Tiếp Thị Gia Đình