Vì sao nên kiêng cữ ăn Tết khi mang thai?

Tết sắp đến nhưng bạn lại đang có thai. Bạn có nên kiêng đi chúc Tết, kiêng đón giao thừa hay trẩy hội xuân? Về mặt khoa học, bạn thật sự nên kiêng vì nhiều lý do

Chị Thanh Hoài, Hà Nội, buồn bã kể với Tiếp Thị Gia Đình: “Tôi có thai ba tháng, mẹ bảo Tết này tôi phải kiêng đi chúc Tết, trẩy hội xuân. Vậy ngày Tết còn ý nghĩa gì?”. Tục lệ kiêng cữ ăn Tết khi mang thai có vẻ xư cũ, khiến nhiều người không tin nên không làm theo. Thế nhưng, chúng vẫn đúng theo góc nhìn của khoa học.

Kiêng đi chúc tết

Tại nhiều vùng ở Việt Nam, người ta kiêng bà bầu đi chúc Tết. Điều này xuất phát từ quan niệm “sinh dữ, tử lành”, một cái sinh ra thì phải có một cái mất đi. Theo đó, nhà có người được sinh ra là may mắn, còn nhà có người được bà bầu đến chơi thì sẽ mất đi người thân, của cải hay công danh.

Thực tế, điều này không có căn cứ khoa học. Thế nhưng, bà bầu nên kiêng đi chúc Tết vì họ thường nặng nề nên rất mệt, trong khi việc đi chúc Tết nhiều, đi xa không thích hợp với bà bầu, đặc biệt là người sắp đến ngày sinh nở.

Kiêng dậy muộn vào sáng mùng một

Người ta cho rằng mùng Một là ngày phản ánh hình ảnh của cả năm. Do đó, dù là ai kể cả bà bầu cũng nên dậy sớm để cả năm làm ăn sáng sủa, mọi thứ suôn sẻ. Song tục lệ kiêng cữ ăn Tết khi mang thai này không có cơ sở khoa học. Bà bầu có thể dậy muộn vì ngủ đủ sẽ có lợi cho sự phát triển của thai nhi.

Kiêng đón giao thừa

Một vài nơi, bà bầu thường phải kiêng đón giao thừa vì nhiều người quan niệm rằng đây là lúc giao hòa giữa trời và đất. Lúc này, thế giới âm và thế giới dương mở cửa và hòa trộn với nhau. Nếu đón giao thừa, bà bầu dễ sẩy thai và khi sinh ra, em bé sẽ có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Dù vậy, quan niệm này không có ai kiểm chứng. Việc trời đất giao hòa vào đêm giao thừa chỉ là quan niệm của người phương Đông. Mỗi nơi trên thế giới đón Tết vào một thời khắc khác nhau. Do đó, không thể có chuyện chỗ này trời đất giao hòa và chỗ kia lại chưa giao hòa trong cùng một thời khắc. Mặt khác, chưa có bằng chứng nào khẳng định thai sẽ có chuyện khi mẹ đón giao thừa.

Tuy nhiên, xét về mặt sức khỏe cho mẹ và con, thai phụ không nên thức khuya đón giao thừa. Thai phụ thức đến 12 giờ đêm là quá thời gian ngủ bình thường nên sẽ có hại cho thai nhi. Hơn nữa, thời tiết giao thừa thường lạnh, việc mặc áo ấm chỉ có tác dụng giữ nhiệt bên ngoài. Cơ thể bạn bên trong vẫn nhạy cảm với lạnh. Khi lạnh, mạch máu sẽ co lại và không cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi.

Không thức đêm đón giao thừa, bạn vẫn có thể xem cảnh bắn pháo hoa qua TV

Kiêng nấu ăn

Một số gia đình còn có tục lệ kiêng không cho bà bầu nấu mâm cơm cúng giao thừa. Lý do là họ tin rằng bà bầu tượng trưng cho sự không sạch sẽ nên sẽ làm ô uế mâm cơm cúng ông bà tổ tiên.

Trên thực tế, quan niệm này vừa đúng vừa không. Không đúng ở chỗ, bà bầu không có lý do gì có thể làm ô uế mâm cơm cúng ngày Tết. Đúng ở chỗ, bà bầu không nên nấu nướng vào dịp Tết.

Sở dĩ bà bầu nên hạn chế nấu mâm cơm là vì sự xung đột trong cảm giác thai nghén. Trong thai kỳ, bà bầu thường quá nhạy cảm với hiện tượng buồn nôn và nôn. Thức ăn càng nặng mùi càng dễ gây kích thích khiến thai phụ dễ nôn hơn và sau đó có thể sẽ không ăn được thức ăn gì. Điều này dẫn đến việc thai phụ thiếu hụt dinh dưỡng trong những ngày Tết. Vì vậy, thai phụ không nên nấu nướng. Nếu muốn giúp người thân trong việc chuẩn bị mâm cơm, bạn chỉ nên thực hiện các việc đơn giản như nhặt rau, nấu cơm hay thái nhỏ các loại củ quả.

Kiêng trẩy hội xuân

Hội xuân thường tập trung ở đình làng, chùa chiền, miếu. Theo quan niệm dân gian, đây là những nơi có nhiều vị thần, quỷ sứ. Thai nhi là sinh linh yếu ớt, nếu gặp quỷ sứ thì dữ hơn lành. Do vậy, thai phụ không nên tham gia hội xuân.

Xét về mặt khoa học, bà bầu cần hạn chế đi trẩy hội xuân. Lý do, đây là nơi tập trung đông người, dễ sinh va chạm, có thể làm chấn thương thai nhi gây sinh non, sẩy thai. Do đó, bạn chỉ nên ở nhà đón hội xuân qua màn hình ti-vi để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.

Lễ hội chùa, làng thường đông người, nếu ham đi chơi có thể gây chấn thương thai nhi.

Cách chuẩn bị Tết hoàn hảo cho thai phụ

Có quá nhiều tục lệ về kiêng cữ ăn Tết khi mang thai khiến cái Tết của bạn có thể kém vui. Bạn có thể tự chuẩn bị một cái Tết hoàn hảo như sau: Thay vì chúc Tết, bạn gửi tin nhắn chúc mừng, lên kế hoạch với chồng xây dựng một đoạn video đầu năm về ước mong con mình sắp chào đời. Thay vì trẩy hội, hãy hẹn bạn bè gặp mặt tại nhà mình vào ngày xuân. Điều này sẽ giúp bạn ăn Tết vui và đầy ý nghĩa.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua