Nằm bẹp trong góc nhà trọ chật hẹp, chênh vênh trên bờ kênh thối, đồ đạc bừa bãi như đống rác, Hoạt vừa nốc rượu vừa làu bàu chửi rủa. Hồng bưng cái bao đầy ắp chai lọ, bao ni-lông vào nhà.
– Theo trai sao mà giờ mới về?
Hoạt trừng mắt, quát lớn. Hồng không trả lời, kéo cái bao sát vào vách nhà.
– Loại đàn bà mê trai như mày, tao còn lạ gì.
Hoạt rít lên. Hồng nhìn chồng, vẻ khinh khỉnh.
– Vừa phải cho người khác sống với. – Hồng cãi lại.
Chẳng nói thêm lời nào, Hoạt lao vào đấm, tát vợ túi bụi. Nếu là ở quê, có thể Hồng đã gào lên: “Bớ làng nước ơi! Cứu tôi với”, nhưng ở đây, giữa những căn nhà trọ lạnh ngắt này, Hồng chỉ lặng thinh. Đấm đá chán, mệt, Hoạt cũng dừng tay. Từ ngày bị tai nạn giao thông, phải cắt bỏ một chân, Hoạt chẳng có nhiều sức mà đánh vợ. Gã bắt đầu đổi tính, cộc cằn, cáu bẳn. Hồng đi đâu, làm gì, Hoạt cũng tưởng tượng đến chuyện ả tằng tịu, gian díu với trai. Cứ cách vài ngày, Hồng lại ăn đòn của chồng nên dần thành quen.
Trong khi vợ lúi húi nấu cơm, Hoạt nằm trên ghế bố, đốt thuốc, miệng lải nhải chuyện về quê bán nhà, lấy tiền vào thành phố mở tiệm phế liệu. Hồng xúc cho chồng một tô, gắp cá, chan canh, bầy nhầy như cái lẩu thập cẩm. Hồng cũng lấy cho mình một tô, mạnh ai nấy ăn. Ăn xong cơm, không nghỉ ngơi, Hồng mặc áo khoác, đội nón, đi nhanh ra cửa. Lúc này, Hồng mới mạnh miệng: “Nhà bố mẹ để lại nhang khói cho các cụ. Không bán được”. Vợ chưa khuất, Hoạt vớ chai rượu tu từng ngụm và tiếp tục chửi rủa.
Những ngày lang thang quanh hang cùng ngõ hẻm lượm ve chai, Hồng thường tưởng tượng ra hàng tá những câu chuyện thú vị, hạnh phúc, sung sướng. Chẳng ai ngờ, một con người mình mẩy, đầu cổ, quần áo lúc nào cững bết bệt mồ hôi chua lòm như Hồng lại có một cái đầu mơ mộng. Mà đôi khi Hồng chọn cuộc sống tưởng tượng để trốn khỏi hiện thực cuộc sống tẻ nhạt, ngột ngạt và khô khan này.
Trước khi mở nắp thùng rác, lần nào Hồng cũng nghĩ trong thùng có bọc tiền do ai đó để quên. Toàn giấy năm trăm nghìn đồng mới cứng, còn được ràng bằng dây thun chắc chắn. Chỉ tưởng tượng thôi, ả đã sướng mê tơi. Rồi ả mơ về một ngôi nhà xinh xắn, phủ nước sơn xanh, bên ngoài lan can, hoa hồng tỉ muội nở đỏ rực. Trong nhà, bàn ghế, giường nệm thơm tho, sạch sẽ, mát mẻ, khác xa cái nhà trọ tồi tàn, ngập ngụa mùi hôi và rác ở bên bờ kênh đen. Hồng sẽ đón hai đứa con nhỏ ở quê vào thành phố, sắm sửa giày dép, cặp sách, quần áo mới cho chúng đến trường. Hồng cũng sẽ may mới cho mình vài bộ quần áo, lên đời chiếc xe tay ga để tối tối chở con dạo phố như người ta. Những lần đi ngang các cửa hàng thức ăn nhanh, bắt gặp cảnh những đứa trẻ sạch sẽ, sang trọng, nhảy nhót tung tăng bên cha mẹ, Hồng lại nhớ hai đứa con ở quê lam lũ với bùn đất, ngày ngày cắt cỏ cho bò, lội bùn mò cua, bắt ốc. Đêm đêm, chúng nằm ôm nhau co quắp, mong tìm chút hơi ấm. Lần nào nghĩ đến con, Hồng cũng khóc.
Có một điều lạ là tuyệt nhiên trong những giấc mơ giữa ban ngày của Hồng, không bao giờ có bóng dáng của gã chồng tàn tật. Có khi ăn đòn của chồng đau quá, Hồng lại trù cho gã chết quách đi để được nhẹ gánh. Nếu không có gã, Hồng chẳng phải khổ thân bươn chải cả ngày lẫn đêm kiếm tiền. Mỗi ngày, gã chỉ lóc cóc đi quanh xóm, nhặt nhạnh vài cái chai lọ. Số tiền kiếm được không đủ cho gã mua rượu uống. Nào rượu, nào thuốc lá, nào mồi… đủ mọi khoản chi bấu víu lấy cái túi tiền con con của Hồng. Nhiều khi Hồng nghĩ nếu không có chồng, một mình ả dư sức đón hai con vào nuôi nấng, lo cho ăn học đến nơi đến chốn, chẳng phải chịu cảnh mẹ con mỗi người một nơi. Đôi lần, Hồng manh nha ý nghĩ ly dị hay âm thầm bỏ đi, mặc kệ gã chồng vũ phu, thô lỗ, cộc cằn chết sống, nhưng nghĩ đến việc khi gặp các con, chúng hỏi: “Bố con đâu?”, Hồng lại xóa ngay ý nghĩ đen tối ấy ra khỏi đầu.
Càng ngày, cuộc sống vợ chồng của Hồng càng nhạt. Đôi khi cả tháng, ả chẳng cho chồng mó vào người. Cả ngày lê lết hàng chục cây số, về đến nhà trọ đã mệt nhoài, Hồng chẳng còn sức mà chiều chồng.
– Mua vé số đi cô.
Con bé hàng xóm gần nhà trọ, dúi xấp vé số vào tay ả.
– Tao không có chơi vé số.
Hồng gạt tay ra. Con bé lại nằn nì.
– Ế quá, mua mở hàng giúp con đi. Chiều nay cô trúng độc đắc cất nhà đó nghen.
Nghe đến trúng số, Hồng tần ngần một lát rồi rút đại một tờ. Ả lần túi, rút ra mười nghìn lẻ, nhàu nhĩ đưa cho con bé. Trong đầu Hồng loáng thoáng hình ảnh ngôi nhà khang trang. Thế nhưng khi cầm tờ vé số trên tay, Hồng lại tiếc mười nghìn đồng. Số tiền
ấy tính ra mua được ba gói mì cho ba bữa sáng. Hồng trèo lên xe, đạp nhanh, định đuổi theo con bé để trả lại tờ vé số. Bỗng
một cơn đau quặn thắt xuất hiện, Hồng ôm bụng, nhăn mặt. Một dòng nước lành lạnh, trườn lặng lẽ từ đùi xuống bắp chân. Ả vén quần lên, mắt giãn hết cỡ, không tin những gì mình thấy. “Trời ơi! Máu… máu ở đâu nhiều vậy?”. Mặt Hồng tái mét, ả ngất đi.
Mở mắt ra, Hồng ngạc nhiên khi thấy mình nằm trong phòng bệnh. Một phụ nữ lạ hoắc, ăn mặc tềnh toàng, ngồi bên cạnh.
– Sao tôi lại ở đây?
Hồng định ngồi dậy nhưng người phụ nữ vội ngăn lại.
– Đừng ngồi dậy, cái thai của em còn yếu lắm.
– Thai gì?
Hồng tròn mắt, kinh ngạc.
– Trời đất! Mang thai gần ba tháng mà còn không biết. Là đứa đầu tiên hả?
Hồng lặng người đi, không thốt được lời nào. Hai đứa con ở quê đang tuổi ăn học, một ông chồng tật nguyền, bấy nhiêu gánh nặng cơm áo gạo tiền đã oằn lên vai Hồng, nay lại thêm đứa này, làm sao kham nổi. Hồng nghĩ tới nghĩ lui, hai tay ôm bụng, lo lắng. Người đàn bạ lạ tưởng Hồng đau, nhấp nhổm ra cửa, định gọi bác sỹ, nhưng Hồng ngăn lại.
– Thai cỡ này còn phá được không chị?
Người phụ nữ nói như quát:
– Phá thai? Em điên à? Chửa hoang hay sao?
Hồng lặng thinh.
– Không có chồng cũng đâu có quan trọng. Con mình thì mình nuôi, mắc gì phải phá.
Người đàn bà nói, trong giọng có chút cay nghiệt với đàn ông. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má Hồng. Hồng mang dép, quệt nước mắt, đi ra hành lang. Ả nhìn quanh, định hỏi y tá phòng nạo phá thai, nhưng sực nhớ đến gã chồng, Hồng dừng lại.
“Dù sao cũng là con hắn, phải về nói cho hắn biết một tiếng, rồi tùy hắn quyết định”.
Hồng vét túi trước, túi sau vẫn thiếu hơn trăm nghìn mới đủ tiền viện phí. Người phụ nữ tốt bụng, bỏ tiền túi ra giúp đỡ. Chẳng kịp nghe lời dặn dò của bác sỹ, Hồng tất tả đạp xe về nhà. Trong đầu ả sắp xếp từng câu, từng chữ để giải thích cho chồng hiểu chuyện ả có thai. Lại nghĩ đến cái tiính hay ghen của chồng, Hồng cũng thoáng sợ. Chẳng biết gã có nghi ngờ Hồng ăn ở với người khác không? Có khi nào gã nổi cơn tam bành, lại dần cho vợ một trận? Hồng rối bời, hỗn loạn lo lắng lẫn sợ hãi.
Cửa phòng trọ khép hờ. Hồng đẩy vào. Hoạt nằm còng queo dưới đất, tay cầm chặt chai rượu.
– Anh Hoạt ơi! Anh Hoạt.
Hồng vừa gọi, vừa rón rén đi về phía chồng. Ả sợ gọi bất ngờ, làm chồng giật mình lại quăng cái chai vào người.
– Dậy đi. Ai lại ngủ dưới đất.
Hồng lay vai chồng. Người gã lạnh ngắt. “Anh Hoạt! Anh Hoạt ơi! Anh sao vậy?”. Hồng thét lên khi thếy mép chồng sùi bọt trắng, hai mắt khép chặt, người lạnh toát. Hồng lao ra cửa, gào thật to. “Bớ làng nước ơi! Cứu chồng em!”. Đáp lại tiếng thét của Hồng là dãy nhà trợ lặng như tờ. Ban ngày, tất cả công nhân đều đi làm, cả dãy trọ cửa đóng then cài. Hồng lao vào nhà, xốc nách chồng lên, kéo ra cửa.
Hoạt được đưa vào bệnh viện, nhưng bác sỹ báo chồng cô chết trước khi nhập viện. Xe chở xác Hoạt về nhà trọ để Hồng thu xếp đồ đạc đưa về quê. Cả khu trọ bu đen đặc. Con bé hàng xóm chạy sang phòng Hồng, gọi lớn.
– Cô Hồng, cô trúng số độc đắc rồi.
Hồng thảng thốt, đứng sững một lúc mới tìm được tờ vé số lận trong túi quần. Hồng nhiìn xác chồng tím tái rồi òa khóc: “Khốn nạn thân anh! Uống cho lắm vào…”. Cứ vậy, ả mắng chồng sa sả.
Cuộc sống như mơ mà bấy lâu Hồng tưởng tượng đã thành hiện thực. Một ngôi nhà nhỏ giữa thành phố, các con xúng xính sách vở đến trường, nhưng không hiểu sao khi mọi thứ đều toại nguyện, Hồng lại xót xa. Ả đưa tay ôm bụng mình, một sinh linh bé bỏng đã tượng hình.
Truyện ngắn của N. T. Nga − Theo Tiếp Thị Gia Đình