Chúng ta có thói quen “kéo dài tuổi thọ” của thực phẩm bằng cách cất giữ nó trong tủ lạnh. Khi không được bảo quản đúng cách, thực phẩm dù đã nấu chín cũng sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Nếu ăn vào sẽ gây hại cho cơ thể.
Quy tắc 2 giờ khi đồ ăn “rời xa” tủ lạnh
Với câu hỏi nên ăn hay bỏ thực phẩm không được bảo quản trong tủ lạnh, ta cần xem xét đến 2 yếu tố là thời gian và nhiệt độ.
Theo FDA, không nên để thức ăn ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ đồng hồ. Bởi sau khoảng thời gian này, thức ăn sẽ đem đến nhiều rủi ro cho sức khỏe hơn là lợi ích.
Ở môi trường có nhiệt độ từ 32°C trở lên, thức ăn thừa buộc phải được bảo quản trong tủ lạnh (ở nhiệt độ dưới 4°C). Nếu không có sự hỗ trợ của tủ lạnh, bạn chỉ được phép để thức ăn ở bên ngoài tối đa 1 giờ đồng hồ.
Đừng “cứu vãn” đồ ăn bằng cách hâm nóng!
Các nhà khoa học đồng ý rằng hầu hết các loài vi khuẩn phát triển rất nhanh. Nghiên cứu tại Đại học Nebraska Lincoln chỉ ra chỉ 1 con vi khuẩn có thể phát triển thành hơn 2 triệu con vi khuẩn khác trong vòng 7 giờ khi chúng tồn tại ở nhiệt độ phòng.
Nhiều người có suy nghĩ vô tư là để thức ăn đã nấu chín ở ngoài tủ lạnh. Đến bữa ăn hoặc muốn ăn tiếp thì chỉ cần hâm lại là xong. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, tụ cầu và vi khuẩn Bacillus cereus tạo ra độc tố kháng nhiệt không thể bị phá hủy ở nhiệt độ cao.
Bạn nên biết!
Cẩn thận với các món ăn từ thịt gia cầm, trứng và sữa
Thịt gia cầm, các sản phẩm từ trứng, món cần ăn lạnh như salad, bánh kem, nhân bánh sandwich, sữa… là những thực phẩm dễ gây ngộ độc do nhiễm tụ cầu. Nếu bạn để chúng quá lâu ở bên ngoài mà không bảo quản bằng tủ lạnh, chúng sẽ gây ngộ độc. Nhẹ thì sốt, nôn mửa, tiêu chảy, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tê liệt, tử vong.
Tiếp Thị Gia Đình