Ý tưởng ra đời robot pha chế công nghệ AI
Yanu có trụ sở tại Estonia chắc hẳn là thương hiệu đầu tiên trên thế giới phát triển robot pha chế tích hợp trí tuệ nhân tạo. Năm 2016, Alan Adojaan – dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn đã nhận thấy rằng mỗi khi đến cuối tuần, quán bar của anh thường rơi vào tình trạng quá tải.
Alan mừng thầm khi quán đông khách, song cũng không tránh khỏi nỗi sợ mơ hồ khi thấy khách xếp hàng dài chỉ để chờ đợi 1 ly đồ uống. Một số vị khách thiếu kiên nhẫn đã bỏ đi trước khi tới được quầy gọi món. Điều này khiến danh tiếng của quán bar bị ảnh hưởng, đồng thời mất đi một lượng khách tiềm năng. Nếu tuyển thêm nhân viên thì tốn thêm chi phí mà những ngày trong tuần lại không nhiều việc. Alan nghĩ đến một giải pháp cho chuyện này. Bằng cách chế tạo robot pha chế dựa trên AI, quán bar có thể tiếp đón khách hàng bất cứ khi nào. Nó giúp giảm bớt tình trạng xếp hàng dài chờ đợi, đồng thời loại trừ khả năng nhân viên order nhầm thức uống. Chatbot AI có khả năng giao tiếp như con người, nâng trải nghiệm khách hàng lên tầm cao mới.
Vạn sự khởi đầu nan
Đầu tiên, Alan hình dung về chiếc máy – giống như robot tại các nhà hàng sushi – giúp phục vụ đồ uống nhanh hơn cho khách hàng. Để biến ý tưởng thành hiện thực, Alan tham khảo ý kiến của trường đại học tại địa phương. Song họ nói dự án sẽ không khả thi. Bởi vẫn cần có người vận hành và theo dõi máy móc. Lời từ chối không khiến cho anh nản lòng, ngược lại nó khiến Alan thêm cố gắng và ngẫm lại ý tưởng của mình.
Sau khi tìm được một vài nhà thiết kế với tay nghề cao, Alan bắt tay chế tạo robot pha chế tự động. Chỉ trong vòng 4 năm, nhóm thiết kế đã phát triển nguyên mẫu đầu tiên của robot pha chế. Ở lần thử nghiệm đầu tiên, robot phục vụ được 46 ly trong vòng 5 giờ. Tuy mọi thứ không suôn sẻ lắm, nhưng họ đã nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Điều này chứng minh Alan và đồng nghiệp đã đi đúng hướng. Phiên bản mới nhất của robot pha chế Yanu có khả năng chuẩn bị và phục vụ tối đa 100 đồ uống/giờ và có thể refill tới 1.200 ly.
Dù robot Yanu vẫn trong quá trình thử nghiệm, Alan – hiện đã là CEO của công ty Yanu cho biết họ nhận được ít nhất 10 yêu cầu về thông tin sản phẩm mỗi tuần. Một số công ty tương tự như Yanu cũng đạt được những thành công ở Mỹ. Cecilia là robot pha chế sử dụng trí tuệ nhân tạo, có thể pha tới 100 đồ uống/giờ và mang đến trải nghiệm pha chế theo yêu cầu khách hàng. Không giống như Yanu sử dụng cánh tay robot, Cecilia xuất hiện trước khách hàng với hình ảnh gần gũi hơn. Đó là một phụ nữ do CGI tạo ra trên màn hình. Cecilia có khả năng ứng phó với yêu cầu của khách khi bị hết hàng và thậm chí có thể đưa ra các đề xuất về đồ uống.
Liệu robot pha chế có thể thay thế bartender?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Robot pha chế được lập trình hàng trăm công thức đồ uống để phục vụ khách hàng, xử lý đơn hàng một cách nhanh chóng. Nhờ trí tuệ nhân tạo, robot cũng có khả năng giao tiếp với khách hàng quen và bán hàng hoàn toàn tự chủ. Đó là điểm mạnh không thể chối bỏ, nhưng một số người luôn tin rằng robot không bao giờ thay thế được con người. Bởi pha chế là một nghệ thuật mà bartender phải mất hàng năm trời để học hỏi, luyện tập. Sự sáng tạo trong cách pha chế đồ uống của từng bartender sẽ đem đến cho khách hàng trải nghiệm khác nhau.
Với ai theo chủ nghĩa “uống rượu giải sầu”, thứ duy nhất họ cần khi ghé quán bar có lẽ là một người để tâm sự. Và đối tượng tiềm năng nhất chính là các bartender. Thậm chí một bartender có khiếu trò chuyện sẽ giúp quán giữ chân khách hàng. Chính CEO của Yanu cũng thừa nhận, ở quán bar sang trọng – nơi mỗi thức uống đều là tác phẩm nghệ thuật từ người pha chế thì robot không thể thay thế được con người. Robot pha chế chỉ thích hợp với hàng quán đông đúc, cần phục vụ nhanh, rẻ, hoạt động 24/7 mà không quan tâm đến các khía cạnh khác.
Tiếp Thị Gia Đình