Truyện ngắn: Con đã lớn

Hạnh phúc lớn nhất của những đấng sinh thành chính là sự lớn lên từng ngày của các con cả trong hành động lẫn nhận thức... − Truyện ngắn của Quế Hoa

Chuông điện thoại reng dồn dập: “Chị Sáu ơi, thằng Hoàng nhà chị đi học về chưa? Sao thằng Quân giờ này chưa thấy về? Mà sao hôm nay tui lo trong bụng quá”.

Tôi chỉ kịp trả lời: “Chưa chị”, má thằng Quân cúp điện thoại cái rụp.

Vừa lúc đó, thằng Hoàng con tôi về tới. Năm nay nó lớn rồi, học lớp bảy, nhổ giò chân cao kều nên vợ chồng tôi mua cho nó chiếc xe đạp để nó tự đi học một mình. Trường thì gần nhà mà ngày nào tôi cũng đưa đón ba anh em nó, rồi chợ búa cơm nước, bao nhiêu việc nhà không tên khác, tôi cũng hơi đuối.

– Con có về chung với thằng Quân con cô Mai không con?

– Dạ không má.

Bộ dạng nó mệt mỏi, lật đật, lính quýnh. Không kịp rửa mặt rửa tay, nó nuốt vội vài miếng cơm, quơ cái khăn mặt và chai nước, thưa tôi đi tập bóng chuyền với bạn vì sắp thi đấu, rồi chạy mất.

Chẳng kịp hỏi con được hai câu, linh tính người mẹ mách tôi có chuyện chẳng lành, tôi vội đi theo. Tôi thấy bóng thằng nhỏ lủi vô bãi xe bệnh viện, lật đật dựng xe vào bãi. Lúc này hồn vía tôi bay đâu mất, chỉ biết mỗi chuyện chạy theo nó. Nó làm sao tôi làm vậy.

Chân tay tôi rã rời, bủn rủn, tôi chết sững vì trước mắt mình, thằng Quân con chị Mai hàng xóm mặt mũi máu me bê bết, mắt nhắm nghiền, thân bất động. Thằng Hoàng vừa lay khẽ vừa lau vết máu trên mặt thằng Quân, góc ngoài cửa cấp cứu thì ba bốn đứa mắt thất thần, quần áo xốc xếch.

Sau vài phút trấn tĩnh, tôi hỏi bác sỹ thì mới hay các cháu va quẹt xe với nhau vì đua và lạng lách, cùng chúng bạn thi thố tài năng mà. Đâu phải chỉ mình thằng Quân, thêm một học sinh chân đang cặp hai thanh gỗ kìa.

– Quân à, tỉnh lại con. Dì Sáu nè, mở mắt ra đi con.

Tui vừa thấm nước vô đôi môi khô queo vừa lay thằng nhỏ. Nghe kêu, nó ráng cựa quậy mà trả lời, tôi thở phào nhẹ nhõm vì biết nó không bị hôn mê.

– Thằng Bảo có sao không dì Sáu? Nó nằm ở đâu? Thằng Quân ráng nhướng mắt hỏi.

– Nó nằm kế bên con nè, chắc bị gãy chân. Bây giờ con thấy trong mình làm sao, Quân? Con đau chỗ nào?

Hỏi thì hỏi vậy, chứ tôi biết nó đau cả người. Mà sự thể xảy ra như vậy, trẻ con trí nó nông cạn, nhận thức kém, có suy nghĩ được sâu xa đâu, thấy máu dầm dề là cứ tưởng sắp chết đến nơi rồi, thêm cái sợ nữa. Bao nhiêu đó cũng đủ làm nó đau đớn toàn thân. Kể cả tôi, đến bây giờ vẫn chưa thật tỉnh táo ấy mà. Còn má thằng Bảo nãy giờ cũng khóc bù lu bù loa vì thằng Bảo là con một, quý tử của bên nội.

Bà ta cứ luôn miệng:

– Nó mà có mệnh hệ gì chắc tôi chết quá chị ơi. Tất cả kỳ vọng bên gia đình chồng tôi đều đặt vào nó cả. – Bà vừa nấc vừa nói trong giọng Bắc đặc sệt.

– Ủa mà sao chị biết con chị bị tai nạn mà chị vô với nó liền vậy? – Tôi hỏi.

– Cũng nhờ ông hai xe ôm đậu trước cổng trường, chồng của bà hai bán cá đấy, ngày nào ông ấy chẳng đưa rước mấy đứa. Ổng đến cho tôi hay rồi đèo tôi vào đây. Ổng nói: “Mấy đứa nhỏ lì hết biết, xe đạp hai bánh mà tụi nó chạy có một bánh hà. Tôi la tụi nó, tụi nó đâu có nghe, tôi phải để mắt tới tụi nó. Y như rằng, vài phút sau hai thằng mất thăng bằng té nhào, mà đang trớn xe chạy nên tụi nó bị trợt trên mặt đường một đoạn. Mà sao lúc đó tôi bình tĩnh ghê, tôi gởi xe tụi nó cho bà bán nước, chở hai đứa nhỏ chạy thẳng cấp cứu. Mấy đứa bạn nó líu ríu chạy theo. Rồi tôi lại vòng về đem xe tụi nó gởi cho bà nhà tôi ngoài chợ cho chắc ăn, chứ bà bán nước bận rộn quên xem chừng, mất xe thì tội mấy đứa nhỏ”.

Má thằng Bảo kể rành mạch: “Tôi gửi tiền xe ôm mà ông hai không nhận. Ổng nói để lo cho thằng nhỏ đi”.

Nói đến đây, má thằng Bảo lại rơm rớm nước mắt, trong lòng bà và tôi vô cùng cảm kích nghĩa cử cao quý của ông hai, người chẳng cần hậu tạ, mưu cầu vật chất hay lợi dụng. Ở cái xã hội bon chen, xô bồ này, liệu có mấy ai còn giữ được tình người ấy.

hoavan_truyen

Bác sỹ đến. Sau một loạt xét nghiệm, chụp X-quang, bác sỹ cho hay xương đầu thằng Quân chẳng sao, nhưng phải may 8, 9 mũi
vì vết thương do dị vật cắt dài quá, mặt thì xây xát tan tành, sưng húp vì cà xuống đường. Còn thằng Bảo bị gãy xương, băng bột vài tháng sẽ lành.

Kết quả bác sỹ vừa báo như một món quà vô giá tôi vừa nhận được. Không còn gì nguy hiểm cả, rồi qua ngày tháng, vết thương thân thể cũng lành lại thôi và nhất là không phải đối mặt với thương tật, dằn vặt, hối tiếc vì nỗi mất con.

Tôi đã quên tự lúc nào các cháu không phải con mình. Giờ đây, mặc dù các cháu là bạn của con tôi, là người dưng nước lã, tình thương vẫn dẫn lối tôi, vẫn khơi dậy để tôi có thể tận tâm, chăm lo hết lòng, bất kể tôi rất sợ máu, sợ phòng cấp cứu của bệnh viện.

Mà trong cái rủi cũng còn cái may, mấy đứa nhỏ bị tai nạn nhưng chắc phước lớn lắm nên chúng nó cũng không sao, đều qua khỏi hết.

Trí óc tôi lúc này mới quay trở về với chính mình. Ái chà, tôi chợt nhận ra mình chưa cho má thằng Quân hay. Chắc má nó ở nhà lo đứng lo ngồi rồi. Tôi lật đật định gọi điện thoại về cho chị Mai biết tin thì mới hay mình không mang theo chi cả, bởi hồi trưa này
phóng xe theo thằng Hoàng quên hết mọi thứ. Dặn dò mấy đứa nhỏ thăm chừng bạn, tôi đạp xe về nhà chị Mai mà lòng miên man suy nghĩ không biết mình nên kể từ đâu? Từ đầu hay chỉ là kết quả nhẹ nhõm vì má thằng Quân loãng xương nặng lắm, thuốc huyết áp thì uống ngày hai cữ chưa bao giờ quên, nghe xong chị ấy lên huyết áp ngất xỉu, rồi tôi lại phải đem đi bệnh viện cấp cứu thêm một người nữa à.

20141226_truyenngan_condalon_1_4914

Đứa trẻ nào chẳng nông nổi, nghịch ngợm. Tấm lòng cha mẹ nào chẳng bao dung, thế nên, dù bất cứ điều gì xảy ra, mẹ cũng mở rộng vòng tay

Dòng tư tưởng đưa đôi chân tôi đạp xe về đến xóm.

– Chị Mai ơi, có nhà không chị? Hồi nãy tui theo dõi thằng Hoàng nhà tui nên gặp hết mấy đứa nó rồi, có thằng Quân con chị nữa. Trời ơi mấy đứa này ham chơi quá chị ơi!

– Vậy hả chị, cái thằng này về chắc tui cho ăn roi mây quá vì cái tội ham chơi, đi học không về mà đi chơi luôn, để ở nhà tui lo lên cả ruột gan.

– Ờ thì cũng đáng lo, mà giờ yên rồi. Mấy đứa ở tuổi này cái trí thì bé tẹo teo, cái thân thì gần lớn như thanh niên nên tụi nó tưởng mình lớn, đua xe đạp với nhau, va quẹt té, vô bệnh viện. Cũng may xe đạp chứ xe gắn máy chắc giờ này tui với chị ôm nhau khóc rồi.

– Ủa mà đứa nào? Mà bị sao vậy chị Sáu?

– Thì thằng Quân con chị, bị may cái đầu hết mấy mũi, thằng Bảo bạn tụi nó bị băng bột cái chân. Tui ở trong bệnh viện từ trưa tới giờ nè. Lo cho tụi nó yên ổn mà quên béng báo cho chị hay. Thiệt là xin lỗi chị nghe. Làm mẹ nào cũng vậy hết, thấy con mình và đám bạn bị gì thì mình cũng rối tung theo. Thôi chị thay quần áo, đem ít sữa vô cho nó uống, mua vài ổ bánh mì cho mấy đứa kia vì tụi nó đói meo cả.

Sắc diện má thằng Quân hết giật mình đến tái xanh không thua gì tôi lúc trưa, nhưng cũng không đến nỗi hốt hoảng vì biết mọi chuyện nguy hiểm cũng đã qua. Hai chị em hấp ta hấp tấp quay trở vô bệnh viện.

hoavan_truyen

Hai bà mẹ đến nơi thì thằng Bảo đã được đưa lên khoa Chấn thương chỉnh hình để băng bột, thằng Quân vết thương trên đầu cũng đã may xong, băng bó kín mít và được đưa ra phòng ngoài, chỉ còn lại đám bạn bu quanh.

– Thấy chưa Quân, mày thấy chưa, tao đã nói thi chạy một bánh một vòng thôi, mày chạy đến hai ba vòng, quẹo cua gắt, té là phải.

Mấy đứa nhỏ xúm lại trách thằng Quân.

– Thôi, từ nay nửa vòng tao cũng không đua nữa. – Thằng Quân thều thào. – Tao vừa đau vừa không có má kế bên, tao tủi thân quá! Cũng may có dì Sáu, chứ không nhìn thấy thằng Bảo có má nó lo cho nó, tao muốn chết cho rồi. Tao hối hận quá vì tao đã làm khổ má tao. Chỉ vài phút vui chơi, nông nổi, háo thắng với chúng bạn mà hậu quả khôn lường. Tất cả lỗi do tao, à mà do tất cả tụi mình chứ không riêng mình tao đâu. Nãy giờ tao đã tự hứa với lòng sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì để má tao khổ, má tao khóc. Mình là thân trai, lớn rồi, chưa đỡ đần được gì cho gia đình mà nếu một trong những đứa tụi mình bị tàn phế hay mất đi thì sao? Thật là tao không dám nghĩ đến. – Nước mắt thằng Quân cứ thế lăn dài.

Giọt nước mắt hối hận của thằng Quân đã lây sang từng đứa. Cả đám chẳng đứa nào nói được câu gì.

Đứng sau cánh cửa tự bao giờ, tôi và chị Mai đôi mắt nhạt nhòa, dòng lệ cứ thế mà tuôn, tràn đầy niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì con mình tai qua nạn khỏi, hạnh phúc vì con đã thật sự lớn, đã nhận thức chín chắn.

– Quân ơi, má vô rồi nè!

Vừa nghe câu nói của má, thấy bóng má ở cửa, thằng Quân cố nén mà có được đâu, nó bật khóc nức nở:

– Má tha lỗi cho con nha má. Nhìn cảnh má thằng Quân ôm chầm lấy đứa con trai, tôi cũng nghẹn ngào.

Truyện ngắn của Quế Hoa − Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua