Đôi khi, tình yêu khiến máu trong tim ta đen lại. Mùa hạ đến, loài cúc mặt trời trên những ngọn đồi xóm Vân Dương bắt đầu bung nở. Những ngọn đồi trước cửa nhà ông bà toàn sỏi đá, chỉ có cúc mặt trời sinh sôi. Mùa hoa nở, mở cửa ra chỉ thấy một màu hoa vàng bát ngát.
Mỗi năm, cứ hoa cúc trổ bông, bà lại ngâm gạo nếp, xay bột rồi sai Đông lấy lá chuối rừng về gói bánh uôi, bánh này còn được người ta ưu ái gọi bằng một cái tên khác hết sức trữ tình: bánh tình nhân. Người Vân Dương chỉ gói bánh tình nhân vào dịp Tết, bà lại không thế. Bà gói bánh vào mùa hoa cúc trổ vàng các ngọn đồi. Bánh tình nhân bà treo lủng lẳng trước cửa sổ. Tháng tư, trời nóng, bánh chóng thiu. Để khỏi lãng phí, bà ép Đông ăn thay cơm. Đông không phải con cháu của ông bà. Chàng sống ở ngôi nhà sàn dưới chân đồi.
Đông rất thân với ông. Chàng là giáo viên tiểu học. Ở xóm Vân Dương, chàng không thân với ai ngoài ông. Ngay từ khi còn thiếu niên, lúc bố mế mất, Đông hẳn nhiên coi ông bà như hai đấng sinh thành. Ông bà có hai người con, tất cả đều đã xuống miền xuôi học đòi làm người thành phố.
Quý, người con gái mà Đông định cưới, cũng thích về xuôi làm người thành phố.
Bữa hôm Quý và Đông đến chơi, ngồi bên ô cửa sổ nhà sàn, đôi mắt Quý chỉ dõi về phía đầu xóm, nơi có ngôi nhà sàn rất to, tất cả các cánh cửa đều lắp kính sáng choang, bất cứ lúc nào, miễn là có nắng, ngôi nhà với những cánh cửa kính ấy đều tỏa sáng lấp lóa, hệt như một viên thủy tinh dưới tia nắng mặt trời. Thằng Vĩnh, chủ nhà đó có cái xe tay ga rất oách. Mặc dù đường lên Vân Dương toàn dốc và khúc quanh, cái xe như đứa tiểu thư õng ẹo phun bụi mù mịt trên con đường đất đỏ chưa được đổ bê tông nhưng Vĩnh vẫn rất tự hào. Vĩnh còn tuyên bố rằng con gái khắp xứ Mường Thàng, nó muốn ai là được người đó.
Nhìn theo ánh mắt Quý, ông linh cảm ngay một sự chẳng lành.
Cơn mưa đầu mùa dứt. Con suối cạnh ngôi nhà sàn của Đông đã róc rách nước. Mấy hôm rồi không thấy Đông lên nhà rủ đi rừng, ông đâm lo.
Như bị ma đánh, Đông nằm rũ giữa nhà. Ông lại gần, chàng cũng không buồn nhúc nhích. Chàng nhìn chăm chăm lên trần nhà. Ông ngạc nhiên cũng nhìn lên trần nhà. Trần nhà chẳng có gì đặc biệt ngoài một con thạch sùng tò mò cũng đang chăm chú nhìn Đông.
– Mày làm sao thế Đông? Ốm à?
Đông không trả lời. Ông lại chỗ bếp nguội, nhóm lửa, rồi châm thuốc lào hút. Lúc lâu Đông uể oải ngồi dậy.
– Quý bỏ cháu rồi bác ạ.
Ông phà khói thuốc lào, nhìn Đông qua làn khói xám.
– Nó theo thằng Vĩnh chứ gì? Không có nó thì cưới đứa khác. Có thế mà mày cũng khổ à?
Đông sụt sùi:
– Khổ chứ. Cháu thích nó. Bác có thích nó đâu mà bác biết.
Ông ngần này tuổi rồi, tóc đã trắng đầu, bước chân chậm lại và trái tim đã thôi hồi hộp từ lâu. Nhưng thế đâu có nghĩa là ông không hiểu. Ai chẳng có một thời trai trẻ, ai chẳng có một người yêu cũ.
Bà cũng có một người yêu cũ.
Ông dừng lại bên gốc mận lưng chừng dốc. Ngôi nhà của ông bà nằm giữa lưng đồi. Từ gốc mận nhìn lên nhà sàn, ông thấy bà đang ngồi bên bậu cửa chẻ lạt. Những chùm bánh tình nhân treo lủng lẳng bên chiếc cột gỗ cạnh chỗ ngồi. Thứ bánh này cứ hai chiếc là một cặp. Người ta ăn bánh tình nhân để mưu cầu hạnh phúc lứa đôi. Người ta cũng làm bánh tình nhân vào dịp Tết, chỉ có bà làm bánh tình nhân vào mùa cúc mặt trời bung nở.
Ngày bà về với ông cũng là mùa hoa cúc trổ vàng.
Ông bước chân lên bậc đá đầu sân, bà không hề tỏ ra chào đón. Bà dường như không nhìn thấy ông, không biết ông đang đứng nhìn bà. Bà còn đang mải nghĩ đâu đó. Có lẽ bà đang nghĩ đến phiên chợ cuối tuần. Bà chẻ lạt đan lồng mây tre đem xuống chợ huyện bán. Bà thích đi chợ huyện, đôi khi chẳng để mua gì.
– Bà ạ. Thằng Đông…
Bà giật mình, con dao sắc lạnh đi một đường đứt phăng sợi lạt dẻo mềm bà đang chẻ.
Ông nhìn sợi lạt đứt rơi xuống nền đất, lại nhìn bà. Bà chờ đợi ông nói tiếp:
– Nó sao hả ông?
– À, nó ốm, bà nấu cái gì cho nó ăn đi.
Bà khẽ thở dài, với tay dọn chỗ lạt đang chẻ dở. Ông lặng lẽ bước lên nhà.
Ông ngồi bên cửa sổ, nơi những chùm bánh tình nhân khác treo lủng lẳng trên đầu. Điếu thuốc hết đầy lại cạn. Ông nhìn xa xăm về phía con đường bên kia ngọn đồi đầy hoa vàng. Con đường thi thoảng mới có người đi lại. Một đôi trai gái trên chiếc xe tay ga lướt qua.
– Không phải Quý bỏ cháu bác ạ. Thằng Vĩnh đi lấy bùa về, bỏ cho Quý.
Hai chữ “bỏ bùa” như rau ngải, đã nhai nuốt từ lâu mà vị đắng còn lẩn quất trong vòm họng.
– Cháu phải làm gì bác ơi. Ông Chế bỏ bùa cao lắm, bùa người khác không giải được.
Đông tuyệt vọng. Người yêu Đông bị người ta bỏ bùa. Khắp xứ Mường Thàng, kẻ bỏ bùa giỏi nhất là lão Chế. Lão Chế…
Bà nấu xong nồi cháo, múc ra bát rồi lần theo những bậc đá, qua gốc cây mận để mang xuống cho Đông. Ông đứng dậy, loạng choạng vì thiếu máu lên não. Bấu tay vào thành cửa, đầu ông va vào chùm bánh tình nhân đu đưa. Bốn mươi năm trước bà đã làm bánh tình nhân treo ở khung cửa sổ nhà sàn. Bốn mươi năm trước, bà đã đan lồng mây tre đi chợ huyện.
Bốn mươi năm trước, chàng trai tên Chức thầm thương nhớ người con gái xinh đẹp xóm Châu Yên. Bốn mươi năm trước, người con gái ấy đã có người hò hẹn.
Người ấy tên là Chế.
Có tiếng Đông gọi dưới sân. Bà mang lồng mây tre xuống chợ huyện từ sớm. Ông không đi rừng, nằm nghe tiếng chim cu gù từ đồi xa vẳng lại.
– Bác ốm à?
Đông bước nhẹ chân trên nền nhà sàn gỗ mát lạnh. Ông vẫn nằm im. Tiếng chim cu gù giữa buổi trưa mênh mông nắng gió vọng về. Ông không trả lời. Đông lại chỗ cửa sổ, nơi những chùm bánh tình nhân treo trên đỉnh đầu. Năm nay Đông không muốn ăn bánh tình nhân bà gói. Đông thất tình, Đông còn mải buồn khổ.
– Mày thương nó thế kia à? Nó dính bùa, theo người ta rồi, mày còn thương nhớ làm gì nữa.
Đông nhìn xa xăm con đường bên kia đồi hoa cúc. Cái nhìn kia sao buồn đến thế. Bốn mươi năm trước hẳn lão Chế trai trẻ cũng từng ngồi bên cửa sổ nhà sàn và buồn đến thế. Bốn mươi năm trước ông bỏ bùa bà. Bà theo về làm vợ ông vô điều kiện.
Ánh trăng đầu tháng hé đỏ trên đỉnh ngọn đồi trước nhà. Trong nhà, bà tắt điện, chỉ có ánh lửa bập bùng đun siêu nước sắp sôi. Ngoài trời, ánh trăng trườn ngang sườn đồi đầy gió.
– Thằng Đông ốm nặng ông ạ.
Giọng bà buồn trĩu. Ông khục khặc ho. Ông đâu ngờ mối tình đó làm Đông suy sụp đến vậy. Nó khiến trái tim già nua của ông đau buồn, hệt như trái tim Đông đã nhảy vào chễm chệ trong lồng ngực ông vậy.
Ông thức trắng mấy đêm, cho đến khi ông đứng sát con suối chảy róc rách bên chân cột nhà sàn của Đông. Ông muốn cho Đông thứ Đông cần, thứ mà bốn mươi năm qua ông đào sâu chôn chặt.
Ông lặng lẽ bước chân vào ngôi nhà sàn. Đông đang ngồi bên bếp lửa.
Ngày về với ông, bà cũng lặng lẽ bước chân vào nhà sàn như thế. Khi ấy bà là một cô gái đẹp. Bà đã có người yêu. Người yêu bà là Chế, chàng trai hồn hậu và chân tình. Ngày bà về với ông, bà mang thai đứa trẻ ấy. Đứa trẻ sinh non bên dòng suối, chỗ ông đang đứng đây. Nó không sống được. Bà đau khổ. Bà như đã chết.
Ông chôn đứa trẻ. Nó là đứa con hoang của mối tình oan trái. Nó sẽ không chết nếu mẹ nó không đi chợ huyện, không gặp chàng trai bỏ bùa yêu giỏi nhất xóm Vân Dương và cả xứ Mường Thàng, bị anh ta say mê rồi theo về vô điều kiện.
Bốn mươi năm trước chàng trai bỏ bùa yêu giỏi nhất xứ Mường Thàng đã thề dưới ánh trăng bên dòng suối, dưới chân đồi hoa cúc đang bung nở những bông vàng rực, thề rằng sẽ vĩnh viễn không chạm tay vào những lá bùa. Chỉ cần người con gái chàng yêu nguyện ở lại bên chàng. Họ sinh con và sống bên nhau, đã bốn mươi năm rồi.
Nhưng chàng nào đâu biết, từ đó, người con trai tên Chế kia đã trở thành tay bỏ bùa yêu giỏi nhất Mường Thàng. Ai muốn có người mình yêu chỉ cần gặp lão. Ai muốn tìm lại tình yêu, cũng chỉ cần gặp lão.
Câu duy nhất mà ông hỏi Đông chính là: “Mày muốn đòi cái Quý lại phải không?”. Hoa cúc mặt trời chưa tàn. Khắp các ngọn đồi trước nhà vẫn còn nhức nhối màu vàng rực. Trên con đường vắt ngang đồi, Quý lỉnh kỉnh ba lô, túi xách, quyết về xuôi học làm người thành thị.
Ông gặp Đông trên cây cầu bắc ngang dòng suối. Lẽ nào bốn mươi năm qua, thứ bùa yêu của ông đã không còn linh nghiệm. Ông đã vượt qua lời nguyền để giúp Đông níu giữ người yêu. Tại sao người vẫn ra đi? Hay thứ bùa ngải của lão Chế đã đạt tới tầm không ai vượt nổi?
Hai bác cháu ngồi tựa thành cầu, nhìn hai ngôi nhà cô đơn, một dưới chân đồi, một ngang lưng đồi. Trên bậu cửa ngôi nhà lưng đồi, bà đang ngồi chẻ lạt.
– Cháu không làm gì bác ạ, vì cháu nhận ra ánh mắt Quý không dành cho cháu nữa.
Khác với Quý, ánh mắt bà lúc nào cũng buồn, cũng nhìn xa xăm về phía những ngọn đồi. Ông chợt nhớ đến một câu nói mà ông đã từng nghe: “Đôi khi, tình yêu khiến máu trong tim ta đen lại”.
Truyện ngắn của Phạm Thanh Thủy – Theo Tiếp Thị Gia Đình