Người xưa có câu: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Quả thực, nuôi nấng một đứa trẻ nên người không phải chuyện dễ dàng. Ngoài chăm lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, việc rèn luyện những đức tính tốt, trong đó có sự trung thực là điều khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.
Tại sao trẻ con trở nên thiếu trung thực?
Trẻ con nói dối vì nhiều lý do. Và tin được không, một trong số đó bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú của trẻ. Ở lớp học, con có thể ba hoa với bạn rằng “Mình đã từng nhìn thấy một con khủng long ăn cỏ”. Ai cũng biết đây không phải sự thật. Lời nói dối là cách để trẻ gây ấn tượng với bạn bè.
Có những đứa trẻ cảm thấy phấn khích khi người khác tin vào lời nói dối của chúng. Lâu dần, trẻ có thể nghiện cảm giác này và số lượng lời nói dối ngày càng leo thang.
Trẻ nói dối vì không muốn chịu trách nhiệm
Nhiều đứa trẻ nói dối vì chúng không muốn chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Một ví dụ điển hình là khi con bị điểm kém, con có xu hướng né tránh thậm chí nói dối một số điểm cao hơn. Con đùa nghịch làm vỡ bình hoa, vì sợ cha mẹ la mắng nên rất có thể con sẽ đổ lỗi cho thú cưng trong nhà.
Thiếu trung thực khi trẻ cảm thấy xấu hổ
Một vài đứa trẻ sẽ nói dối về những món quà sinh nhật mà chúng nhận được. Chỉ đơn giản vì chúng cảm thấy xấu hổ vì thực tế. Trẻ em cũng rất nhạy cảm. Chúng có thể nghĩ rằng người khác coi thường mình vì hoàn cảnh khó khăn.
Nói dối vì chứng rối loạn tăng động
Những đứa trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể nói dối thường xuyên hơn. Theo thông tin từ Tổ chức New Life New Outlook (Canada), trẻ em mắc chứng ADHD dễ hành động bốc đồng. Biểu hiện qua những lời nói dối như một thói quen, không suy tính trước.
>> Xem thêm: Khen phạt công tâm, ấm lòng con trẻ
Làm thế nào để dạy con trung thực từ khi còn nhỏ?
Nói dối là một thói quen, trung thực cũng vậy. Cha mẹ nên có sự uốn nắn phù hợp để dạy con thói quen trung thực ngay từ khi còn nhỏ.
Cha mẹ là tấm gương
Một trong số phương pháp dạy con tốt nhất đó là cha mẹ hãy trở thành tấm gương. Nếu bạn thường xuyên nói dối trước mặt con, chúng sẽ mặc định đây là hành vi được phép. Đôi khi, cách bạn hành động có ảnh hưởng nhiều hơn lời bạn nói.
Cho con biết về hậu quả của việc nói dối
Hãy nghiêm khắc khi nói về hình phạt dành cho người thiếu trung thực. Trẻ em có xu hướng nói ra sự thật nhiều hơn khi chúng hiểu rằng việc nói dối chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ.
Tạo điều kiện để con trung thực
Nếu bạn đã biết sự thật, hãy tạo điều kiện để con tự mình nói ra điều đó. Nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm khi vờ như họ không biết gì chỉ để nghe xem con mình sẽ nói dối ra sao. Sau đó họ bóc mẽ đứa trẻ và tận hưởng cảm giác “nắm thóp” con. Điều này chẳng tốt chút nào!
Thay vì tìm cách chứng minh con là kẻ nói dối, hãy tạo điều kiện để trẻ trung thực. Ví dụ, bạn có thể nói “Mẹ sẽ tha thứ nếu con thành thật ngay lúc này”.
Khi con thành thật, hãy khen ngợi!
Lời nói của cha mẹ có sức nặng đối với tâm trí trẻ. Sử dụng biện pháp củng cố tích cực bằng cách khen ngợi con khi chúng nói thật. Hãy cho trẻ biết tại sao bạn lại đánh giá cao sự trung thực.
Tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm
Cho con biết rằng bạn không mong đợi chúng trở nên hoàn hảo. Mà quan trọng chính là biết sửa đổi bản thân sau những sai lầm. Khi phát hiện con nói dối, hãy đưa ra đề nghị: “Cha/mẹ sẽ cho con 10 phút để suy nghĩ về mọi thứ, sau đó chúng ta sẽ nói chuyện lại với nhau về vấn đề này.”
Tiếp Thị Gia Đình