Họ Đỗ nhà ông là những người đầu tiên theo chúa Nguyễn giong buồm về phương Nam đến khai hoang trên vùng đất bạt ngàn lau sậy và rừng tràm của miền sông nước Cửu Long này. Mấy trăm năm qua, cái chất miền Trung cần cù, chịu khó của những lưu dân thời ấy đã phai nhạt dần, thay vào đó là tính phóng khoáng, dễ dãi, hài hước đậm chất Nam bộ. Nhiều thứ đã đổi thay, song dòng họ Đỗ vẫn giữ được nếp xưa, đó là giữ cách đặt tên con cháu chỉ vỏn vẹn hai chữ. Ông nội ông tên Đỗ Lương, lấy vợ rồi sinh liền gần chục đứa con gái, lần lượt đặt tên là Đỗ Hạnh, Đỗ Dung, Đỗ Ngôn… Sau nhiều năm lên chùa thành tâm cầu tự, bà nội ông mới sinh đứa con trai duy nhất là cha ông, đặt tên Đỗ Thiện, với ý cầu mong những điều tốt lành đến với nhà họ Đỗ.
Trải bao đời lam lũ làm ăn, dòng họ Đỗ chỉ có chút đỉnh của ăn, của để chứ chưa thể mở mặt mở mày như những dòng họ khác. Cưới vợ, cha ông có hai đứa con trai liên tiếp. Anh của ông, tướng tá phương phi, thân hình vạm vỡ, được đặt tên là Đỗ Dư. Còn ông, sinh nhằm những năm lũ lụt đói kém nên ốm yếu, oặt oẹo nhưng vẫn được cha mẹ đặt cho cái tên thật kêu: Đỗ Thừa!
Người xưa luôn muốn gửi gắm điều gì đó trong việc đặt tên con. Xem ra ở đời này, “lương thiện” cũng chưa đủ mà còn phải “dư thừa” mới được! Khổ nỗi, dân miền Nam phát âm không rõ dấu hỏi và dấu ngã nên khi đi học, cái tên Đỗ Thừa đã không ít lần làm đề tài cho thiên hạ cười cợt, khiến ông nhiều khi bị hiểu như kẻ chỉ biết tìm cách trút bỏ những yếu kém, sai lầm của bản thân cho người khác hoặc cho hoàn cảnh bằng thái độ sống chẳng mấy hay ho là… đổ thừa!
Tết năm ấy, Đỗ Thừa tròn hai mươi tuổi. Một mùa xuân thanh bình lại về. Ông nội và cha Đỗ Thừa dành cả tháng Chạp để sửa sang, sơn phết nhà cửa. Bà nội và mẹ ông tất bật chuẩn bị gạo nếp, đậu mè để quết bánh phồng, làm bánh tráng. Đó cũng là lúc Đỗ Thừa lững thững đi dọc con đường làng, vừa vui chơi vừa ngắm nhìn bà con chuẩn bị đón xuân. Nếu không thế, cả ngày ông cũng chỉ biết theo đám dân nghèo đi khắp nơi, lặn lội, mò mẫm trong những lung, bàu để kiếm cá tôm, rắn rùa chuẩn bị ăn Tết. Là con cưng trong gia đình, Đỗ Thừa ít khi bị la mắng vì cái tính lười nhác, nghịch ngợm đã mang sẵn trong người từ nhỏ. Ngoài chuyện học, ông rất thích theo bọn chăn trâu đi hết đầu trên xóm dưới, tham gia vào những trò nghịch phá làm bà con trong làng đôi khi dở khóc dở cười. Nể mặt Đỗ Lương là người có vai vế trong ban Tế tự đình thần, họ không mách lại với gia đình ông. Đỗ Thiện thừa biết tính con, nhưng thỉnh thoảng cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “Con nhìn lại mình đi. Lớn tồng ngồng rồi mà còn chơi những trò trẻ con. Tuổi này người ta đã lấy vợ, sinh con nối dõi tông đường rồi”. Đỗ Thừa gãi đầu vâng dạ chiếu lệ rồi đâu lại vào đó.
Với Đỗ Thừa, Tết là khoảng thời gian vui thú nhất trong năm khi việc học hành tạm gác lại để về quê hưởng mùa xuân đầm ấm bên gia đình và bà con xóm giềng. Tết có nhiều thú vui, nhiều trò để nghịch phá. Năm nào cũng vậy, cứ sau giao thừa là ông có một việc vô cùng thích thú để làm, đó là đi… ăn trộm. Đỗ Thừa quảy cái bao bố trên vai, đảo một vòng từ đầu thôn tới cuối xóm. Ông dừng chân trước cổng những ngôi nhà khá giả, nhẹ nhàng lẻn vào sân, đợi lúc gia chủ quay lưng đi là ông chắp tay xá một xá tạ tội với Phật trời rồi nhanh tay trút hết phần bánh trái, hoa quả có trên bàn “thông thiên” vào trong bao bố, sau đó rón rén quay ra, biến mất vào đêm tối.
Thời đó, chẳng biết do nguyên cớ gì mà quan chức hội tề đặt ra cái lệ cấm bà con trong làng không ai được nuôi chó. Bởi vậy, trò quỷ quái của Đỗ Thừa luôn được thực hiện trót lọt. Đảo một vòng qua hết những con đường quê thì trời đã gần sáng. Ông chỉ còn kịp vác cái bao bố nặng trịch chiến lợi phẩm, băng đồng, lội rạch tìm tới căn chòi nhỏ của bác Tư mù nằm giữa đồng, nhẹ nhàng đặt món quà Tết hậu hĩ trước cửa rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Thay bộ khăn đóng áo dài tề chỉnh, vậy là Đỗ Thừa đã có mặt sớm nhất trước bàn thờ gia tiên, chờ rót ly rượu chúc thọ ông bà ngày đầu năm mới.
Khúc quanh lớn nhất trong đời Đỗ Thừa bắt đầu từ hai quyết định khó hiểu của ông nội ông. Đầu tiên, ông Lương nhận một cô gái mồ côi gần bằng tuổi Đỗ Thừa về làm con nuôi. Tiếp đến, ông cho phép Thái, một anh chàng tài tử lang bạt giang hồ cất căn nhà nhỏ bên cạnh nhà ông để mở tiệm hớt tóc. Có người bảo ông nhận con nuôi chẳng qua là mướn người giúp việc không phải trả tiền công. Huệ là đứa con gái nhà nghèo, da đen mốc vì dầm mưa dãi nắng nhưng bù lại có thân hình đầy đặn, sức lực tràn trề, tính tình siêng năng, làm rất được việc. Cái áo không làm nên thầy tu, nhưng ngược lại, rõ ràng trong trường hợp của Huệ, chỉ cần vừa bước chân vào nhà giàu có, khoác lên người bộ bà ba bằng sa-tanh trắng là từ cô gái quê mùa đã biến thành một tiểu thư xinh đẹp.
Đỗ Thừa không quan tâm tới chuyện này. Ông chỉ chú ý tới anh thợ hớt tóc mới đến nhưng đang nhanh chóng lấn sâu vào nếp sinh hoạt bình thường và yên ả của gia đình mình. Đỗ Thừa ghen tức thì phải. Anh thợ hớt tóc tên Thái, là một người già dặn, từng trải và đẹp trai. Nói chung, Thái có nhiều thứ mà Đỗ Thừa không có. Điều ấy khiến ông rất khó chịu, nhất là khi Thái lân la sang nhà ngồi đánh cờ, uống trà, đàm đạo cùng ông nội Đỗ Lương trên chiếc trường kỷ, nơi mà chính ông cũng ít khi dám bén mảng tới. Đỗ Thừa khó chịu ngay cả khi nhìn mái tóc nghệ sỹ chải tém sau ót, điệu đà che khuất hai vành tai, được bôi bằng thứ dầu thơm của Tây vàng óng, đặc sệt như mỡ bò, mái tóc bóng nhẫy đến nỗi ruồi đậu còn phải chống gậy vì sợ trượt chân.
Sự xuất hiện của hai người xa lạ phút chốc làm thay đổi mọi thứ trong gia đình Đỗ Lương. Bà Lương không dám nói ra nhưng lòng đầy nghi hoặc. Họ Đỗ xưa nay không có truyền thống năm thê, bảy thiếp. Nhưng biết đâu đấy, già sinh tật, ông Lương mượn cớ nhận con nuôi để mang con Huệ về nhà rờ rẫm, đụng chạm, ngắm nghía cho đỡ buồn? Còn vợ ông Đỗ Thiện lại nghĩ: “Có lẽ cha con nhà họ Đỗ toa rập cùng nhau làm chuyện mờ ám. Đã thế còn bày trò quỷ quyệt, rước thằng Thái về, cáp đôi chúng để che mắt thiên hạ. Cần người giúp việc thì đàn bà xấu, phụ nữ già thiếu chi, cớ gì chọn con bé hơ hớ thanh xuân như thế?”. Không khí nghi kỵ đè nặng những thành viên trong gia đình. Ba người vợ chọn chiến thuật chì chiết, nghiến ngầm với ba ông chồng những lúc không có ai trước mặt. Chỉ có Huệ là vô tư, sau khi làm xong việc nhà, Huệ cầm chổi quét tới quét lui trong khoảng sân không có một cọng rác, thân hình đong đưa, mắt long lanh nhìn cỏ cây mây nước.
Ông Đỗ Lương lên tiếng để làm dịu đi không khí ngột ngạt:
– Sao, hôm nay bà họp mặt con cháu đông đủ định bàn chuyện gì đây?
Bà Lương mạnh dạn đứng lên, khác với vẻ rụt rè thường ngày:
– Chuyện nhà này đã đồn khắp làng, tôi muốn im cũng không được. Số là từ ngày ông đưa con Huệ về đây ở, đã có nhiều lời xì xầm bàn tán. Người thì bảo ông định dựng vợ thứ cho thằng Đỗ Dư để kiếm thêm cháu nội, kẻ lại nói ông tính cưới vợ cho thằng Đỗ Thừa mà khỏi tốn tiền trầu cau, vàng bạc. Gia đình mình xưa nay là gia đình danh giá. Dẫu gì cha mẹ bên tôi cũng từng là hương quản trong làng, không thể để mang tai tiếng như vậy được. Bữa nay có mặt mọi người, tôi lên tiếng để “làm chủ” cho vợ thằng Đỗ Dư, vì nó là đứa cháu dâu được cưới hỏi đàng hoàng, không thể để thiệt thòi với cái cảnh chồng chung. Bởi vậy, thay mặt mọi người, tôi muốn ông chính thức đuổi con Huệ ra khỏi nhà để không ảnh hưởng tới hạnh phúc của vợ chồng thằng Dư, khỏi phải nghe lời xì xầm bàn tán của kẻ xấu miệng.
Huệ không quan tâm đến thái độ của ba bà vợ trong nhà, cô vẫn vô tư ra vào, làm tròn phận sự của mình
Bà Lương nói một hơi, rành rọt, khúc chiết, đanh thép như cách nói của đứa con gái út nhà ông Hương quản. Ông Đỗ Lương im lặng. Hình như đã có sự chuẩn bị trước của những người đàn bà trong nhà. Họ nhìn nhau, chờ đợi.
Đỗ Thừa ngồi cuối bộ ngựa gõ, quan sát thái độ của mọi người mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ai xì xầm bàn tán? Đỗ Thừa cả ngày lông nhông ngoài đường, ai nói gì thì ông là người nghe trước nhất mới phải. Dựng vợ thứ cho ông anh Đỗ Dư? Còn lâu! Nhìn nét mặt của chị dâu, Đỗ Thừa biết chắc anh trai mình không hề léng phéng với Huệ. Đỗ Dư to xác nhưng nổi tiếng sợ vợ, có
chuyện đó chắc mặt trời mọc hướng Tây.
Ông Đỗ Lương hắng giọng, chậm rãi gằn từng tiếng:
– Ai trong nhà này nghe được lời xì xầm của thiên hạ?
– Ông có ra khỏi nhà đâu mà biết. Người ta nói đầy lỗ tai kìa! Người ta nói ông mượn thằng Thái làm bình phong để che đậy âm
mưu của nhà họ Đỗ này.
Cái bình trà vỡ tan tành sau ba tiếng “nhà họ Đỗ”. Lần đầu trong đời, Đỗ Thừa thấy ông nội nổi nóng. Nét mặt bà Lương từ đỏ lừ tức giận chuyển sang tái xanh sợ hãi. Vài phút sau, chừng như đã đủ để những người trong nhà thấm thía cái uy lực của người chủ gia đình, ông Lương nói sang sảng từng tiếng:
– Tôi biết chuyện gì đã xảy ra trong nhà này từ khi tôi đem con Huệ về nuôi, cho thằng Thái cất nhà ở đậu. Tôi chỉ muốn thực hiện tâm nguyện của ông nội con Huệ là nuôi nó lớn khôn rồi tìm nơi cho nó gởi gắm tấm thân. Ai cũng biết ông nội con Huệ là người chí tình giúp đỡ họ Đỗ nhà mình ngày đầu vào đây lập nghiệp. Ở đời, oán có thể không trả nhưng ơn thì phải đền. Vậy mà nói cách gì cũng không ai chịu hiểu. Sống với nhau, ngoài chung thủy còn phải tin tưởng lẫn nhau. Có đâu…
Càng nói mặt ông Đỗ Lương càng đỏ bừng lên. Thấy không ổn, Đỗ Thừa chạy vội lên đỡ ông nội ngồi xuống, miệng dõng dạc nói với mọi người:
– Ý của ông đã rõ rồi. Cả nhà mình không cần bàn cãi gì thêm nữa.
Dù chưa rõ ràng, dù còn uất ức nhưng lần lượt từng người rón rén rời khỏi gian nhà chính trong sự im lặng.
Sự nghi ngờ và xung đột vẫn chưa được giải tỏa thì lại xảy ra một việc khác: nhà bỗng dưng có ma. Những vụ mất trộm khó hiểu liên tiếp xảy ra khiến đám đàn bà và trẻ con đâm ra sợ hãi. Bánh phồng nướng bày ra đĩa cúng trên bàn thờ không ai ăn mà bỗng biến mất. Nồi cơm, ơ cá cất ở chạn bếp thường xuyên ôi thiu như có bàn tay của ma quỷ vọc vào. Chuối khô phơi chưa kịp ráo xếp dãy ngoài hàng hiên chờ hôm sau phơi tiếp thì trong đêm đã bị gỡ rách bươm nhiều miếng. Hỏi mọi người trong nhà, không ai nhận mình ăn vụng. Huệ thì chối đây đẩy: “Con có thèm thì xin ông bà, có đâu ăn uống vô phép vậy”. Bà Đỗ Lương suy nghĩ đơn giản hơn: “Chắc tổ tiên họ Đỗ ở cõi dưới thiếu thốn cái ăn. Tết này phải cúng kiếng phủ phê mới được”.
Đỗ Thừa không tin chuyện ma quỷ. Cái gì cũng có nguyên nhân. Ông nhất quyết tìm cho ra thủ phạm, lôi nó ra ánh sáng để mọi người thấy ma quỷ chỉ là thứ thiên hạ tưởng tượng ra để hù dọa người khác, hù dọa chính mình.
Hai đêm đầu, Đỗ Thừa thức đến hơn hai giờ sáng vẫn không bắt được trộm. Sáng ra, cơm cá dưới bếp vẫn bị lục tung. Điều đó càng khiến cho phụ nữ trong nhà không dám ra khỏi phòng khi trời sụp tối. Đêm thứ ba, Đỗ Thừa đổi chiến thuật, rình trộm từ nửa đêm trở về sáng. Ông ngồi trong kẹt bồ lúa, cắn răng chịu đựng, mặc bọn muỗi chích hút. Ông đã không bõ công. Ba giờ sáng. Đỗ Thừa nghe tiếng động rất khẽ phát ra từ nhà trên. Tiếp theo một bóng áo trắng nhẹ lướt qua mặt. Một thoáng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Sau đó, bóng áo trắng biến mất giữa bóng đêm trong gian bếp. Có tiếng khua nhẹ của chén đũa, vung nồi. Tất cả những âm thanh đó vang lên thật khẽ nhưng không qua được đôi tai rất thính của Đỗ Thừa.
“Bóng ma” xuất hiện lần nữa, cách Đỗ Thừa chỉ hơn một sải tay. Lần này “ma” mở chốt cửa nhưng không bước ra ngoài, sau đó từ từ trở về gian bếp. Yên tĩnh đến rợn người. Đỗ Thừa chờ thêm một lúc nữa nhưng không thấy bóng áo trắng quay trở ra. Ông lấy hết can đảm bước ra khỏi chỗ nấp, khóa chốt cửa rồi thận trọng bước từng bước, dò dẫm trong bóng tối đi vào gian bếp. Bỗng một cánh tay ôm lấy cổ ông quật xuống đất. Ông muốn hét lên kêu cứu nhưng miệng đã bị khóa chặt lại. Chưa kịp định thần, thêm một cánh tay nữa quàng ngang đầu Đỗ Thừa tạo thành cái gọng kìm quấn siết lấy ông. Trước khi đổ sụp xuống, Đỗ Thừa còn đủ tỉnh táo nhận ra mình đang chìm ngập trong mùi da thịt và hương tóc con gái thoang thoảng mùi dầu dừa.
Mãi sau này, bà Huệ vợ ông Thừa, vẫn còn đỏ mặt khi nghe chồng nhắc lại chuyện xưa. Bốn tháng sau ngày Đỗ Thừa bắt sống “con ma”, ông nội, cha và anh trai ông mới được minh oan. Bụng bà Huệ căng dần sau lớp vải áo. Chuyện ma quỷ lộng hành trong nhà chỉ là màn kịch do Thái nghệ sỹ bày ra và chính bà Huệ thực hiện để cầm chân những người đàn bà trong phòng để khỏi bị dòm ngó. Nhưng ngay đêm đầu hò hẹn của họ, kế hoạch gặp sự cố nên mười tháng sau, Đỗ Thừa có đứa con trai đầu lòng. Có lần vui miệng Đỗ Thừa hỏi bà Huệ:
– Đêm đó biết không phải Thái nghệ sỹ sao bà không chịu buông tui ra?
Bà bẽn lẽn như gái mới về nhà chồng:
– Ôm cái đầu rễ tre của ông tui biết ngay mình nhầm. Lúc đó quýnh quáng, không biết làm gì nên… thôi kệ, lỡ rồi.
“Thôi kệ! Lỡ rồi!”. Sau bao năm chung sống, đó là câu “đổ thừa” dễ thương nhất của bà Huệ.
Truyện ngắn của Nguyễn Lệ Ba – Theo Tiếp Thị Gia Đình