Dưới chân là mùi lá

Mùi lá khô vàng rộn dưới chân cùng ánh mắt của Thấm đưa anh về với những kỷ niệm run rẩy, vừa thanh khiết vừa vồ vập của cô gái hướng dẫn du lịch hiểu rừng như hiểu chính mình - Truyện ngắn của Hoàng Việt Hằng

Vào mùa mưa vừa ngớt hạt, bắt đầu chạm đến mùa khô, rừng Trường Sơn lá vàng rụng như thảm dát hoa. Bác sỹ Đăng đi tour du lịch cuối, vừa rời đường 9 rồi đi khám cho mấy xã vùng xa tỉnh Quảng Trị. Chuyến đi suôn sẻ nhưng lòng anh trĩu nặng bởi màu hoa cúc vạn thọ ở những miệt vườn gần thánh địa La Vang.

Anh bắt gặp một ánh mắt vừa cúi xuống quét lá, ánh mắt thật giống người quen cũ của anh, đôi mắt gần như là một bản sao hoàn hảo. Ánh nhìn khiến anh chùn chân. Anh gọi cô bé lại và ngồi ở phía sau nhà nguyện trò chuyện:

–    Con cho chú hỏi thăm đường về chợ Do đi lối nào gần?

Cô bé chỉ tay và nói rất nhỏ: – Chú đi về phía ni, rẽ sang trái, kẹo sang phải là tới. Chú tìm chi ở chợ Do hỉ?

–    Chú tìm một người bạn cũ, lâu quá rồi, chú đi lạc đường và trở lại La Vang cầu Chúa xem người có cho chú gặp lại chăng.

Bác sỹ Đăng lại nhìn ánh mắt cô bé mà trong lòng bồi hồi. Cô bé tên là Thấm. Bác sỹ Đăng giật mình.

– Thấm chứ không phải Thắm đâu chú. Mẹ con đặt tên cho, nghe nói đó là kỷ niệm khó phai của bà với một chú bộ đội người Bắc vô đây khám nghĩa vụ sau năm tám lăm.

–    Mẹ con làm gì?

–    Làm hướng dẫn viên du lịch. Mẹ con từng đưa nhiều người đi thăm hết các vùng du lịch sinh thái Rú Lịnh, đi coi rừng và coi khỉ trong sách đỏ quý hiếm nước ta. Nghe nói cha của con cũng mê rừng, mẹ con thì thuộc rừng nên hai người còn có cả chuỗi kỷ niệm. Số là con đọc nhật ký chuyến đi của mẹ, mẹ con hay ghi vào cuốn sổ học trò, một trăm trang chưa ghi hết chuyện đẹp như giấc mơ hoa. Hồi đó, mẹ con còn  đi hái cả hạt tiêu tươi gửi cho chú ấy ăn dần cả mùa đông Hà Nội. Mẹ con còn có một bí mật nữa.

Bác sỹ Đăng hỏi lại:

–    Bí mật gì mà con lại biết thế?

–    Hồi trước mùa biển lặng, mẹ nói, mẹ con đã xin một chú bộ đội, một bác sỹ quân y gì đó. Mẹ nói, chỉ xin chú một đứa con, chứ mẹ không yêu cầu chi hết. Mẹ con không hỏi địa chỉ ổng sống ở đâu, nơi nào ở Hà Nội, mà tự nguyện hiến dâng làm đàn bà, làm mẹ thôi. Bây giờ, người ta còn gọi là phụ nữ nuôi con đơn thân đó chú ạ. Con sống với bà ngoại và xin một chân quét lá ở thánh địa La Vang. Con cũng giống mẹ và không muốn giống mẹ. Con muốn ở vậy với bà ngoại và quét lá nơi cửa Chúa.

Con đã khóc nhiều và con cầu nguyện Chúa hết cả tuổi thanh xuân rồi mà chưa được hạnh phúc. Ba mươi tuổi ở xứ này là quá già. “Bà cụ ba mươi tuổi mà nom trẻ quá ha?”. Đăng chạnh lòng cười gượng.

–    Nhà của con có gần cây hương ở bến cá không?

–    Gần đó chú ạ, cách vài khóm hoa vạn thọ là tới.

Đang mặc chiếc áo sơ-mi chất vải cotton 100% mà mồ hôi túa ra ướt đẫm. Anh đưa tiền nhờ cô gái đi mua nước khoáng dâng lên Đức Mẹ đồng trinh, anh cầu nguyện lầm rầm. Chẳng lẽ đó là giọt máu của mình bỏ rơi ở rừng Rú Lịnh năm nào trong chuyến đi du lịch dã ngoại ở gần Cửa Việt. Đăng không quên cô gái vùng quê ven biển có dáng đi nhanh như sóc trong rừng. Người đã thuộc bao tên cây thuốc và nướng cá rất ngon ở cái vũng biển cách chợ Do không bao xa. Hai người còn ăn cả cháo cá ám và uống rượu sâu đất. Cái giọng như ru của nàng cầu xin, van vỉ anh cho nàng làm đàn bà và cho nàng xin anh một đứa con. “Chiến tranh đã lùi xa rồi, con trai làng biển vãn cả sau cuộc chiến bảy mươi hai ngày. Tờ lịch bằng đồng trên thành cổ, người ta đặt tay lên rờ rẫm còn nhẵn cả mặt đồng. Còn em chưa có bàn tay đàn ông đặt lên người em mô. Khi anh ôm lưng em trong rừng, em thấy cây lá thẫm lại. Người em như bị thấm nước. Anh cho em ôm anh được không?”. Cô gái chẳng biết gì, hôn còn run bần bật, khiến anh rất hiểu tâm lý, hiểu trạng thái của sự trắng trong, hiểu run rẩy của cô gái miệt biển mồ côi đàn ông ở cái xứ nửa rừng nửa biển này.

(Bạn có thể đọc tiếp hay thưởng thức audio truyện ngắn này tại đây)

 

Anh gần như thức trắng trong cái đêm đi rừng về, rồi cô gái còn rủ anh đi câu mực, câu cua. Hai đứa ăn cua nướng rồi lăn ra ngủ ở thuyền thúng. Rồi làm tình ở miệt cát đầy nhạc giao hưởng của sóng. Cô gái cứ ôm riết anh, hôn anh như chưa bao giờ được hôn, rồi cảm ơn anh những lời chan vào sóng và nước mắt. Anh thấy ngực áo mình thấm đẫm nước mắt và lời thầm thì. “Em biết ơn anh, biết ơn anh”. Có lời giống như dao nứa cứa vào tim anh. Anh đã có vợ, có con trai, nhưng cảm giác thăng hoa ở rừng Rú Lịnh, cảm giác mềm mại của da thịt đàn bà làm anh run rẩy. Nghề y làm cho anh trơ dần cảm xúc, nhiều khi gặp những trường hợp cau có, bệnh nhân còn quát tháo cả bác sỹ khi anh không mặc áo bờ-lu. Anh chỉ khám cho xong bổn phận trách nhiệm của ca trực. Những nụ cười như mếu và mùi nữa. Mùi của những chiếc áo lâu ngày không thay. Mùi của da thịt hôi hôi và chua làm anh muốn nôn ọe. Cảm xúc ấy cứ chết dần đi từng ngày vì mùi. Mùi người.

Thế mà đi rừng nghe chim hót, mắt chạm vào thảm hoa dại, mắt chạm vào cô gái mắt hơi hiếng đen thăm thẳm nhìn như dán vào ngực anh. Cái mùi vị thanh khiết của cô gái với dáng đi nhanh như sóc, lúc chèo thuyền thúng trên biển thì bản lĩnh vững vàng. Cô bắt anh mặc áo phao, còn cô thì không: “Vì em bơi được. Bơi đủ để thở trên bờ”.

Lại cười và ánh mắt mơ màng.

Không hẹn ngày gặp, không xin anh địa chỉ làm phiền gia đình anh, cô chỉ nói:

– Em đã cầu nguyện và Chúa đã ban tặng cho em gặp anh, thế là phần thưởng vô giá với em rồi. Anh ra Bắc, khi qua đây tìm em ở chợ Do. Em bán hàng lưu niệm cho khách du lịch anh hỉ. Anh cầm theo con ốc gió và chuỗi hạt tiêu tươi xanh, em xâu cho anh mang ra ngoài đó, mùa đông ăn hạt tiêu cho ấm dạ.

Những đối thoại, những đợt sóng xô vào ký ức. Cả một cánh rừng Rú Lịnh như có ai vừa xách súng săn gọi tên anh.

Rồi cô gái mắt hiêng hiếng mơ màng hỏi:

–    Chú có định ra chợ Do không? Các quán bán hàng sản phẩm du lịch dẹp rồi chú ạ. Khi mẹ cháu mất vì bệnh lao, cháu mới ba tuổi. Cháu lớn lên bên ngoại, rồi vào đây quét lá cầu nguyện cho linh hồn mẹ cháu siêu thoát.

Không rõ ở kiếp sau có linh hồn không, có sự huyền diệu của gặp gỡ này là do Chúa sắp đặt hay do số phận run rủi. Đăng từng tham chiến ở Ăng-ko. Khi đi đến đền Ăng-ko Thom, anh dừng lại bên bàn chân Phật. Anh đã xin: Người cho con  gặp lại người hướng dẫn du lịch rừng Rú Lịnh năm nào.

Nhưng dưới bàn chân Phật, anh không sao cúi xuống vì ngày đó anh bị chấn thương cột sống. Giờ thì anh đã khỏi bệnh cột sống, nhưng anh hoang mang khi ngồi bên Chúa và anh nguyện cầu. Con không theo chân Chúa, nhưng xin người cho con gặp lại người đàn bà một đêm của con trên biển. Khi chính con phát hiện mình cũng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Con chờ ngày ra đi, cũng không bao xa nữa. So với đồng đội thì con may mắn hơn, dư dả thời gian hơn, con còn có cả một gia đình với vợ đẹp, con khôn. Nhưng mà Chúa ơi, con không cảm thấy ấm áp như những ngày đi rừng với người đàn bà ở Gio Linh, bến cát này. Con cũng đã hỏi Phật, xin Phật nhiều lần để nhờ may rủi cho con gặp lại ký ức bỏ quên. Hồ dễ giọt máu của con lại quét lá nơi cửa Chúa vậy sao?

Con không xin Chúa điều gì cho mình. Chỉ xin cho con gái, nếu giọt máu con bỏ rơi trên biển cát năm nào thì mong sao con bé sẽ may mắn hơn mẹ nó. Những giây phút tình cờ huyền diệu này, bác sỹ Đăng chậm chạp đứng dậy, anh nghĩ phải đến chợ Do lần nữa, tìm chỗ bán những sản phẩm du lịch lưu niệm. Cô ấy tên Thấm, sao cô bé con này cũng trùng tên với Thấm nhỉ. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay do run rủi của số phận để anh nhìn thấy ký ức không biến mất mà luôn hiện hữu ở quanh đây.

Đến một ngày anh không thể chia sẻ với ai, anh đã đi tìm bàn chân Phật hỏi Phật rằng con có hạnh phúc hay không thưa  ngài? Nhưng cả Phật, cả Chúa và người đàn bà một đêm của anh đều yên lặng không đáp.

Chuyến đi về cuối chặng, bác sỹ Đăng thấy ngày mai đã cuối thu, thảm lá ở thánh địa La Vang cứ dềnh lên một nỗi vàng như hắt lên thương nhớ trôi trong ký ức xa ngái, đầy mùi lá. Còn cô gái thì mải miết vun đống lá vàng lại, chờ tối đến đốt lên, để cô lại về bên bà ngoại với đầy hương lá khô, chốn nương náu tinh thần bên ngoài cửa Chúa.

Truyện ngắn của tác giả Hoàng Việt Hằng – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua