Năm 1995, tôi đến Việt Nam chỉ là đi du lịch chứ không có ý định ở lại sinh sống. Những ngày đó, người Việt Nam còn khép kín, chả mấy ai cười với tôi. Vậy mà đến khi tôi bị ốm, chủ nhà trọ đã nhiệt tình chăm sóc, đi mua thuốc cho tôi. Tôi ngạc nhiên là dù cô ấy tốt thế mà vẫn không bao giờ nở nụ cười. Tôi nhận ra sâu thẳm trong những con người tưởng chừng lạnh lùng kia là tấm lòng ấm áp. Vì lẽ đó, tôi quyết định ở lại đến khi hiểu được con người và văn hóa Việt Nam.
BÉN DUYÊN
Tôi thuê một căn phòng trọ ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội, để sinh sống. Thường xuyên dạo qua những gallery trong khu phố cổ, không biết từ lúc nào, tôi bị cuốn hút bởi những bức tranh sơn mài bày bán trên phố. Nhật Bản cũng có lịch sử văn hóa sơn mài rất lâu đời, nhưng nghệ thuật sơn mài của Nhật thường ứng dụng vào thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng. Vì thế, tôi rất thích thú trước những bức tranh sơn mài chất liệu sơn ta của Việt Nam. Sơn ta là chất liệu vẽ tranh sơn mài hoàn toàn thuần Việt. Chất liệu này cho sản phẩm có độ trong, lên màu rực rỡ. Thế nhưng sơn ta Việt Nam không được nhiều nghệ nhân ưa chuộng vì lâu khô và không phù hợp với khí hậu Nhật Bản.
Thuở nhỏ, mẹ tôi thường vẽ tranh minh họa về câu chuyện định kể cho các con nghe, rồi may quần áo, trang trí túi xách… Lớn lên trong bầu không khí gia đình yêu nghệ thuật như vậy, lại từng được học ký họa, nên khi bén duyên với tranh sơn mài Việt, tôi nhập cuộc một cách hào hứng.
Người thầy đầu tiên của tôi là họa sỹ Trịnh Tuân. Tôi mê tác phẩm của anh ấy, người họa sỹ không chỉ sử dụng màu sắc và bút vẽ mà còn sử dụng cả các chất liệu như vỏ trai, vỏ trứng… Và tác phẩm đầu tiên của tôi ra đời cũng từ những mảnh vỏ trứng, lá vàng, lá bạc mỏng manh.
THỰC HIỆN ĐAM MÊ
Hơn mười năm qua, tôi không nhớ nổi đã vẽ bao nhiêu bức tranh. Chỉ biết rằng chín triển lãm tranh mà tôi từng thực hiện tại Việt Nam có tới 90% kỹ thuật và chất liệu sử dụng trên tranh sơn mài là của người Việt.
Tôi thường vẽ tranh cỡ bé xíu. Cuộc triển lãm năm ngoái đã có họa sỹ hỏi tôi: “Sao Saeko vẽ tranh nhỏ thế?”. Đối với người Nhật, bé nhỏ không có nghĩa là có giá trị thấp. Người Nhật thường thu nhỏ lại mọi thứ để cho người xem tự tưởng tượng ra một thế giới lớn hơn, giống như bài thơ haiku vậy. Nhỏ gọn nhưng tinh tế, giản dị, thô sơ mà gần với tự nhiên. Xem tranh của tôi, người ta có thể dễ dàng nhận ra những nét tính cách đó.
Năm 2006, một người bạn mở phòng tranh UZU để tôi và cộng sự có thể vừa sáng tác vừa mở lớp dạy sơn mài cho học viên. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất không phải là bán được nhiều tranh mà là chứng kiến sự thay đổi trong suy nghĩ của người Việt, đặc biệt là giới trẻ về tranh sơn mài.
Gần hai mươi năm ở Việt Nam, tôi thấy mình “thuần Việt” tới mức nói tiếng Việt thành thạo, yêu Tết cổ truyền Việt Nam. Nếu như Việt Nam đánh thức niềm yêu tranh trong con người tôi thì ngược lại, tôi coi việc giới thiệu vẻ đẹp quyến rũ của nghệ thuật sơn mài Việt là sứ mệnh của đời mình.
THÔNG TIN THÊM
√ Họa sỹ Ando Saeko sinh năm 1968. Hiện chị đã chuyển vào TP. HCM sinh sống và làm việc.
√ Địa chỉ phòng tranh UZU: Nhà số 3 C3, khu đô thị Ciputra, Q. Tây Hồ, Hà Nội. Tham khảo thông tin trên website của UZU uzugallery.com hoặc tác giả www.andosaeko.com, www.facebook.com/andosaeko.
Theo Tiếp Thị Gia Đình